Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thiết lập quan hệ đối tác toàn diện và đối tác chiến lược với nhiều quốc gia có trình độ kinh tế phát triển. Thế giới đã và đang chuyển đổi sâu sắc trong mối quan hệ tương tác giữa các khu vực và các nền kinh tế, nhất là tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư.

Trong bối cảnh đó, nhìn lại cuộc hành trình 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để tìm hướng đi mới, cách làm mới trong việc nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế này là điều vô cùng cần thiết. Phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã có cuộc trao đổi ngắn với Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng về vấn đề này.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng

Quãng đường 30 năm có cả được và chưa được

PV: Tổng kết lại chặng đường 30 năm mở cửa thu hút FDI, nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế đã đánh giá, Việt Nam là một trong những nước thành công nhất trong khu vực về thu hút FDI, xin Bộ trưởng đánh giá những thành công mà Việt Nam đã đạt được?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đúng vậy, 3 thập niên qua đã đánh dấu những chuyển biến quan trọng trong việc thu hút FDI vào Việt Nam, cả về lượng và chất.

Bắt đầu thực hiện chính sách thu hút FDI từ năm 1987, đến nay, sau 30 năm, nguồn vốn này đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tính lũy kế đến ngày 20/09/2018, cả nước có 26.646 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 185,62 tỷ USD, bằng 55,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện đầu tư vào 19/21 ngành, lĩnh vực trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 190,8 tỷ USD, chiếm 57,1% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 57,3 tỷ USD (chiếm 17,1% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 22,7 tỷ USD (chiếm 6,8% tổng vốn đầu tư).Đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 44,4 tỷ USD (chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Hà Nội với gần 32,8 tỷ USD (chiếm 9,8% tổng vốn đầu tư), Bình Dương với 30,8 tỷ USD (chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư).

Đến nay, đã có 129 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 61,4 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 55,7 tỷ USD (chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Britishvirgin Islands, Hồng Kông.

Việt Nam cũng đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới, như: Honda, Intel, Samsung, Yamaha, Panasonic, Microsoft, LG...

Năm 2006, với việc công bố đầu tư dự án trị giá 1 tỷ USD (tại TP. Hồ Chí Minh), Tập đoàn Intel (Mỹ) đã ghi tên Việt Nam vào bản đồ công nghệ thông tin toàn cầu. Đây cũng là sự kiện có tính chất mở đường, tạo nguồn cảm hứng giúp Việt Nam thu hút các dự án lớn, các dự công nghệ cao khác. Sau Intel, năm 2008, Tập đoàn Samsung đầu tư vào Việt Nam với dự án nhà máy lắp ráp điện thoại tại Bắc Ninh với tổng số vốn 700 triệu USD. Đến nay, tổng số vốn đăng ký của Samsung đạt khoảng 17 tỷ USD. Cùng với đó, Tập đoàn LG cũng đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 3 tỷ USD.

Với những tên tuổi lớn, khu vực FDI đã tạo tác động lan tỏa tới các doanh nghiệp trong nước; thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu, chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu và từng bước đưa Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Khu vực FDI đã thực hiện chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D) trong một số ngành; có hiệu ứng lan tỏa năng suất và công nghệ sang các khu vực trong nước; thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, bước đầu có mối liên kết với doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp Việt đã hưởng lợi trực tiếp khi cùng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp FDI, tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Ngoài ra, khu vực FDI cũng đã góp phần tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người dân, ổn định tình hình xã hội. Khu vực này cũng giúp chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế.

Trong 30 năm qua, thu hút FDI còn góp phần thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường quan hệ ngoại giao kinh tế, hợp tác song phương và đa phương với các đối tác cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó, giúp nâng cao tầm vóc, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, hiện đại hóa nền kinh tế, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực; phát triển nhiều ngành dịch vụ chất lượng cao; chuyển đổi không gian và diện mạo phát triển tại nhiều địa phương.

PV: Song hành với những thành tựu, thu hút FDI cũng cho thấy nhiều vấn đề đang tồn tại, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thực tế, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào sự thật là, bên cạnh những mặt được, thì dòng vốn FDI còn mang theo nhiều hạn chế, bất cập, rất cần suy ngẫm để tìm cách giải quyết. Tổng kết, đánh giá lại trong 30 năm qua, có thể chỉ ra 5 hạn chế của FDI như sau:

Một là, liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất của khu vực FDI đến khu vực trong nước còn thấp. Nhiều dự án FDI tập trung vào công đoạn gia công, lắp ráp; tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành công nghiệp ở mức dưới trung bình; giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm chưa cao.

Hai là, tỷ lệ vốn thực hiện trên tổng vốn đăng ký chưa cao. Thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia; FDI vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, như: kết cấu hạ tầng, nông nghiệp chưa nhiều.

Ba là, một số dự án FDI chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật bảo vệ môi trường. Hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án FDI chưa cao.

Bốn là, một số doanh nghiệp FDI có hành vi chuyển giá, kinh doanh với thực trạng lãi thật, lỗ giả... để trốn thuế và tạo áp lực dẫn đến Bên Việt Nam phải nhượng lại phần vốn góp, chuyển thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Năm là, trong một số trường hợp, thu hút FDI chưa tính toán đầy đủ, toàn diện các yếu tố liên quan đến quốc phòng, an ninh.

FDI là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam

PV: Sau chặng đường 30 năm, định hướng thu hút FDI trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Sự ghi nhận lớn nhất mà Việt Nam dành cho các nhà đầu tư nước ngoài chính là sự khẳng định FDI là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam, thành công của khu vực FDI cũng là thành công của Việt Nam. Và người Việt Nam, nhất là đội ngũ doanh nhân và người lao động Việt Nam, đã học hỏi được không ít từ FDI.

Ngày 04/10/2018, chúng ta sẽ có Hội nghị Nhìn lại Sự nghiệp 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam. Đây là sự kiện lớn. Năm 1991, chúng ta đã tổ chức một hội nghị thu hút đầu tư FDI mang tầm quốc gia lần đầu tiên cho đến bây giờ chúng ta chưa tổ chức thêm một hội nghị nào như vậy. Hội nghị năm 1991 đã gây một tiếng vang lớn trong giai đoạn chúng ta bắt đầu thực hiện việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Lần này, chúng ta tổ chức hội nghị với hai nội dung lớn. Thứ nhất, chúng ta đánh giá những thành tựu và đề ra định hướng mới trong thu hút đầu tư nước ngoài. Nội dung thứ hai khẳng định thông điệp của Chính phủ là tiếp tục coi đầu tư nước ngoài là bộ phận của nền kinh tế, tiếp tục cam kết thu hút đầu tư, tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và thông thoáng hơn để đồng hành cùng với các nhà đầu tư. Qua đó, thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam.

Hội nghị lần này cũng là cơ hội giới thiệu quảng bá những nỗ lực của Chính phủ, giới thiệu những điều kiện tốt về môi trường đầu tư. Hơn thế nữa, đây cũng được ví là cơ hội để xúc tiến đầu tư trong giai đoạn tới với quy mô lớn hơn.

Một trong hai nhiệm vụ chính của Hội nghị, như tôi đã nói ở trên, là phải đánh giá được kết quả thành tựu và song song với đó là chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế và yếu kém trong thời gian vừa qua. Đồng thời, cần tìm ra những vấn đề mà khu vực FDI làm chưa tốt hoặc chưa đạt được những kỳ vọng đề ra để qua đó có định hướng, chiến lược và chính sách mới phù hợp hơn.

Điều quan trọng hơn cả là trong bối cảnh mới với nhiều diễn biến, biến động mau lẹ của nền kinh tế thế giới, chúng ta phải định vị lại vai trò của khu vực đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.

Sẽ có những điều chỉnh nhất định về mặt chiến lược, định hướng để làm sao thu hút được nguồn vốn FDI đúng định hướng và mang lại hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt là phải khắc phục được những bất cập trong thời gian vừa qua.

Nghĩa là, vẫn thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhưng có trọng tâm, trọng điểm nhiều hơn. Đặc biệt, phải có bộ lọc nhất định chứ không thu hút theo chiều rộng, mà không quan tâm đến chất lượng.

Chẳng hạn, thu hút phải gắn với phát triển bền vững, tức là phải có trình độ công nghệ cao hơn, có thân thiện môi trường. Đặc biệt là tiết kiệm nhiên liệu, tài nguyên nhiều hơn. Hoặc là, quá trình thu hút đầu nước ngoài phải gắn với cả với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngoài ra, việc thu hút cũng phải gắn kết với các doanh nghiệp trong nước nhiều hơn, để tạo điều kiện thúc đẩy khu vực doanh nghiệp trong nước phát triển, giúp họ có điều kiện vươn lên có cơ hội tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt là thúc đẩy phát triển các vùng miền một cách cân đối, hài hòa.

Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng cần phải gắn với bối cảnh thực hiện cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Đây là những định hướng lớn cho việc thu hút đầu tư nước ngoài.

PV: Vậy thông điệp được truyền tải tại Hội nghị, đến các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trước hết, cần phải hiểu rằng, các nhà đầu tư đến Việt Nam làm ăn có hiệu quả, thì họ mới đến. Chúng ta có được thành tựu như ngày hôm nay, với bộ mặt kinh tế - xã hội thay đổi tích cực, diện mạo đô thị đến vùng nông thôn có nhiều cải thiện là nhờ sự tham gia hết sức quan trọng của khu vực kinh tế nước ngoài. Do đó, chúng ta cần có một lời cám ơn các nhà đầu tư đã đến Việt Nam.

Thứ hai, tôi cho rằng, thời điểm này Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi tốt nhất cho môi trường đầu tư. Nhận định này được minh chứng thông qua các chỉ số đánh giá đã được các tổ chức quốc tế công bố, cũng như nỗ lực của Chính phủ đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.

Hiện tại, chúng ta có một thị trường lớn, có sự ổn định về chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô, đất nước ta đã có một vị thế, vai trò cao hơn trong khu vực và trên thế giới. Đó là chưa kể những nỗ lực của việc cải thiện kết cấu hạ tầng, chuẩn bị nguồn nhân lực, cũng như xây dựng hoàn thiện thể chế… Đây là những vấn đề thuận lợi về môi trường cho nguồn vốn FDI tiếp tục vào Việt Nam.

Thông điệp gửi đến các nhà đầu tư là: "Tiếp tục đến với Việt Nam và ở lại đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Hãy đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam"!.

Xin trân trọng cm ơn Bộ trưởng!