Theo đó, báo cáo chỉ ra rằng,tất cả những chỉ số đánh giá được theo dõi thường xuyên đã thể hiện sự bình ổn và các hoạt động kinh tế đang dần dần tăng tốc.

Cụ thể, chỉ số PMI ngành sản xuất của HSBC trong tháng 9 đã tăng đạt mức 51,5 điểm nhờ vào nhu cầu nước ngoài dành cho hàng hoá Việt Nam tăng mạnh, cũng như sự đột phá của chỉ số việc làm. Chỉ số GDP trong quý III/2013 đã cho thấy khối dịch vụ và sản xuất đang tăng trưởng. Trong khi chỉ số tăng trưởng từ đầu năm đến nay vẫn còn ở mức 5,1%.

Lĩnh vực sản xuất đang hồi phục mạnh mẽ. Cụ thể: sản xuất quý III/2013 đã tăng trưởng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức 6,2%.

Nguyên nhân theo các chuyên gia của HSBC là nhờ vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam tăng mạnh. Từ đầu năm đến nay, tổng nguồn vốn FDI tăng 52,2% đạt 9,3 tỷ USD

“Dòng vốn FDI cũng được đánh giá đầy hứa hẹn cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam khi dòng vốn này giảm bớt những áp lực lên Việt Nam từ những biến động đang diễn ra trên thị trường toàn cầu”, trích Báo cáo.

Điều đáng nói là môi trường vĩ mô của Việt Nam đang chuyển biến tốt hơn. Quý III/2013, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng đạt mức 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng vượt mức 5% trong quý II/2013 nhờ vào tăng trưởng mạnh ở khối sản xuất và dịch vụ.

Nông nghiệp mặc dù đã tăng so với quý II nhưng mức tăng chỉ ở 3% so với cùng kỳ năm ngoái do giá cả toàn cầu yếu và nhu cầu trong nước trì trệ. Nông nghiệp đã đóng góp 0,5% cho mức tăng trưởng chung.

Xuất khẩu tiếp tục có lợi thế khi các điều kiện bên ngoài đã được cải thiện, tăng 19,2% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái và 15,7% từ đầu năm đến nay.

Giá trị xuất khẩu từ tháng Giêng đến tháng 9 đạt 96,4 tỷ USD. Nhu cầu trong nước còn yếu, thâm hụt thương mại chỉ còn khá ít 124 triệu USD trong tháng 9.

Điều đáng ghi nhận là lạm phát toàn phần trong tháng 9 đang chậm lại còn 6,3% từ mức 7,5% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng chi phí giáo dục đào tạo, cũng như lương thực thực phẩm đã không đẩy mức lạm phát lên trên 7% như mọi người từng lo sợ trước đây khi Chính phủ ngày càng thận trọng hơn trong việc đảm bảo áp lực lạm pháp vẫn được kiềm chế. Trong tháng 9, lạm phát toàn phần tăng 0,7% so với tháng trước sau khi đã tính đến yếu tố điều chỉnh mùa vụ (1,1% so với tháng trước nếu không tính yếu tố điều chỉnh mùa vụ), con số này đã giảm nhẹ so với mức 0,8% trong tháng 8.

Lạm phát cơ bản đang giảm từ mức 11,4% trong tháng 8 xuống còn 9,1% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào cơ sở lạm phát phù hợp Kết quả là lạm phát vẫn ở nằm trong mức khả quan, chỉ tăng 0,9% so với tháng trước có yếu tố điều chỉnh mùa vụ, không thay đổi so với một tháng trước đó.

Việt Nam dường như đang hồi phục một cách chậm rãi. Bức tranh vĩ mô ổn định hơn.

Tuy nhiên, “Chính phủ hiện tại cần phải thực hiện những chính sách cải cách để cải thiện cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh vốn đang thấp hơn các nước láng giềng như Thái Lan”, báo cáo nhấn mạnh.

Bởi, Việt Nam có mục tiêu tăng năng suất lao động. Với khoảng 70% dân số sống ở khu vực nông thôn và GDP trên đầu người ở mức 1.700 USD, Việt Nam cần phải thu hút sản xuất để tận dụng nguồn lao động dư thừa ở khu vực nông thôn. Mục tiêu là tận dụng khả năng cạnh tranh lao động của đất nước để nâng cao nguồn vốn và nâng cao kiến thức công nghệ.

Trong suốt quá trình này, những cải cách để cải thiện quản lý nền kinh tế, kiện toàn các tổ chức và xây dựng kết cấu hạ tầng là rất quan trọng. Các hiệp định thương mại nội vùng như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) đang trong quá trình thực hiện – cả hai sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam.