Sáng ngày 15/10, UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm 2016-2018; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.

Toàn cảnh phiên họp/ Ảnh: Quochoi.vn

03 năm đầu Kế hoạch 2016-2020 cơ bản gặp nhiều thuận lợi

Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm 2016-2018; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế nước ta trong năm 2018 và 03 năm đầu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 cơ bản gặp nhiều thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với một số khó khăn thách thức, nhất là năm 2016, thiên tai và sự cố ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế, những vấn đề quốc tế như căng thẳng địa chính trị, căng thẳng thương mại đã tạo sức ép lên điều hành chính sách vĩ mô, kiểm soát lạm phát, một số hạn chế, yếu kém của nội tại nền kinh tế tích tụ nhiều năm dần được khắc phục nhưng còn chậm so với yêu cầu.

Mặc dù còn một số khó khăn, thách thức, các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 cơ bản được hoàn thành, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Cụ thể, trong số 12 chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội giao, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch.

Kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của 03 năm của giai đoạn 2016-2020 cơ bản là tích cực và đúng hướng.

Trong những tháng còn lại, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, với quyết tâm chính trị và nỗ lực cao nhất, không chủ quan, lơ là, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trọng tâm vào đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Năm 2019, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,8%

Về phương hướng và các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế;tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh, tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; quyết liệt đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp 4.0. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đối khí hậu...

Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua, dự kiến kết quả thực hiện các chỉ tiêu năm 2018, đánh giá bối cảnh trong nước và quốc tế, những thuận lợi, khó khăn của năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một trong những mục tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 là tập trung củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước đạt khoảng 6,8%.

Cụ thể dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế của năm 2019, như sau: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,6-6,8% so với năm 2018; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8% so với năm 2018; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-5%.

Đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn một số nội dung

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề sau: Phân tích rõ động lực của tăng trưởng này để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định; đánh giá hiệu quả điều hành chính sách giá thông qua việc điều chỉnh giá dịch vụ công mà Nhà nước cung cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ; Việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vẫn còn những vướng mắc do công tác triển khai và sự phối hợp giữa các ngành, các cấp còn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, đặc biệt là trong công tác thu giữ tài sản bảo đảm, hoạt động thi hành án dân sự, giải quyết tranh chấp tại tòa án liên quan đến xử lý nợ xấu; Làm rõ nguyên nhân của hiện tượng diễn biến ngược chiều nhau về quy mô vốn bình quân và quy mô bình quân lao động của doanh nghiệp ngoài nhà nước đăng ký thành lập mới; tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể cao, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ; đánh giá một cách đầy đủ hơn về thực trạng của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ làm rõ những tồn tại một số vấn đề chưa được giải quyết triệt để về lĩnh vực giáo dục; Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tuy được nâng lên nhưng có sự chênh lệch lớn giữa các tuyến, các vùng, việc chậm xử lý sai phạm trong sản xuất hàng giả là thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, thực phẩm chức năng gây tâm lý lo ngại, bất bình trong dư luận…

Ngoài ra, Ủy ban Thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ đánh giá rõ tình trạng cháy, nổ có dấu hiệu gia tăng; Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đã có chuyển biến, tuy nhiên khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra tại nhiều địa bàn; đề nghị báo cáo rõ hơn về tình hình bố trí vốn, xử lý các điểm trọng yếu về sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại vùng đồng bằng sông Cửu Long cho đến nay; kết quả xử lý xả thải tại các khu công nghiệp; xử lý rác thải tại các khu đô thị và việc nhập khẩu phế liệu, rác thải.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Ủy ban Thẩm tra đánh giá tổng thể bối cảnh kinh tế thế giới năm 2019 được dự báo xu thế tích cực là chủ đạo, mặc dù cũng còn tiềm ẩn rủi ro và thách thức. Trong công tác điều hành cần lưu ý sức ép từ tăng giá dầu, lãi suất đồng USD, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và những thách thức từ chính nội tại nền kinh tế trong nước. Ủy ban Thẩm tra thống nhất với nội dung Tờ trình của Chính phủ về tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế./.