Tuy nhiên, theo CNBC, tại Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu mới nhất của IMF được công bố hôm thứ Tư, các nhà đầu tư có vẻ đang tự mãn. Báo cáo, được công bố 2 lần trong 1 năm, bao gồm đánh giá của IMF về các tình trạng tài chính toàn cầu và chú trọng về những rủi ro trong hệ thống.

IMF lưu ý, rủi ro cao từ những căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và các đối tác

Giá cổ phiếu - đặc biệt là ở thị trường chứng khoán Mỹ - đã đạt mức cao kỷ lục nhiều lần trong năm qua, đó là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục thích những cổ phiếu có rủi ro. Tuy nhiên, những bất ổn trong vấn đề thương mại có thể làm cho tâm lý thích rủi ro như vậy đảo ngược một cách nhanh chóng và kích hoạt một đợt bán tháo đột ngột trên các thị trường tài chính, báo cáo cho hay.

"Sự leo thang cao hơn nữa của căng thẳng thương mại, cũng như rủi ro địa chính trị gia tăng và bất ổn chính sách ở các nền kinh tế lớn, có thể dẫn đến sự suy giảm đột ngột trong tâm lý thích rủi ro, kích thích một sự điều chỉnh một cách rộng rãi trên thị trường vốn toàn cầu và sự thắt chặt mạnh mẽ các điều kiện tài chính toàn cầu, báo cáo viết.

IMF đã cảnh báo vào hôm thứ Ba rằng, chiến tranh thương mại toàn cầu đang đe dọa tăng trưởng kinh tế thế giới, cắt giảm 0,2 điểm phần trăm trong dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2018 và 2019, xuống còn 3,7% và dự báo giảm cho sự tăng trưởng trong thương mại hàng hóa và dịch vụ trên toàn thế giới.

IMF lưu ý, rủi ro cao từ những căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và các đối tác xảy ra vào thời điểm các thị trường mới nổi đang phải chịu áp lực. Các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina đang phải đối mặt với sự tháo chạy của các dòng vốn lớn và lãi suất tăng ở Mỹ, đồng nội tệ của các nước này đã giảm giá mạnh so với đồng USD.

Tuy nhiên, các vấn đề tại các thị trường mới nổi chủ yếu mới mang tính cục bộ cho đến nay, IMF cho biết thêm.

"Ở thời điểm này, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều sự khác biệt giữa các quốc gia, vì vậy khi so sánh các nền kinh tế phát triển với các thị trường mới nổi, chúng tôi thấy rằng điều kiện tài chính vẫn dễ dàng ở các nền kinh tế phát triển nhưng đã thắt chặt phần nào ở các thị trường mới nổi", Tobias Adrian, giám đốc thị trường vốn và tiền tệ của IMF, chia sẻ với CNBC hôm thứ Tư, "Nhưng ngay cả giữa các thị trường mới nổi, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều sự khác biệt".

"Có một số quốc gia đã chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi sự thoái vốn, đồng tiền mất giá và rộng hơn là điều kiện tài chính thắt chặt hơn", ông Adrian nói thêm, "Trong khi các thị trường mới nổi khác đã trải qua sự thoái vốn và họ đã thấy không phải là một sự suy giảm vật chất về các điều kiện tài chính".

Tuy nhiên, IMF không loại trừ khả năng cuộc khủng hoảng lan rộng đến nhiều quốc gia.

"Sự thích rủi ro toàn cầu mạnh mẽ cho đến nay đã che khuất những thách thức mà các thị trường mới nổi có thể phải đối mặt nếu các điều kiện tài chính toàn cầu đột nhiên thắt chặt mạnh. Trong trường hợp đó, nguy cơ khủng hoảng lây lan đến các thị trường mới nổi có thể sẽ xảy ra, cho thấy tầm quan trọng của việc tránh sự tự mãn là càng cần thiết", báo cáo cho biết.

Một phân tích của IMF cho thấy rằng, các nền kinh tế mới nổi ngoại trừ Trung Quốc, có thể trải qua một đợt thoái vốn từ 100 tỷ USD trở lên kéo dài trong thời gian 4 tháng - tương tự như trong thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu.

IMF cho biết, những biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã giúp giảm bớt áp lực trong hệ thống tài chính của Trung Quốc. Ông Adrian cũng nhận định rằng, mức nợ trong lĩnh vực phi tài chính ở Trung Quốc đã "ổn định".

"Trong 10 năm qua, mức nợ ở Trung Quốc đã liên tục tăng, nhưng hiện giờ mức nợ đã ổn định và đó là một điều tốt cho sự ổn định tài chính," ông nói. Tuy nhiên, IMF cho biết chính quyền Trung Quốc không nên dừng nỗ lực cải cách nền kinh tế, đặc biệt là giảm nợ xấu./.

Dịch từ nguồn:

https://www.cnbc.com/amp/2018/10/10/trade-tensions-could-trigger-another-global-financial-crisis-imf.html