Vẫn còn nhiều "lỗ hổng"

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại Hội nghị tổng kết 5 năm ngành bảo hiểm xã hội vừa qua, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp liên tục tăng qua các năm. Số thu BHTN hàng năm tăng nhanh cả về số người tham gia và số tiền đóng góp.

Cụ thể: số người tham gia năm 2009 là 5,99 triệu người với số tiền thu được là 3.510 tỷ đồng thì đến hết năm 2012 số người tham gia là 8,2 triệu người (tăng thêm 37%) và số tiền là 8.664 tỷ đồng, tăng thêm 146% so với năm 2009.

Số người tham gia BHTN hiện nay chiếm tới 85% trong tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và có xu hướng tiếp tục tăng. Tính đến đầu năm 2013, số người tham gia BHTN ở khu vực hành chính sự nghiệp, đảng, đoàn thể là 1.977.912 người chiếm 24,16% tổng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khu vực sản xuất, kinh doanh là 6.134.586 người chiếm 74,2%; khu vực khác là 137.054 người chiếm 1,64% số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Mặc dù vậy, tình trạng nợ đóng BHTN vẫn còn lớn, tính đến tháng 8/2013 số nợ trên 600 tỷ đồng, trong đó phần hỗ trợ 1% từ ngân sách nhà nước nợ gần 303 tỷ đồng và đơn vị sử dụng lao động nợ 292 tỷ đồng.

Số người đăng ký thất nghiệp cũng tăng nhanh, tính đến tháng 9/2013, toàn quốc có hơn 1,3 triệu lượt người đăng ký thất nghiệp, đưa số người đăng ký thất nghiệp lên tới hơn 114.000 người/tháng. Người lao động đăng ký thất nghiệp tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, kinh tế phát triển, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như TP. Hồ Chí Minh (trên 30%), Bình Dương (trên 20%), Đồng Nai (gần 10%)…

Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, qua 5 năm thực hiện chính sách BHTN, Quỹ BHTN hiện có số kết dư lớn là do năm 2009 chỉ thu không phải chi trả, năm 2010 - 2011 thực hiện chi trả mới ở mức thấp. Nhưng từ năm 2012 trở đi, quỹ BHTN bắt đầu chi nhiều do số người hưởng trợ cấp ngày càng tăng cao, thời gian hưởng dài hơn. "Do đó, nếu không kịp thời thay đổi chính sách thì về lâu dài, việc cân đối thu - chi BHTN sẽ khó khăn", ông Hòa nhậnđịnh.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, ngoài yếu tố khách quan như tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, còn do một số địa phương chưa bố trí được ngân sách và ý thức chấp hành pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động chưa cao, quy định về phạt lãi chậm đóng còn thấp…

Chi BHTN được bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện từ ngày 01/01/2010 trở đi, thông qua nhiều hình thức khác nhau như: chi trả trực tiếp tại bảo hiểm xã hội cấp huyện, cấp tỉnh, chi trả thông qua hợp đồng đại diện chi trả cấp xã, chi trả thông qua tài khoản ngân hàng ATM và thí điểm chi trả thông qua hệ thống bưu điện cấp xã ở một số tỉnh, thành phố.

Thời gian đầu triển khai thực hiện chi trả các chế độ BHTN còn xảy ra tình trạng trạng chậm chi trả cho người lao động, hiện nay thời gian thực hiện chi trả rút xuống còn 5 ngày làm việc kể từ ngày bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố nhận được các quyết định hưởng do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chuyển sang, sự phối hợp rất tốt giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, thành phố nên việc tổ chức chi trả các chế độ BHTN đã nhanh chóng và thuận tiện hơn trước.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến còn cho rằng, chính sách BHTN vẫn còn một số "lỗ hổng" khi chưa có quy định về trường hợp đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi, dẫn đến hưởng song trùng cả hai chế độ; việc khai báo tình trạng việc làm còn phụ thuộc vào sự trung thực của người khai báo, chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát thông tin khai báo của người lao động.

Bên cạnh đó, các quy định về điều kiện hưởng BHTN, đối tượng tham gia BHTN, mức hưởng và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp theo tháng và một lần còn chưa hợp lý, vẫn tạo kẽ hở cho người lao động, người sử dụng lao động trục lợi...

Một số đề xuất

Các chuyên gia cho rằng, để bảo toàn nguồn Quỹ BHTN cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản:

Một là, xây dựng Luật Việc làm: hoàn thiện dự thảo Luật việc làm trình Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6, trong đó chính sách bảo hiểm thất nghiệp được chuyển từ Luật Bảo hiểm xã hội sang và sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại của chính sách bảo hiểm thất nghiệp như: mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; bổ sung chế độ “Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề đối với người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp”; không khống chế mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp; bỏ chế độ trợ cấp một lần để bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp;

Hai là, tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ các quy định hiện hành về bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể: rà soát các đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; tiếp nhận và giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo phương châm 3 đúng ”đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”; đồng thời có các biện pháp để hạn chế việc sa thải lao động của các doanh nghiệp; phát hiện các sai phạm, trục lợi về bảo hiểm thất nghiệp để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Ba là, xây dựng các mô hình chuẩn hoạt động của trung tâm giới thiệu việc làm: để thực hiện tốt các nhiệm vụ của Trung tâm về bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn, thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động và dạy nghề. Thực hiện kết nối phần mền về bảo hiểm thất nghiệp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh.

Bốn là, không ngừng nâng cao năng lực cán bộ thuộc các trung tâm giới thiệu việc làm: thông qua đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc để thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề.

Năm là, xây dựng quy chế phối hợp: giữa Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan để phối hợp và làm rõ trách nhiệm trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra và xử lý các vi phạm theo quy trình thống nhất trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra: việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm phát hiện những vướng mắc, những vi phạm hay trục lợi bảo hiểm thất nghiệp để kịp thời xử lý để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi tham gia và thụ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Bảy là, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp: cả về kỹ thuật và tài chính nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về kinh nghiệm, về nâng cao năng lực cán bộ, về mô hình tổ chức và dự báo tài chính quỹ bảo hiểm thất nghiệp./.