Chiều ngày 5/9/2018, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn: “Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020” . Hội thảo đã đánh giá một nửa chặng đường thực hiện của Đề án cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Toàn cảnh Hội thảo

Mừng thì có mừng…

Đề án cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã đi được nửa chặng đường. Nhìn lại nửa kỳ đầu thực hiện Đề án có thể thấy nhiều điểm mừng.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo xu hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ.

Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP đã giảm từ 17% năm 2015 xuống 15,34% năm 2017 và ước tính năm 2018 còn 14,44%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 33,25% năm 2015 lên 33,40% năm 2017 và 34% năm 2018; khu vực dịch vụ tăng từ 39,73% năm 2015 lên 41,26% năm 2017 và 41,61% năm 2018; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm từ 10,02% năm 2015 xuống 10% năm 2017 và còn 9,95% năm 2018.

Nếu tính cả thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm (theo giá sản xuất), tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP giảm từ 17,4% năm 2015 xuống còn 15,7% năm 2017; các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 82,6% lên 84,3% (trong đó khu vực công nghiệp từ 38,0% lên 38,1%; khu vực dịch vụ từ 44,6% lên 46,2%), tiến sát mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm khoảng 85% GDP.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế không chỉ diễn ra ở các ngành kinh tế mà những năm gần đây, xu hướng chuyển đổi trong nội bộ ngành cũng diễn ra tích cực.

Trong sản xuất nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ loại cây có giá trị thấp sang loại cây có giá trị cao hoặc nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả rõ rệt. Cơ cấu sản xuất được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường. Một số nông sản lớn, chủ lực đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, bảo đảm đứng vững khi hội nhập quốc tế.

Lĩnh vực công nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng dần qua các năm. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng từ 13,69% năm 2015 lên 14,27% năm 2016; 15,33% năm 2017 và ước tính đạt 16,21% trong 6 tháng đầu năm 2018.

Khu vực dịch vụ được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các sản phẩm, nhất là sản phẩm có năng lực cạnh tranh.

Đặc biệt ngành Du lịch bước đầu có chuyển biến tích cực, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức kỷ lục trong năm 2017 (gần 13 triệu lượt khách), ước tính cả năm 2018 đón khoảng 16 triệu lượt khách.

Nhưng, lo lại nhiều hơn

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Thư ký Ban Chỉ đạo tái cơ cấu quốc gia cho biết, Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/2/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế gồm 16 định hướng, chính sách lớn và 120 nhóm nhiệm vụ thực hiện ở cấp Bộ, ngành.

Trong đó, 25,8% nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả rõ ràng; 57,5% nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng; 16,7% nhiệm vụ đã triển khai nhưng chưa có kết quả.

Đánh giá chung, có 24% mục tiêu cơ cấu lại dự kiến hoàn thành, 32% có khả năng hoàn thành, và 41% khó hoàn thành.

Tăng trưởng GDP không còn dựa vào gia tăng tín dụng với quy mô như trước đây, nhưng mô hình tăng trưởng vẫn chưa có thay đổi rõ nét.

Năng suất lao động tăng chủ yếu do tăng cường độ vốn. Tốc độ gia tăng thâm dụng vốn (được đo bằng số vốn bình quân/lao động) tăng từ 5,9% năm 2016 lên 6,3% năm 2017, nâng mức đóng góp của vốn vào tăng năng suất lần lượt lên 58,9% và 55,8%.

Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp, năng suất lao động thấp.

Mức độ sẵn sàng cho công nghiệp chế tác tương lai ở mức độ “chưa lớn”.

Kinh tế vĩ mô ổn định; tăng trưởng phục hội, đạt mức tương đối cao; chất lượng tăng trưởng có cải thiện; cách thức tăng trưởng có thay đổi tích cực so với trước.

“Điều đáng nói là các động lực tăng trưởng hiện hành đã tới hạn và “suy giảm năng lượng nội sinh””, TS. Nguyễn Đình Cung lo lắng.

Đừng để xin – cho “đuổi” khoa học, công nghệ

Trong bối cảnh mới, người đứng đầu CIEM cho rằng, việc tiếp tục duy trì tăng trưởng cao và bền vững (ngay như mức hiện tại) là thách thức lớn.

“Nếu không thay đổi khác biệt về tư duy, cải cách thể chế, chỉ đạo điều hành phân bố, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước, và tạo cực tăng trưởng động lực cho nền kinh tế… thì không thể đạt kết quả như kỳ vọng”.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, việc chỉ đơn thuần là cải cách bộ máy như hiện nay vẫn chưa đủ, mà cần cải cách vai trò, chức năng, cách thức quản lý của nhà nước.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nếu không sử dụng khoa học, công nghệ, thì không thể đẩy lùi được xin – cho, không có cạnh tranh. Và, không có cạnh tranh thì không có khoa học, công nghệ.

Bởi, nếu còn xin cho thì doanh nghiệp không có động lực đầu tư cho khoa học, công nghệ, mà doanh nghiệp chỉ tập trung nguồn lực đi tìm quan hệ, tìm chỗ “xin-cho”.

“Điều đó có nghĩa là sẽ không có đất cho khoa học, công nghệ phát triển; đẩy khoa học công nghệ ra khỏi doanh nghiệp”, TS. Cung chua chát.

Bên cạnh đó, cần phát triển và hoàn thiện thị trường các nhân tố sản xuất, nhất là thị trường tài chính (thị trường vốn, thị trường tín dụng), thị trường quyền sử dụng đất

“Tôi đề nghị là chúng ta phải chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, đừng biện minh rằng, chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi, rồi cứ kìm hãm thị trường như hiện nay thì không có dư địa và động lực cho phát triển”, người đứng đầu CIEM đề nghị.

Về tái cơ cấu DNNN, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, thay vì nỗ lực tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, thì cần thiết phải tập trung thực hiện tái cơ cấu toàn diện, để tập trung đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp có tiềm năng phát triển.

“Ủy ban quản lý vốn phải đi vào hoạt động chậm nhất tháng 9/2018; giao ủy ban quản lý vốn các mục tiêu, chỉ tiêu về hiệu quả tài chính đủ cao để tạo thay đổi có tính bước ngoạt về hiệu quả sử dụng vốn, tài sản, thay đổi cách thức quản lý, thay đổi cách thức tuyển chọn và năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ của các tập đoàn, tcty trực thuộc (chứ không phải giao mục tiêu, nhiệm vụ ở mức đủ thấp để bất cứ ai làm cũng có thể hoàn thành như lâu nay)”, TS. Cung thể hiện rõ quan điểm.

Tái cơ cấu đầu tư nhà nước cần gắn với ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng và tăng cường vị thế vùng động lực tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh + miền Đông; Hà Nội + Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh; Đà Nẵng và Trung trung Bộ…

“Trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ, rà soát danh mục dự án đầu tư, yêu cầu bộ kế hoạch đầu tư, bộ tài chính ưu tiên bố trí vốn đầu tư nhà nước vào các dự án hạ tầng quy mô lớn, quan trọng thuộc 3 vùng động lực tăng trưởng nói trên”, TS. Cung đưa phương hướng trong thời gian tới.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 cần suy nghĩ, hành động hơn là các tuyên bố khẩu hiệu; và cũng phải bắt đầu bằng tư duy, thể chế, hạ tầng và các kế hoạch hành động cụ thể.

“Nếu cứ tư duy thiếu thị trường như hiện nay thì sẽ đẩy cách mạng 4.0 đi chứ không phải kéo 4.0 ở lại”, TS. Nguyễn Đình Cung lo lắng.

Trong thời gian tới, người đứng đầu CIEM cũng cho rằng, cần phải tăng động lực kinh tế cho Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Bởi 2 đầu tàu này chỉ cần tăng trưởng 1%, thì kinh tế cả nước có thể tăng trưởng thêm 0,5 điểm phần trăm./.