Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 26/9 đã tiến hành nâng lãi suất cơ bản đồng USD và giữ nguyên chủ trương thắt chặt dần chính sách tiền tệ. FED nâng lãi suất cho vay qua đêm tham chiếu thêm 0,25 điểm phần trăm, lên khoảng lãi suất 2-2,25%.

Ngay sau khi FED nâng lãi suất cơ bản, giá vàng đã có chiều hướng lao dốc

Ngân hàng Trung ương của Mỹ dự kiến sẽ có thêm một đợt nâng lãi suất tiếp theo vào tháng 12 năm nay, 3 đợt nâng trong năm 2019 và một đợt nâng nữa trong năm 2020.

Cho tới khi đó, lãi suất của FED sẽ lên mức 3,4%, cao hơn khoảng nửa điểm phần trăm so với mức lãi suất "trung tính" (neutral) theo đánh giá của FED - mức lãi suất không có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế hay gây áp lực suy giảm tăng trưởng.

Tác động tới giá vàng

Ngay sau khi FED nâng lãi suất cơ bản, giá vàng đã có chiều hướng lao dốc. Giá vàng rất nhạy cảm với tỷ lệ lãi suất cao bởi lãi suất cao sẽ làm tăng giá đồng USD, và khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những nhà đầu tư bằng các đồng ngoại tệ khác.

Tuy nhiên, theo ông Walter Pehowich, Phó chủ tịch điều hành các dịch vụ đầu tư tại Dillon Gage Metals, lần tăng lãi suất thứ 3 của FED trong năm nay sẽ không làm thay đổi giá vàng.

Thay vào đó, thị trường sẽ hướng tới những dự báo kinh tế và lãi suất của FED và ý kiến của Chủ tịch FED Jerome Powell về việc dịch chuyển giá vàng khỏi mức giao dịch gần đây là 1.190-1.210 USD/ounce.

Ông Pehowich nói: "Nếu báo cáo của FED cho biết sẽ có ba đợt tăng lãi suất nữa trong năm tới, thì tôi nghĩ sẽ có sự bán tháo vàng".

Vàng giao ngay giảm 0,8% xuống còn 1.196 USD/ounce trong khi đồng bạc xanh tăng nhẹ so với các đồng tiền tệ chính khác.

Giá vàng kỳ hạn giao tháng 12 tại Mỹ giảm 6 USD, tương đương 0,5%, dừng lại ở mức 1.199,10 USD/ounce.

Giá vàng đã giảm hơn 12% so với mức cao nhất trong tháng Tư trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ sôi động, kỳ vọng về lãi suất cao hơn của Mỹ và nỗi lo sợ về một cuộc chiến thương mại toàn cầu đã khiến đồng USD tăng giá.

Các nhà đầu tư đang tìm kiếm một nơi an toàn để cất giữ tài sản có xu hướng ưa chuộng đồng USD hơn là vàng. Việc này đã làm yếu đi vai trò truyền thống của vàng như một phương tiện cất giữ tài sản an toàn, bởi các nhà đầu cơ cược rằng giá vàng sẽ giảm.

Tác động tới thị trường tài chính thế giới

Lợi suất trái phiếu kho bạc dài hạn của Mỹ giảm sau khi FED thắt chặt chính sách tiền tệ, với một số nhà đầu tư cho rằng FED sẽ đánh dấu sự thắt chặt tiền tệ nhanh hơn.

"Cuộc họp của FED đã không cung cấp hướng đi mạnh mẽ cho tiền tệ. Điều này là do quan điểm kinh tế của các nhà hoạch định chính sách và triển vọng của họ về tăng lãi suất đến năm 2020 đều như mong đợi", Junichi Ishikawa, chiến lược gia cấp cao của IG Securities cho biết.

"Trong khi đó, đồng USD đã trải qua vòng phòng thủ chống lại đồng Yen do giảm lợi suất trái phiếu và cổ phiếu yếu hơn".

Cổ phiếu của Phố Wall đảo ngược đà tăng trước đó và kết thúc giảm nhẹ vào thứ Tư (26/9). Cổ phiếu ở châu Á cũng theo sau xu hướng này vào thứ Năm (27/9), với chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc chịu tổn thất khiêm tốn.

Chỉ số đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 13 tháng qua vào giữa tháng 8, thu hút nhu cầu dự trữ tài sản an toàn khi căng thẳng liên quan đến thương mại làm tăng rủi ro của các đồng tiền khác. Chỉ số này đã giảm khoảng 2,8% so với mức đỉnh đã tăng trong tháng trước.

Đồng Bảng Anh giảm 0,1% xuống còn 1.3172 USD.

Các loại tiền tệ của thị trường mới nổi như đồng Peso của Mexico và Rand của Nam Phi đã tăng giá chỉ sau 1 đêm, khẳng định rằng con đường tăng lãi suất dự kiến của FED là phù hợp với kỳ vọng.

Nguồn tham khảo:

https://www.reuters.com/article/us-usa-fed/fed-raises-u-s-interest-rates-sees-at-least-three-more-years-of-growth-idUSKCN1M60EE

https://www.cnbc.com/2018/09/26/gold-markets-dollar-federal-reserve-in-focus.html

https://www.cnbc.com/2018/09/27/forex-markets-the-fed-dollar-in-focus.html