Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Tiếp tục khơi dòng cải cách và củng cố niềm tin đầu tư”, do CIEM và Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) đồng tổ chức tại Hà Nội ngày 17/10/2018.

Toàn cảnh hội thảo

Tăng trưởng kinh tế không suy giảm liên tục qua các quý như lo ngại

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, tốc độ tăng GDP đạt 6,88% trong quý III và 6,98% trong 9 tháng đầu năm, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước đó khiến áp lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong quý IV giảm đáng kể.

Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì đà phục hồi, tăng 3,46% so với cùng kỳ nhờ một số yếu tố như giá bán sản phẩm ổn định, thị trường xuất khẩu được mở rộng, hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu ngành, và việc triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy nông nghiệp sáng tạo và đổi mới.

Khu vực công nghiệp – xây dựng lấy lại đà tăng trưởng vững chắc hơn, đạt 8,61%.

Tốc độ tăng GDP chung có thể cao hơn nếu đóng góp (điểm phần trăm) của phân ngành khai khoáng tương đương với mức trung bình của giai đoạn 2011-2015.Tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ đạt 6,87%, giảm so với cùng kỳ các năm 2016-2017.

Quý III chứng kiến những diễn biến phức tạp hơn của chỉ số giá tiêu dùng, giảm 0,09% trong tháng 7, sau đó tăng lần lượt 0,45% và 0,59% trong các tháng 8 và 9. CPI bình quân tăng 4,14% trong quý và 3,57% trong 9 tháng đầu năm. Dù có lo ngại về rủi ro lạm phát tại một số thời điểm, mục tiêu lạm phát năm 2018 (bình quân 4%) có khả năng đạt được.

Quý III chứng kiến một số động thái tích cực từ chính sách tài khóa: (i) Tinh thần sửa đổi Luật quản lý thuế đã tiếp thu một số góp ý theo hướng phục vụ người nộp thuế nhiều hơn; (ii) Phát hành trái phiếu chính phủ cũng không có biến động lớn, qua đó hạn chế tác động chèn lấn đối với đầu tư tư nhân và mặt bằng lãi suất; (iii) Điều hành chính sách tài khóa không “vội vàng” theo hướng nới lỏng, mà hướng hơn đến phối hợp với chính sách tiền tệ để củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời duy trì dư địa để ứng phó nếu có thêm diễn biến bất lợi sau này.

GDP năm 2018 có thể đạt mức 6,88%

Ông Dương cho rằng, giai đoạn 9 tháng đầu năm đã giúp hình dung tốt hơn về bối cảnh và kết quả phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2018. Tăng trưởng kinh tế không suy giảm liên tục qua các quý như lo ngại. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản diễn biến tích cực.

Quan trọng hơn, Việt Nam bước đầu đã thể hiện được năng lực ứng phó với các biến động bất lợi (về tỷ giá, lãi suất...) từ thị trường thế giới truyền tải qua các kênh hội nhập kinh tế quốc tế.

Những chuyển biến ấy càng đáng lưu tâm hơn khi bối cảnh điều hành hiện tại (áp lực lạm phát trong nước và rủi ro suy giảm tổng cầu của kinh tế thế giới) khá giống – dù ở mức độ thấp hơn – so với giai đoạn cuối quý III, đầu quý IV năm 2008.

Kết quả dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2018 (cập nhật) có thể đạt mức 6,88%. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 13,34%. Thặng dư thương mại dự báo ở mức 5,1 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2018 đạt 3,97%.

Song, vẫn cần lưu ý 4 vấn đề cần trong quý IV

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Dương cho rằng, diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý IV có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố sau:

Thứ nhất, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc còn diễn biến khó lường, do còn phụ thuộc vào khả năng đàm phán thương mại (và kết quả, nếu có) giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như độ nhất quán chính sách của Mỹ sau bầu cử giữa kỳ.

Thứ hai, thị trường tài chính thế giới nói chung và các thị trường mới nổi trở nên dễ bị tổn thương hơn trước xu hướng gia tăng bảo hộ và biến động của dòng vốn đầu tư.

Thứ ba, các nền kinh tế chủ chốt chưa công khai can thiệp trực tiếp vào chính sách tỷ giá.

Thứ tư, tiến triển trong quá trình đàm phán/phê chuẩn một số hiệp định thương mại tự do mới (RCEP, CPTPP, EVFTA) có thể củng cố niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài ở/vào Việt Nam. Với những cân nhắc ấy, cam kết ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu kinh tế là cần thiết, song không đủ. Việt Nam cần nhiều hơn khả năng giám sát lưu chuyển vốn và hàng hóa từ các thị trường vào Việt Nam và cách tiếp cận linh hoạt, thực dụng trong quan hệ kinh tế với các đối tác chủ chốt.

Bổ sung thêm về bối cảnh kinh hiện nay, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM mạnh mẽ chỉ rõ: “cơ hội chỉ đến và hiện thực hóa khi Việt Nam chủ động thay đổi, có lựa chọn và có hành động phù hợp. Cách mạng công nghiệp 4.0 là đề tài được đề cập rất nhiều, song Việt Nam sẽ lên những toa đầu hay cuối đoàn tàu?”.

Ông Cung cho rằng sẽ có hai xu hướng xảy ra, nếu Việt Nam thực sự nắm bắt lấy cơ hội của xu thế công nghệ mới, cập nhật mô hình kinh doanh mới, ưu tiên đổi mới sáng tạo với hệ thống start-up có sự khác biệt trong công nghệ và kinh tế số.

Khẳng định, cơ hội này rất rõ nét và có điều kiện để thực hiện. Ý tưởng về một Việt Nam tiến cùng thời đại và vươn lên hàng đầu không phải là viễn vông từ cách mạng công nghiệp 4.0. Song người đứng đầu CIEM lấy làm tiếc rằng, đến nay những nhận thức trong xã hội về 4.0 còn chưa đầy đủ. Thậm chí, các yếu tố manh nha ban đầu, cơ hội ban đầu (như các mô hình kinh doanh số cạnh tranh với kinh doanh truyền thống) đang vô tình hoặc bị cố ý cản trở từ trong cách tiếp cận cho đến hành động chính sách.

“Sự chần chừ, không chịu đổi mới có thể làm cho Việt Nam một lần nữa mất cơ hội. Và, nếu mất cơ hội lần này, Việt Nam không thể tiếp tục đổ lỗi cho khách quan, cho bên ngoài, cho hoàn cảnh lịch sử như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó. Những cải cách có tính nền tảng hướng tới nền kinh tế thị trường hiện đại… vẫn còn xa phía chân trời,” ông Cung thẳn thắn./.