Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Những kết quả đạt được

Để phản ánh, cung cấp thông tin quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đã xây dựng Khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Trên cơ sở Khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá đề xuất và nguồn số liệu hiện có, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thí điểm đánh giá quá trình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn 2016-2017.

Thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, chuyển đổi cơ cấu kinh tế không chỉ diễn ra ở các ngành kinh tế mà những năm gần đây, xu hướng chuyển đổi trong nội bộ ngành cũng diễn ra tích cực.

Trong sản xuất nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ loại cây có giá trị thấp sang loại cây có giá trị cao hoặc nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả rõ rệt. Một số nông sản lớn, chủ lực đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, bảo đảm đứng vững khi hội nhập quốc tế.

Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu đã thể hiện khá rõ kết quả, cụ thể: tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường tiêu thụ như thủy sản (nhất là tôm nước lợ), rau, hoa quả, các loại cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm sản; giảm các ngành hàng, sản phẩm đang có xu hướng tăng cung như lúa gạo; tăng tỷ trọng hàng chất lượng cao trong tổng sản lượng sản xuất và hàng xuất khẩu như thủy sản, đồ gỗ...

Lĩnh vực công nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng dần qua các năm.

Năm 2017, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng 14,4%, cao nhất từ kể từ năm 2010; đồng thời, ngành khai khoáng giảm mạnh 7,1%. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng từ 13,69% năm 2015 lên 14,27% năm 2016 và 15,33% năm 2017.

Khu vực dịch vụ được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm có năng lực cạnh tranh.

Cơ cấu lao động có sự dịch chuyển theo hướng tích cực. Tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tổng số lao động cả nước giảm mạnh, từ 44% năm 2015 xuống còn 40,2% năm 2017 (giảm gần 4 điểm phần trăm), tiến sát mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2016-2020 (tỷ trọng xuống dưới 40%).

Các bộ, ngành, địa phương còn chưa thực sự chủ động

Báo cáo về việc triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu theo Nghị quyết 27, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo đánh giá sơ bộ, có 25,8% nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả rõ ràng, 57,5% số nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng, và 16,7% nhiệm vụ triển khai chậm hoặc chưa triển khai.

Các nhóm định hướng, chính sách lớn có tỷ lệ nhiệm vụ đạt kết quả rõ ràng ở mức cao bao gồm ổn định kinh tế vĩ mô (66,7% số nhiệm vụ), cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (62,5% số nhiệm vụ), hoàn thiện thể chế kinh tế (35,7%) và cơ cấu lại đầu tư công (khoảng 33,3%).

Các nhóm định hướng, chính sách lớn có tỷ lệ nhiệm vụ đạt kết quả rõ ràng ở mức thấp bao gồm: đổi mới cách thức liên kết giữa các địa phương trong phát triển kinh tế vùng; cơ cấu lại các ngành công nghiệp; và phát triển thị trường các nhân tố sản xuất.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn một số tồn tại, hạn chế như sau:

Một là, một số bộ, ngành, địa phương chậm hoặc chưa ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 27.

Hai là, một số nhiệm vụ được thực hiện chậm so với tiến độ được giao, một số nhiệm vụ xin lùi thời hạn, một số nhiệm vụ được thực hiện đúng thời hạn nhưng chưa tạo ra được các đột phá chính sách và có tác động rõ ràng trên thực tế.

Ba là, các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế mang tính liên ngành, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn trong việc phối hợp chỉ đạo, tổ chức triển khai, theo dõi và giám sát. Đó là các nhiệm vụ như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp, hoàn thiện và phát triển thị trường các nhân tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Bốn là, sự lan tỏa về cải cách thể chế và cơ cấu lại nền kinh tế còn yếu và chưa đồng đều. Các bộ, ngành, địa phương còn chưa thực sự chủ động và quyết liệt trong việc đề xuất về cải cách cơ chế, chính sách cơ cấu lại nền kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Năm là, việc thực hiện chế độ báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao còn một số hạn chế. Hết thời hạn báo cáo năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ nhận được báo cáo của 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, chất lượng báo cáo chưa đạt yêu cầu; chưa đánh giá được chất lượng tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trong phạm vi trách nhiệm quản lý.

Năm giải pháp cần thực hiện thời gian tới

TS. Nguyễn Đình Cung, Tổ trưởng Tổ Thư ký Ban Chỉ đạo cho rằng việc tái cơ cấu đạt được mục tiêu đặt ra thì có thể giúp tăng trưởng đến 7,5%/năm hoặc cao hơn và duy trì tốc độ này đến năm 2025.

Vì thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, trong giai đoạn 2018-2020 ,cần tiếp tục đẩy mạnh thực chất cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phải xác định đó là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; và việc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra về cơ cấu lại nền kinh tế sẽ là động lực quan trọng hàng đầu để duy trì tốc độ tăng trưởng cao và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế trong giai đoạn 2018 -2025.

Một số đề xuất về tổ chức thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, bao gồm:

Thứ nhất, tổ chức các Hội nghị định kỳ hàng năm của Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; và các cuộc họp và hội nghị chuyên ngành về các nhóm nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế.

Thứ hai, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các địa phương liên quan xây dựng và để xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý 3 năm 2018 Bộ tiêu chí đánh giá kết quả quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, trên cơ sở tham khảo các thông lệ tốt của thế giới.

Thứ ba, tổ chức các đoàn công tác tiến hành nghiên cứu, giám sát về cơ cấu lại kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng tại các Bộ, ngành, địa phương theo các nhóm nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế. Xây dựng báo cáo rà soát đánh giá về các rào cản luật pháp trong một số lĩnh vực trọng tâm của cơ cấu lại nền kinh tế.

Thứ tư, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động đề xuất các giải pháp sáng tạo và đột phá thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế trong lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là các giải pháp có tính liên ngành, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan. Trên cơ sở đó, yêu cầu cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo tổng hợp và trình Báo cáo đề xuất giải pháp về các lĩnh vực trọng tâm cơ cấu lại kinh tế.

Thứ năm, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chế độ theo dõi và báo cáo về cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng./.