Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong năm 2018

Trên cơ sở đánh giá bối cảnh tình hình thế giới, trong nước, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng và ước thực hiện cả năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp khả năng thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua cho năm 2018.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, trong số 12 chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội giao, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong năm 2018.

Cụ thể việc thực hiện 3 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện những năm qua vẫn chưa được xử lý triệt để, nên quá trình thực hiện vẫn chậm so với yêu cầu. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng các báo cáo chuyên đề về các nội dung này để đánh giá và theo dõi kết quả thực hiện trong thời gian tới.

Phát triển giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp còn khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước; tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm còn nhiều.

Năng lực đào tạo của một số cơ sở còn hạn chế, phần lớn vẫn đào tạo theo cách thức, phương pháp cũ; chưa có nhiều doanh nghiệp và nhà trường thiết lập được cơ chế hợp tác trong đào tạo nhân lực từ việc nắm bắt nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp, hướng nghiệp cho học sinh, thiết kế, hoàn thiện chương trình, phương pháp giảng dạy và tổ chức thẩm định kết quả đào tạo.

Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vẫn là lĩnh vực nóng. Khiếu kiện về đất đai tuy có giảm dần qua từng năm, nhưng vẫn còn phức tạp ở nhiều địa phương, chủ yếu liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Công tác chỉ đạo điều hành của một số địa phương chưa theo kịp với thực tiễn nhất là ở các khu vực dự kiến thành lập đặc khu; sử dụng đất công ích, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quản lý chưa hiệu quả.

Tình hình ô nhiễm môi trường ở một số nơi vẫn diễn biến phức tạp; xử lý vi phạm về môi trường còn bất cập. Công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản còn nhiều tồn tại, chưa gắn với bảo vệ môi trường; khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra tại nhiều địa bàn. Biến đổi khí hậu ngày càng khó dự báo ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, tình hình sạt lở, sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phức tạp.

Đặc biệt, dưới sự tác động mặt trái của quá trình toàn cầu hóa, mạng internet, mạng xã hội,... ngành nội dung số trong nước đang gặp nhiều khó khăn và chịu nhiều sức ép do sự cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp cung cấp nội dung xuyên biên giới vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, rất khó khăn trong việc kiểm duyệt, kiểm soát thông tin, nhất các thông tin độc, hại lây lan qua môi trường mạng từ các máy chủ đặt ở nước ngoài, ảnh hưởng xấu tới đời sống văn hóa, xã hội của nhân dân. Đã xuất hiện nhiều loại nguy cơ, tội phạm mới và đang gia tăng nhanh chóng, như: nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia từ không gian mạng; nguy cơ sự cố mất an toàn thông tin mạng từ mạng lưới thiết bị kết nối Internet (IoT); tội phạm công nghệ cao, tội phạm qua mạng; tội phạm bạo lực, bạo hành, xâm hại trẻ em, phụ nữ... gây bức xúc xã hội.


Dự kiến năm 2019, GDP tăng 6,6-6,8% so với năm 2018

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, xu thế tích cực là chủ đạo. Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục được hưởng lợi nhờ triển vọng lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu và các yếu tố tích cực nội tại, như: môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh ít nhiều được củng cố, vị thế của một nước thu nhập trung bình và ưu tiên thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt một số rủi ro, thách thức chủ yếu. Theo đó, với độ mở lớn cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế.

Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua, dự kiến kết quả thực hiện các chỉ tiêu năm 2018, đánh giá bối cảnh trong nước và quốc tế, những thuận lợi, khó khăn của năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một trong những mục tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 là tập trung củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước đạt khoảng 6,8%.

Cụ thể dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế của năm 2019 được Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,6-6,8% so với năm 2018; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8% so với năm 2018; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-5%.

Dự kiến các cân đối lớn cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra. Cụ thể, trong năm 2019, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên dự kiến đạt khoảng 55,9 triệu người, tăng 1,97% so với năm 2018.

Trong đó, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân dự kiến đạt khoảng 54,29 triệu người, cơ cấu lao động tiếp tục dịch chuyển theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dự kiến đạt dưới 4%.

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước dự kiến đạt khoảng 1.411,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với năm 2018; tổng chi cân đối ngân sách nhà nước dự kiến đạt khoảng 1.633,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 7,2%; bội chi ngân sách nhà nước dự kiến khoảng 222 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,6% GDP.

Dự kiến khả năng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2019 đạt khoảng 2.036-2.097 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 7,7-11% so với năm 2018, bằng khoảng 33-34% GDP.

Xuất khẩu hàng hóa năm 2019 dự kiến đạt khoảng 256 tỷ USD, tăng khoảng 7-8% so với năm 2018; nhập khẩu hàng hóa dự kiến đạt khoảng 261 tỷ USD, tăng khoảng 10%; nhập siêu khoảng 5 tỷ USD, chiếm dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Dự kiến nhu cầu điện năm 2019 tăng khoảng 10,4% so với năm 2018, điện sản xuất và mua năm 2019 khoảng 230,9-232,5 tỷ KWh, tăng khoảng 8,8-9,5% so với năm 2018, điện thương phẩm khoảng 210,36-211,98 tỷ KWh, tăng khoảng 9,2-10% so với năm 2018.

Định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16% so với năm 2018; dư nợ tín dụng dự kiến tăng khoảng 15-17%; điều hành chính sách lãi suất và tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường và các cân đối kinh tế vĩ mô; tăng cường dự trữ ngoại hối; đảm bảo tính thanh khoản và an toàn hệ thống của các tổ chức tín dụng.

Dự báo cán cân thanh toán quốc tế năm 2019 tăng trưởng ổn định và cán cân tổng thể dự kiến thặng dư khoảng 11 tỷ USD, tương đương với năm 2018./.