Nhiều điểm sáng

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm đạt 7,08% trong 6 tháng đầu năm, mức cao nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ 2011. Kết quả này giúp giảm áp lực điều hành trong 6 tháng cuối năm nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phục hồi rõ rệt, tăng 3,99% trong quý II/2018 và 3,93% trong 6 tháng đầu năm 2018; tuy còn thách thức liên quan đến EU vẫn giữ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam và Trung Quốc có khả năng tăng yêu cầu chất lượng đối với hàng nông sản Việt Nam.

Tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 8,46%, với điểm sáng là tăng trưởng cao của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm sự phụ thuộc vào khu vực khai khoáng.

Một dấu hiệu tích cực khác đó là lạm phát cơ bản vẫn ổn định ở mức thấp, trung bình tăng 1,35% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Có thể nói, những con số tăng trưởng đạt được trong 6 tháng đầu năm 2018 là khá khởi sắc.

Cùng với những điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý II/2018, các dự báo cho thấy, năm 2018, Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng cao.

Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra mức dự báo về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 ở mức giữ nguyên như đánh giá đầu năm nay, đạt 7,1%. Đây là đánh giá tích cực trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có dấu hiệu gia tăng.

Bản cập nhật mới nhất của báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới công bố cho hay, tăng trưởng của Việt Nam được dự báo ở mức 6,6% vào năm 2018. Lạm phát được dự báo sẽ ở khoảng dưới mức mục tiêu 4% do giá dầu cao hơn.

IMF cho rằng nếu các cải cách được duy trì với tốc độ hiện tại, tăng trưởng hằng năm của Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt 6,5% sau năm 2018.

Trong nước, dự báo mới công bố mới đây của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), tăng trưởng kinh tế năm 2018 (cập nhật) có thể đạt mức 6,71%. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 12,11%. Thặng dư thương mại dự báo ở mức 1,2 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2018 đạt 3,93%.

Trước đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR dự báo, tăng trưởng cả năm 2018 đạt 6,8%.

Song, vẫn còn nhiều quan ngại về chất lượng tăng trưởng

Tuy nhiên, đi sâu vào phân tích tăng trưởng của Việt Nam trong nửa năm đầu 2018, các chuyên gia của CIEM đã chỉ ra 3 quan ngại. Một là, mức độ chuyển biến về chất lượng tăng trưởng còn chưa thực sự rõ nét. Hy vọng gia tăng khai khoáng để thúc đẩy tăng trưởng ít nhiều được nhen nhóm, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu thế giới được dự báo sẽ tăng.

Hai là, áp lực lạm phát còn hiện hữu, do kỳ vọng về tác động của những yếu tố như tăng phí bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, khả năng tăng lương tối thiểu vùng 2019, và khả năng tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (nếu lạm phát đến cuối năm còn cách biệt so với mục tiêu đề ra).

Ba là, khả năng duy trì đà cải cách kinh tế vi mô nói chung và cải cách môi trường kinh doanh nói riêng là một dấu hỏi lớn. Truyền tải quyết tâm cải cách từ lãnh đạo không ít bộ, ngành đến đội ngũ cán bộ thừa hành còn khá chậm. Một số bộ, ngành dường như muốn tập trung vào các kịch bản điều hành tăng trưởng ngành ở tầm vĩ mô, song bỏ quên/không nhận thức được rằng cắt giảm các điều kiện kinh doanh cũng là một bộ phận trong các kịch bản ấy.

Bên cạnh các quan ngại trên, yếu tố căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ là một thử thách lớn đối với năng lực điều hành và cải cách kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Còn PGS, TS. Ngô Thắng Lợi (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) chỉ rõ, đã có những biểu hiện lo ngại tồn tại lâu trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, có những dấu hiệu mới được khẳng định từ những biểu hiện rõ nét ở 6 tháng đầu năm 2018. Những dấu hiệu này có thể sẽ làm xấu đi bức tranh tăng trưởng của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2018 và những năm tiếp sau phấn đấu cho mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.

Trước hết, về xu hướng giảm dần trong tăng trưởng 6 tháng đầu năm. CỤ thể, dù tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 7,08%, nhưng quý II chỉ đạt 6,79%, có sự suy giảm khá lớn so với quý I (đạt tới 7,45%).

“Đây là dấu hiệu cho thấy, tính không bền vững trong tăng trưởng của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm và cảnh báo đối với việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%-6,8% cả năm 2018”, vị chuyên gia này nhận định.

Một chỉ số khác cũng đáng quan tâm đó là biểu hiện suy giảm trong tăng trưởng xuất khẩu có biểu hiện suy giảm, nhất là khu vực FDI. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm có biểu hiện suy giảm (chỉ đạt 16%) so với 6 tháng đầu năm 2017 (đạt 18%).

Việc suy giảm tăng trưởng xuất khẩu không phải chỉ do giảm sản lượng dầu thô xuất khẩu, mà còn do sự giảm sút tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm của một số sản phẩm thuộc ngành chế biến, chế tạo, như: cà phê (giảm 6%); chè (giảm 8,8%); đặc biệt là tiêu (giảm 35,7%).

Mặt khác, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy vậy, tăng trưởng xuất khẩu ở khu vực này có sự giảm sút lớn. Nếu 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu từ khu vực FDI đạt 21%, thì con số này 6 tháng đầu năm 2018 còn 14% (quý II chỉ đạt 5,6%).

Sự suy giảm tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Ngoài ra, tăng trưởng năng suất lao động xã hội 6 tháng đầu năm 2018 đạt mức 6% (vượt kế hoạch đặt ra), quý I/2018 đạt 6,28%, gần bằng mức cao nhất (đạt được năm 2015). Tuy nhiên, mức này lại không duy trì được ở quý II (giảm đi chỉ bằng 81%).

Cần phải làm gì?

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hiện nay, tại một cuộc hội thảo gần đây, TS. Nguyễn Đình Cung Viện trưởng CIEM đã phải nhắc đi nhắc lại yêu cầu, Chính phủ cần cố gắng không mất đà tăng trưởng.

Với việc Mỹ đe dọa thêm thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, Việt Nam lo ngại rằng các sản phẩm của Trung Quốc như hàng may mặc, da và đồ nội thất sẽ tràn ngập thị trường nội địa. “Bộ Công Thương đang làm việc để ngăn chặn một tình huống như vậy”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Còn chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, các bộ cần phối hợp với nhau để đưa ra một số biện pháp phi thuế quan nhằm hạn chế dòng vốn lớn của các sản phẩm Trung Quốc.

Các chuyên gia cho hay cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra chất lượng tại các trạm kiểm soát biên giới và tăng yêu cầu về chất lượng,.

Còn chuyên gia Nguyễn Anh Dương (CIEM) cho rằng, công tác điều hành hiện cần tránh vội vã để hạn chế tác động bất lợi đối với tâm lý nhà đầu tư.

Điều hành linh hoạt hướng tới ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô là cần thiết, nhưng phải dựa trên kết hợp nhiều công cụ chính sách, thay vì điều chỉnh mạnh một công cụ nhất định. Chính ở đây, tư duy “trọng thương” có thể không phù hợp trong ngắn hạn.

Đồng thời, Việt Nam vẫn cần duy trì ủng hộ đối với các cơ chế hợp tác thương mại đa phương hoặc nhiều bên, bởi ngả về thương mại song phương với riêng một đối tác lớn cụ thể nào đó khó có thể có lợi cho bất kỳ nền kinh tế nhỏ nào, kể cả trong ngắn hạn.

Đề xuất giải pháp cụ thể hơn trong ngành công nghiệp, PGS, TS. Ngô Thắng Lợi chỉ ra hiện tượng, sau một thời gian dài khai thác, các mỏ dầu lớn của Việt Nam đã đi vào giai đoạn suy giảm sản lượng. Vì vậy, việc nghiên cứu các giải pháp kiềm chế đà suy giảm sản lượng, cải thiện hiệu quả khai thác và gia tăng hệ số thu hồi dầu đối với các mỏ dầu khí hiện nay là nhiệm vụ khá cấp thiết đặt ra./.