Các nhà máy của Mỹ chuyển ra nước ngoài do giá nhân công ở nước ngoài rẻ hơn

Nhiều nghiên cứu cho thấy, lợi ích chiến lược của toàn cầu hóa nguồn nhân lực đối với các doanh nghiệp là giảm thiểu chi phí, tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có và tăng lợi nhuận. Trong một thời gian dài phát triển, toàn cầu hóa nguồn nhân lực đã mang lại rất nhiều ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế thế giới. Chính vì vậy, mà nhiều nhà máy sản xuất của Mỹ đã chuyển ra nước ngoài nhằm tận dụng nhân công giá rẻ, nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Tuy nhiên, việc chuyển các nhà máy ra nước ngoài lại gây ra tình trạng thất nghiệp tràn lan ở Mỹ. Theo trang tin CNN, Mỹ đã mất 5 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất từ năm 2000 đến 2016. Đây chính là nguyên nhân vì sao Tổng thống Mỹ Donald Trump được bầu. Chính sách ủng hộ tạo việc làm và ngăn không cho chuyển nhà máy ra nước ngoài đã lấy lòng được đại đa số người dân thuộc tầng lớp trung lưu của Mỹ.

Xu hướng tương lai

Ngược lại với sự tính toán của Mỹ, giá nhân công ở các nước đang phát triển có xu hướng ngày càng tăng do thu nhập tăng cao. Giờ đây, thương hiệu “made in China” không còn rẻ nữa. Giá nhân công trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng trong những năm vừa qua. Lương trung bình một giờ đạt 3,6 USD vào năm 2016, tăng 64% so với năm 2011.

Hơn nữa, chi phí cho robot lại càng có xu hướng giảm do tiến bộ công nghệ. Trong vòng 15 đến 20 năm tới, sử dụng robot trong sản xuất sẽ rẻ hơn nhiều so với sử dụng lao động tại Kenya. Điều này có nghĩa là vào khoảng năm 2033, các công ty Mỹ vẫn sẽ kiếm được nhiều lợi nhuận hơn trong khi các nhà máy lại chuyển lại từ các nước đang phát triển về Mỹ.

Các nhà máy sẽ chuyển về Mỹ khi giá robot rẻ hơn

Do Mỹ là nơi tập trung trí tuệ và chất xám của cả thế giới, nên cuối cùng thì Mỹ vẫn là nước hưởng lợi trong tương lai nhờ sự phát triển công nghệ. Do đó, với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 thì lợi thế vẫn thuộc về các nước có tiềm lực kinh tế và về khoa học công nghệ. Các nước đang phát triển như châu Phi, châu Á hay cụ thể hơn là Việt Nam sẽ thu được lợi ít hơn trong cuộc cách mạng 4.0 đang phát triển như vũ bão nếu những nước này không có những chính sách cụ thể, thiết thực để đón đầu sự phát triển nắm bắt được xu thế của cuộc cách mạng 4.0 này.

Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Lợi thế về nhân công giá rẻ trong tương lai không còn nữa nên Việt Nam cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nếu không muốn bị thua ngay trên sân nhà trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa. Các ngành và lĩnh vực cần tập trung đào tạo mạnh là: tự động hóa, IT và các ứng dụng phần mềm. Đây là những ngành có tiềm năng phát triển trong tương lai.

Ngoài ra để thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ, cả khoa học cơ bản lẫn khoa học tự nhiên, Việt Nam cần phải có cơ chế cụ thể nhằm khuyến khích các nhà khoa học Việt Nam tạo ra các sản phẩm có tính thực tiễn cao.

Việc xây dựng những cơ sở đào tạo hiện đại với đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp lành nghề để có được nguồn cung những kỹ sư phần mềm giỏi tay nghề là cần thiết trong tương lai.

Hơn nữa, cần có nhiều hơn những trung tâm nghiên cứu và phát triển phần mềm được thành lập tại Việt Nam trong thời gian tới vì có như vậy danh tiếng trong ngành của Việt Nam mới được gia tăng. Khi đó Việt Nam sẽ thu hút được những hợp đồng trực tiếp từ những tập đoàn lớn trên thế giới. Uy tín được nâng cao sẽ giúp gia tăng những điều khoản có lợi cho các công ty Việt Nam trong thời đại cách mạng 4.0./.

Nguồn tham khảo:

https://www.voanews.com/a/robots-in-africa/4320405.html

http://money.cnn.com/2016/03/29/news/economy/us-manufacturing-jobs/index.html

https://www.cnbc.com/2017/02/27/chinese-wages-rise-made-in-china-isnt-so-cheap-anymore.html