Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo, giải trình tại Quốc hội chiều ngày 27/10

5 thách thức phải đối mặt trong phát triển

Đánh giá về tình hình chung của năm 2018 cũng như thực hiện 3 năm đầu kỳ của nhiệm kỳ, Bộ trưởng cho rằng, có 5 thách thức chúng ta đang phải đối mặt.

Thứ nhất là chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và đặc biệt là biến động giá dầu khiến chúng ta rất khó lường như hiện nay, những vấn đề về tiền tệ, tài chính quốc tế, tỷ giá, lãi suất đang gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, các đại biểu cũng nêu rất nhiều là thách thức về biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai.

“Qua 9 tháng vừa qua cũng như năm 2016, 2017, chúng ta đang thấy tác động lớn của biến đổi khí hậu mà chúng ta chưa kịp thời ứng phó kịp”, Bộ trưởng giải trình thêm.

Thứ ba, về tụt hậu và khoảng cách phát triển, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh rằng, đây là vấn đề đáng lo.

Bởi, chỉ số GDP bình quân đầu người dự kiến năm 2018 đạt 2.540 USD mà mục tiêu Đại hội Đảng 12 của chúng ta đề ra là đến năm 2020 chúng ta phải đạt 3.200-3.500.

“Trong 2 năm còn lại, việc tăng thêm từ 800 - 1.000 USD nữa là thách thức rất lớn. Nếu chúng ta không đạt được mục tiêu này thì khoảng cách tụt hậu của chúng ta ngày càng kéo dài. Đây là một thách thức rất lớn”, Bộ trưởng giải trình.

Thứ tư, là hội nhập quốc tế, chúng ta đã tham gia rất nhiều vào các hiệp định thương mại tự do.

“Càng tham gia nhiều, thì việc cải cách, thích ứng, tận dụng cơ hội càng cần được chuẩn bị tốt, làm tốt hơn không sẽ thành thua thiệt với chúng ta”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Thứ năm, về cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ trưởng cho biết, tinh thần chung của Chính phủ tuyệt đối không chủ quan, theo dõi chặt chẽ và phân tích, đánh giá kịp thời.

“Chúng tôi có xây dựng một kịch bản, để làm nền tảng của kinh tế vĩ mô từ nay đến năm 2020, để nhận diện những thách thức và chủ động trong điều hành và có các kịch bản từ nay đến năm 2020”, Bộ trưởng Dũng cho biết.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta hiện nay, đó là vừa phải duy trì, củng cố kết quả đạt được, nhất là việc ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải quyết liệt thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ cơ cấu lại nên kinh tế, đổi mới thực chất hơn nữa mô hình tăng trưởng, nâng cao hơn nữa chất lượng tăng trưởng, đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất lao động…

Hai kết quả nổi bật sau 03 năm thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, sau 03 năm thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế có hai kết quả nổi bật: Một, đúng hướng; Hai, chuyển biến tích cực thể hiện thông qua trong toàn ngành kinh tế cũng như trong nội bộ từng ngành.

Bộ trưởng thẳng thắn chỉ ra 2 vấn đề trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế. Đó là đang còn triển khai chậm và chưa tạo được một sự chuyển biến rõ nét trong nền kinh tế.

“Đây là 2 vấn đề chúng tôi cho rằng trong thời gian tới chúng ta phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ quan trọng và nhiệm vụ cấp bách của toàn nền kinh tế và không phải của một bộ này hay ngành kia, không phải của địa phương này hay địa phương kia mà phải là của cả hệ thống chính trị và phải thực hiện một cách thực chất hơn và quyết liệt hơn. Đây là một yêu cầu rất cấp bách hiện nay”, Bộ trưởng thẳng thắn.

4 nguyên nhân khiến số doanh nghiệp chờ giải thể tăng cao

Về phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng Dũng cho biết, gần đây doanh nghiệp tăng trưởng rất nhanh, năm nay chúng ta đang dự kiến là khoảng 130 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,5%.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ 4 nguyên nhân khiến số doanh nghiệp chờ giải thể tăng cao trong 9 tháng đầu năm.

Thứ nhất, theo quy luật cạnh tranh, quy luật đào thải của những doanh nghiệp yếu, không còn khả năng tồn tại thì sẽ bị loại khỏi để thay vào những doanh nghiệp tốt và doanh nghiệp mới có điều kiện phát triển.

Thứ hai, thực chất chúng ta cũng thấy việc tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất đang rất khó khăn đối với các doanh nghiệp, như tiếp cận về vốn, công nghệ, đất đai, lao động, đầu vào chi phí logistic của chúng ta đang còn rất cao. Việc các doanh nghiệp hoạt động sau một thời gian thành lập không hoạt động hiệu quả và tự rút lui khỏi thị trường cũng có vấn đề.

Thứ ba, từ tháng 4 vừa qua các địa phương tập trung vào công tác rà soát số liệu của doanh nghiệp này. Từ trước đến nay, đã có tổng hợp, nhưng không đầy đủ.

“Lần này làm quyết liệt hơn, thì số đã giải thể từ mội vài năm trước chưa được tổng hợp, lần này đã được tổng hợp tương đối đầy đủ nên trong 9 tháng này nó đã tăng cao so với con số của các năm trước”, Bộ trưởng lý giải thêm.

Thứ tư, một số doanh nghiệp đúng là có hiện tượng trục lợi chính sách, lập lên nhưng không hoạt động gì, buôn bán hóa đơn...

Vẫn có thể đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020

Bộ trưởng Dũng cho rằng, để đạt được mục tiêu này, phải triển khai hỗ trợ đầy đủ các chính sách, các chương trình của doanh nghiệp theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa và dễ dàng tiếp cận với các thị trường yếu tố đầu vào, gồm: vốn, đất đai, công nghệ, lao động.

“Đặc biệt phải tháo gỡ được các khó khăn và giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp. Vừa rồi có rất nhiều đại biểu đã nêu, chúng ta đang còn rườm rà, đang vô cảm và đang làm mất rất nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nên rất khó có thể phát triển được”, Bộ trưởng Dũng chỉ rõ.

Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng, cần khuyến khích phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khuyến khích phát triển một số doanh nghiệp lớn trong nước làm đầu tàu lôi kéo, tạo sức lan tỏa.

Bộ trưởng Dũng cũng cho biết, việc chuyển hộ kinh doanh sang doanh nghiệp cũng rất khó khăn.

Vừa qua Chính phủ đã có một số giải pháp và sắp tới Chính phủ cũng đã và đang chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng chế độ kế toán riêng cho các hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp. Xây dựng một cơ sở đại lý thuế để tư vấn và cung cấp các dịch vụ kế toán cho các hộ kinh doanh này, hóa đơn điện tử. Tất cả những điều này chắc chắn đều hỗ trợ cho các hộ kinh doanh chuyển đổi một cách dễ dàng hơn sang doanh nghiệp.

“Với tất cả những chính sách hỗ trợ chuyển hộ kinh doanh sang doanh nghiệp cũng như hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, chúng tôi tin rằng sẽ đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020”, Bộ trưởng khẳng định.

Phải có một bộ lọc trong thu hút FDI

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định 30 năm vừa qua, doanh nghiệp FDI có đóng góp rất lớn đối với nền kinh tế, về vốn, về công nghệ việc làm, đóng góp việc làm, thúc đẩy cải cách, thúc đẩy thể chế, xây dựng thể chế...

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận có những hạn chế. Đó là vấn đề công nghệ, vấn đề chuyển giá, vấn đề môi trường, vấn đề liên kết với doanh nghiệp trong nước.

“Vừa qua Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chúng tôi xây dựng một định hướng mới trong thời gian tới và theo đó chúng ta tiếp tục khẳng định coi đầu tư nước ngoài vẫn là một bộ phận của nền kinh tế nước ta và tiếp tục thu hút để phục vụ cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, chúng ta phải có một bộ lọc, không thu hút bằng mọi giá, không đánh đổi bất cứ cái gì về môi trường và tập trung vào công nghệ, thân thiện môi trường, liên kết doanh nghiệp trong nước tạo ảnh hưởng thúc đẩy”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về các vấn đề về biến đổi khí hậu của Đồng bằng sông Cửu Long, hạ tầng giao thông vùng, hạ tầng giao thông kết nối, các chính sách dân tộc, miền núi chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới..., Bộ trưởng khẳng định, sẽ tiếp thu những đóng góp của các đại biểu quốc hội và nghiên cứu đề xuất giải pháp trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ thời gian tới./.