Khi thành tích trở thành gánh nặng

Có thể nói, việc rót vốn vào các lĩnh vực kinh doanh "nóng" như: bất động sản, ngân hàng, chứng khoán… từng được xem là thành tích đầu tư ngoài ngành của các DNNN. Nhưng chỉ sau một thời gian, việc kinh doanh ngoài ngành đã bộc lộ những bất cập khi kết quả kinh doanh cho thấy, lĩnh vực này đạt hiệu quả rất thấp, gây ảnh hưởng tới nhiệm vụ kinh doanh chính của các DNNN.

Theo thống kê của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong 132 tập đoàn, tổng công ty, có 42 tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào lĩnh vực: chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư, ngân hàng với giá trị ước tính đến 30/9/2012 là 22.405 tỷ đồng. Trong “thành tích” đầu tư ngoài ngành, phải kể đến khoản đầu tư hơn 4.551 tỷ đồng của Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chiếm tới 4,13% vốn điều lệ. Sau một thời gian bơm tiền vào chứng khoán, tài chính, bất động sản…, lợi nhuận của EVN chỉ đạt ở mức khiêm tốn. Tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư đạt 7,83%. Riêng đầu tư vào hoạt động viễn thông lỗ 1.057 tỷ đồng (Thu Hằng, 2013).

Bên cạnh đó, Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng chi ra 1.828 tỷ đồng, chiếm tới 12,09% vốn điều lệ vào các lĩnh vực tương tự các tập đoàn khác, như: tài chính, chứng khoán, bất động sản… Nhưng tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt 7,94%. Ở lĩnh vực cơ khí - đóng tàu, lợi nhuận chỉ khiêm tốn ở mức 4,61%, còn lĩnh vực khác chỉ được 0,41%, gần như không hiệu quả.

Một số DNNN lớn khác cũng “vung” tiền đầu tư ngoài ngành, như: Công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đầu tư ngoài là 672 tỷ đồng, bằng 10,37% vốn điều lệ; Công ty mẹ - Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) chi hơn 634 tỷ đồng. Nhưng kết quả cho thấy, tỷ suất sinh lời rất thấp, thậm chí bị thua lỗ kéo dài. Nhiều khoản đầu tư cổ phiếu bị tổn thất hoặc không nhận được cổ tức.

Như vậy là, tham vọng đầu tư ngoài ngành của DNNN đã không đem lại hiệu quả như dự tính, ngược lại, gây lãng phí, thất thoát vốn nhà nước. Hơn nữa, những khoản nợ vay để đầu tư vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, dẫn tới khả năng mất thanh khoản, gây nợ xấu lớn cho nền kinh tế.

Thoái vốn ngoài ngành: Vẫn còn chậm trễ

Sau quá trình đầu tư kém hiệu quả, các DNNN buộc phải tiến hành tái cơ cấu theo Quyết định số 929/QĐ-TTg, ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, nhiệm vụ bắt buộc là phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành, xử lý tồn tại về tài chính.

Đến nay, nhiều DNNN cũng đã công bố thông tin về vấn đề thoái vốn. Theo thống kê của Cục Tài chính doanh nghiệp, đến cuối năm 2012, đã có 138 đơn vị xây dựng Đề án Tái cơ cấu và có 49 đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án, trong đó có phương án thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính. Ví dụ như: EVN đã thoái vốn trị giá 1.079 triệu đồng tại Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Nha Trang và hiện đang tập trung thoái vốn tại Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina, Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực... Đến năm 2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ thoái vốn hoàn toàn khỏi Ngân hàng Đại Dương (khoảng 20% vốn điều lệ hiện nay).

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song đến thời điểm này, nhìn chung, việc triển khai thoái vốn đầu tư ngoài ngành vẫn chậm trễ... Nguyên nhân là do:

Thứ nhất, sự điều hành còn thiếu quyết liệt, khẩn trương của các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ quản trong vấn đề chỉ đạo, tổ chức, thẩm định, phê duyệt cũng như thực hiện đề án tái cơ cấu của từng tập đoàn, tổng công ty. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do thoái vốn dễ dẫn đến "chiếc bánh" lợi nhuận (dù có thể là ảo) của DNNN giảm, kéo theo việc không hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao của lãnh đạo các doanh nghiệp và áp lực phải rời khỏi vị trí nếu sau 2 năm doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, chưa kể đến áp lực bị truy tố trách nhiệm khi để thất thoát vốn nhà nước.

Thứ hai, bất cập trong văn bản pháp lý. Theo Nghị định số 71/2013/NĐ-CP, ngày 11/7/2013 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, DNNN không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ những doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh chính là bất động sản); không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán, các quỹ đầu tư mạo hiểm, đầu tư chứng khoán.

Như vậy, có thể hiểu ngoài các trường hợp cấm nêu trên, DNNN có quyền đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực nào khác, mà không vi phạm pháp luật. Khi đó, yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành trước năm 2015 như đã nêu trong Đề án tái cơ cấu DNNN đã bị "vô hiệu hóa" một phần. Tức là DNNN chỉ cần thoái vốn ở những lĩnh vực không được phép đầu tư, còn các lĩnh vực khác thì cứ "thoải mái" làm!

Thứ ba, khó bán cổ phần ở thời điểm hiện tại khi giá cổ phiếu, bất động sản giảm. Như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) khi đưa gần 2,1 triệu cổ phiếu, tương đương 6,13% vốn tại Công ty Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) ra đấu giá đã không bán được cổ phiếu nào, bởi thị giá cổ phiếu dao động từ 2.300 - 2.600 đồng/phiếu, trong khi giá được phê duyệt chuyển nhượng tối thiểu là 10.600 đồng/cổ phiếu.

Hay như Tổng công ty Lắp máy Việt Nam chào bán cổ phiếu tại Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Vàng, nhưng không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự đấu giá. Mới đây, kế hoạch bán đấu giá 25 triệu cổ phần tại Ngân hàng An Bình do EVN sở hữu đã phải tạm hoãn do "vắng bóng" người mua.

Thứ tư, theo yêu cầu của Chính phủ, việc thoái vốn phải bảo toàn vốn nhà nước và không thấp hơn giá thị trường khiến không ít DNNN tỏ ra ngập ngừng, chưa dám đưa ra quyết định cuối cùng. Bởi lẽ, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, việc bảo toàn nguồn vốn không phải dễ thực hiện. Như vậy, giữa hai việc muốn lấy vốn đó ra dùng hiệu quả hơn hay cứ giữ đó để bảo toàn, chỉ được chọn một. Đây thực sự là một quyết định vô cùng khó khăn đối với các DNNN.

Theo ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN cho biết, Tập đoàn này đang gặp khó khăn trong thoái vốn ở các dự án bất động sản. Hiện, PVN đang chờ hướng dẫn từ Bộ Tài chính đưa ra quy chế, cách thức để thoái vốn, mà vẫn bảo toàn vốn, đồng thời, cố gắng chọn thời điểm thoái vốn làm sao bảo toàn vốn nhà nước cao nhất (Thu Hằng, 2013).

Thứ năm, quyết định đầu tư ban đầu không minh bạch. Khá nhiều khoản đầu tư ngoài ngành của các DNNN là do lãnh đạo quyết định, mà không có phương án kinh doanh cụ thể, không được các đơn vị chức năng xem xét, quyết định, trái với quy định của pháp luật. Khi khoản đầu tư ngoài ngành rơi vào tình trạng thua lỗ nặng như hiện tại, thì việc thoái vốn tất yếu sẽ làm mất vốn của Nhà nước. Hơn nữa, nhiều lãnh đạo ra quyết định đầu tư hiện đã nghỉ hưu, hoặc chuyển công việc khác, nên khó quy trách nhiệm cá nhân. Chính vì liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu DNNN nên đây đang là một trong những nguyên nhân chính khiến quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành gặp nhiều cản trở.

Và, một số đề xuất

Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành trước năm 2015 đang vô cùng cấp thiết, bởi đó là nhiệm vụ bắt buộc và tiên quyết nhằm tái cơ cấu DNNN thành công. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, chúng tôi mạnh dạn kiến nghị một số giải pháp như sau:

Về phía Chính phủ:

(i) Chính phủ cần đưa ra các giải pháp kịp thời nhằm đảm bảo tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, qua đó cũng tạo điều kiện để phục hồi và làm ấm thị trường, trong đó có thị trường về vốn và bất động sản, những thị trường liên quan đến đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thoái vốn dễ dàng hơn. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có những chính sách ưu đãi về thuế để hướng luồng vốn đến những nơi cần thiết. Cần giới thiệu cho cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế những dự án khả thi, ít rủi ro mới có thể thoái vốn thành công.

(ii) Nếu thực sự quyết tâm thoái vốn thời điểm hiện nay thì Chính phủ cần xác định cụ thể mức độ mất vốn có thể chấp nhận được. Ví dụ, tùy vào lĩnh vực mà có con số cụ thể, như ở lĩnh vực bất động sản có thể chấp nhận mất 30% vốn nhưng ở ngân hàng có thể phải là 50%... Hơn nữa, cần phải hiểu rõ bản chất của việc mất và được vốn trong kinh tế thị trường. Cắt lỗ thành công cũng là một nghệ thuật. Cần thay đổi quan niệm, cách hiểu cho đúng thực tế, cũng như định nghĩa lại về bảo toàn vốn DNNN. Chẳng hạn, trước tổng vốn danh nghĩa của doanh nghiệp là 1 triệu USD và đầu tư ngoài ngành mất 0,5 triệu USD. Phần đầu tư ngoài ngành trước đây sinh lời và đóng góp nghĩa vụ tài chính, mà nay trong bối cảnh thị trường chung, nếu trị giá của phần vốn đầu tư ngoài ngành chỉ còn trị giá 0,4 triệu USD, thì cũng không nên “bắt lỗi” doanh nghiệp phần lỗ.

(iii) Bộ Tài chính phải có biện pháp kiểm tra, giám sát để tránh xảy ra tiêu cực khi các doanh nghiệp thoái vốn, như: phải kiểm tra xem các DNNN hoạt động lỗ hay lãi, có đúng như tình hình báo cáo lên hay không? Trách nhiệm của ai? Giải quyết như thế nào?

(iv) Cần có chế tài đủ mạnh đối với lãnh đạo DNNN không đạt tiến độ thoái vốn hoặc gây mất vốn do lỗi chủ quan. Cụ thể là: Nếu hoạt động đầu tư do DN đó phát động thì ban lãnh đạo phải chịu trách nhiệm; Còn nếu là do cơ quan cấp trên chỉ đạo, doanh nghiệp dù không đồng tình, nhưng vẫn phải làm thì phải có bằng chứng giấy tờ để chứng minh điều đó.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét lại việc quy trách nhiệm hình sự cho các lãnh đạo của DNNN, vì đây là điều họ sợ nhất trong tái cơ cấu DNNN. Có rất nhiều DNNN, thời điểm đầu tư vào ngân hàng hay bất động sản là quyết định của lãnh đạo khác, góc nhìn thời điểm đó khác. Nếu cam kết được điều đó, các lãnh đạo DNNN sẽ “mạnh tay” thoái vốn hơn.

Về phía DNNN:

Một là, các DNNN cần thay đổi quan điểm tư duy, kiên quyết và dứt khoát bán cổ phần đầu tư ngoài ngành, bởi càng để sẽ càng lỗ, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Hai là, trước khi thoái vốn, cần rà soát lại phần vốn đầu tư ngoài ngành và xác định những ngành nghề có thể tăng tỷ lệ góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Có đề án thoái vốn rõ ràng, có lộ trình chi tiết tái cơ cấu và phải gắn với Đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ phê duyệt. Qua đó, xác định rõ nội dung dự kiến triển khai và phải báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp và theo dõi giám sát.

Ba là, phải có kế hoạch cụ thể cho từng trường hợp thoái vốn. Thoái vốn cần xem xét thực hiện vào thời điểm nào cho thích hợp. Khi cần thiết, doanh nghiệp cũng có thể thương lượng với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) dựa trên cơ sở minh bạch để có được giá bán tài sản tốt.

Bốn là, cần thực hiện tốt việc trích lập các khoản dự phòng đầu tư. Thực tế, nếu doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc trích lập dự phòng bám sát tình hình, diễn biến về giá trị của các hoạt động đầu tư, thì việc thoái vốn sẽ không khó khăn như chúng ta tưởng./.

Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ (2013). Nghị định số 71/2013/NĐ-CP, ngày 11/7/2013 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

2. Thủ tướng Chính phủ (2012). Quyết định số 929/QĐ-TTg, ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015

3. Thu Hằng (2013). DNNN thoái vốn đầu tư ngoài ngành: Khi “công” thành “tội”, Báo điện tử Thời báo Kinh doanh, truy cập từ http://thoibaokinhdoanh.vn/441/news-detail/735506/tai-chinh-ngan-hang/dnnn-thoai-von-dau-tu-ngoai-nganh-khi-cong-thanh-toi-.html

Nông Hoài Châu (Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí VN)

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 18/2013)