TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo phát biểu tại Tọa đàm

Vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thay mặt nhóm nghiên cứu của NCEIF, TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo nhận định, với vai trò là năm bản lề của giai đoạn 5 năm phát triển 2016-2020, sự phát triển kinh tế trong năm 2018 có vai trò rất quan trọng trong khả năng hoàn thành Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Việt Nam.

Nửa đầu năm 2018, nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận những bước phát triển ngoạn mục, rất đáng mừng. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ước đạt 7,08%, mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2011 tới nay. Thành tích này đạt được là nhờ vào nỗ lực từ cả yếu tố quốc tế và yếu tố nội địa.

Về ngoại lực, sự phát triển đáng khả quan của nền kinh tế quốc tế 6 tháng đầu năm nói chung và của các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam nói riêng đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế trong nước.

Đặc biệt, xu hướng hội nhập kinh tế cùng sự hỗ trợ từ các hiệp định thương mại quốc tế đã mở rộng cơ hội thâm nhập thị trường cũng như đón nhận các dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Chính sự hồi phục và phát triển mạnh mẽ của kinh tế quốc tế đã giúp tăng trưởng thương mại quốc tế của Việt Nam đạt được những bước phát triển đáng ngoạn mục. 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã liên tục xuất siêu với mức xuất siêu lên tới hơn 2 tỷ USD, tăng trưởng xuất, nhập khẩu đều đạt trên 10%.

Về nội lực, 6 tháng đầu năm, khu vực công nghiệp và xây dựng đã tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng lên tới 9,28%, cao hơn nhiều so với 2 năm trước đó. Đặc biệt, sự tăng trưởng này được hỗ trợ từ sự tăng trưởng đáng mừng của khu vực công nghiệp chế biến với mức tăng lên tới 13,02%. Bên cạnh công nghiệp và xây dựng; nông lâm nghiệp thủy sản và dịch vụ cũng có những bước tăng đáng ngạc nhiên, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Trước nhất, tuy tăng trưởng GDP đáng ấn tượng trong nửa đầu năm, tăng trưởng quý II/ 2018 có mức chênh lệch giảm cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Từ mức tăng kinh ngạc 7,45% trong quý I, tăng trưởng quý II chỉ đạt 6,59%, giảm gần 1 điểm %.

TS. Đặng Đức Anh đánh giá, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm mặc dù ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây, nhưng đang có dấu hiệu "mất đà" do thiếu động lực hỗ trợ. Đây không chỉ là vấn đề cần lưu tâm của kinh tế nửa cuối năm 2018 mà còn là của cả giai đoạn 2019 - 2020.

“Lực đẩy cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm đang giảm sút. Nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm chưa rõ ràng, trong khi công nghiệp chế biến chế tạo vốn được coi là động lực, nhưng lại phụ thuộc FDI và thu hút FDI đang bão hòa. Lực đẩy từ khu vực FDI đang mất dần, song không có động lức mới bổ sung. Bản thân công nghiệp chế biến chế tạo chủ yếu vẫn hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tác dụng của các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh chưa thấy tác động rõ nét, chưa lượng hóa được các chính sách đặt ra đã đóng góp bao nhiêu cho tăng trưởng kinh tế.

Đã vậy, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng là vấn đề sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam, tuy chưa phải là những tác động trực tiếp nhưng cần hết sức cẩn trọng với tác động dây chuyền theo kiểu “domino” mà cuộc chiến này có thể mang tới.

Không những thế, lạm phát đang có dấu hiệu tăng trở lại khi chỉ số CPI tháng 6 đã đạt mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây, điều chỉnh tăng tới 0,61% so với tháng trước. Trong đó, giá tăng trên hầu hết các nhóm mặt hàng và dịch vụ. Điều này dấy lên lo ngại về một đợt tăng giá nữa trong tương lai không xa. Không chỉ tăng về giá tiêu dùng, giá bất động sản cũng đang bị điều chỉnh tăng, nhiều nơi tăng tới 2-3 lần, tạo những quan ngại về một đợt “ bong bóng” bất động sản sắp diễn ra.

Dòng vốn đầu tư của các nước cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề. Về vốn đầu tư từ nhà nước, 6 tháng đầu năm nền kinh tế vẫn chưa giải ngân được 30% kế hoạch, cá biệt nhiều bộ ngành mới giải ngân được 10% kế hoạch. Dòng vốn FDI tuy vẫn giải ngân khá nhưng lại đang chịu ảnh hưởng của xu thế dịch chuyển chung của toàn cầu, nhiều dấu hiệu rút vốn đầu tư đang hình thành.

Biểu đồ: Dự báo tăng trưởng GDP theo quý

Bước sang 6 tháng cuối năm, nền kinh tế vẫn được nhận định sẽ phát triển tốt khi các yếu tố tích cực vẫn đang lấn át những ảnh hưởng tiêu cực. Do đó, báo cáo cho thấy nhiều khả năng Việt Nam vẫn hoàn thành Kế hoạch Kinh tế - xã hội năm 2018 đã đặt ra.

Theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch Kinh tế - Xã hội năm 2018 trong đó có đưa ra kế hoạch phát triển cho một số chỉ tiêu kinh tế chính, như: tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,5-6,7%, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP chiếm khoảng 33-34%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân đạt khoảng 4%, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8-10% và tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.

Đối chiếu với tình hình thực tế, có thể thấy nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 đã đón nhận nhiều tín hiệu khả quan nhờ những động lực từ nền kinh tế thế giới và nội lực kinh tế trong nước, phần lớn các chỉ tiêu chính như tốc độ tăng trưởng GDP, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đều đạt được kế hoạch đặt ra.

Đặc biệt, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được dự báo sẽ vượt kế hoạch đặt ra, đạt tới trên 7% trong năm nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cũng duy trì mức 2 con số, đạt trên 10%. Riêng chỉ tiêu tăng giá tiêu dùng tuy có cao hơn kế hoạch đặt ra, khoảng 4,5% nhưng không vẫn quanh mức kế hoạch đặt ra.

Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ đạt khoảng 6,83%. Tăng trưởng quý 3 và 4 có thể không có gì đột phá so với các năm trước; trong đó, quý I tăng trưởng 7,45%, quý II là 6,79%, quý III ước đạt 6,72% và quý IV ước đạt 6,56%. Lạm phát bình quân theo kịch bản cơ sở theo dự báo sẽ trong khoảng 4 - 4,2%./.