Tại phiên họp ngày 29/10, Quốc hội tiến hành thảo luận về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017. Đồng thời Quốc hội cũng thảo luận, đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Tổng kết phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đã có 42 đại biểu Quốc hội phát biểu, có 4 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Bộ trưởng các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã tham gia giải trình thêm một số vấn đề có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đa số đại biểu Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách đi sâu phân tích kết quả thực hiện.

Toàn cảnh Kỳ họp Quốc hội

Kế hoạch tài chính, đầu tư công 5 năm đã được thực hiện khá tốt

Tổng kết lại, Phó Chủ tịch cho biết, một là nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ có nhiều cố gắng bám sát vào Nghị quyết 25 và 26 Quốc hội, về kế hoạch tài chính 5 năm đã thực hiện khá tốt mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể.

Các định hướng lớn được đảm bảo như tiến độ thu ngân sách nhà nước, tỷ lệ huy động ngân sách nhà nước, cơ cấu chi theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên. Kỷ luật tài chính được tăng cường hơn so với giai đoạn trước. Bội chi và trần nợ công được kiểm soát, cơ cấu nợ dần được cải thiện.

Các đại biểu cho rằng, việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là một bước chuyển biến tích cực theo hướng đổi mới, cơ cấu lại đầu tư công.

“Mặc dù mới lần đầu triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn và còn một số vướng mắc nhất định cần được tháo gỡ, song đầu tư công 3 năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đảm bảo các mục tiêu, định hướng đầu tư theo Nghị quyết 26 của Quốc hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Song, cần lưu ý các tồn tại, hạn chế

Cụ thể là, việc thu ngân sách nhà nước 3 năm mới đạt khoảng 53-54% kế hoạch 5 năm, dự kiến 5 năm chỉ đạt khoảng 97-98% kế hoạch thu, trong đó thu ngân sách trung ương gặp nhiều khó khăn.

Việc sửa đổi chính sách thu trong 3 năm qua chưa kịp thời, còn khó khăn nhất định và tỷ lệ huy động thuế, phí trên GDP giảm dần.

Cơ cấu chi vẫn có mặt chưa thật hợp lý, tình trạng dàn trải trong việc phân bổ vốn chậm được khắc phục, giải ngân vốn còn chậm so với kế hoạch, việc điều hòa vốn giữa các nguồn vốn vay như ODA, trái phiếu Chính phủ còn có mặt lúng túng, chưa thật sự hợp lý nên thường xuyên phải điều chỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, một số đại biểu đã đề nghị, Chính phủ cần có biện pháp khắc phục tình trạng chất lượng một số công trình, dự án đầu tư rất thấp, kéo dài thời gian hoàn thành, gây bức xúc trong dư luận, gây lãng phí ngân sách và giảm hiệu quả vốn vay.

Việc thực hiện pháp luật về đầu tư công chưa thật nghiêm, chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Việc cân đối nguồn lực đầu tư công trung hạn mới chỉ đảm bảo 53% nhu cầu chứng tỏ việc bố trí vốn còn dàn trải, lựa chọn trật tự ưu tiên hoàn thiện các thủ tục đầu tư còn bất cập, thời gian kéo dài, phân bổ vốn chậm và chưa kịp thời. Việc bố trí nguồn vốn chưa hợp lý, nhất là vốn ODA, dự kiến tăng nhiều so với kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch cũng có mặt chưa kịp thời và còn nhiều vướng mắc.

Kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng cơ bản chưa thực sự nghiêm. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần làm rõ một số dự án đầu tư công trong giai đoạn vừa qua, bao nhiêu dự án có hiệu quả, bao nhiêu dự án kém hiệu quả và dự án phải đình hoãn.

Về bội chi và nợ công, các ý kiến đề nghị tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, bội chi của ngân sách địa phương phải sử dụng nguồn tăng thu để giảm bội chi, sử dụng hiệu quả vốn vay và đánh giá kỹ vấn đề cho vay lại và bảo lãnh vay, bảo đảm an toàn nợ công.

Tăng thu chủ yếu từ ngân sách địa phương

Về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 là tích cực, có nhiều chuyển biến, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước.

“Tuy nhiên, tăng thu chủ yếu là tăng thu từ ngân sách địa phương, từ tiền sử dụng đất, các khoản thu từ năng lực nội tại của nền kinh tế như thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh không đạt dự toán và chưa bền vững, thiếu ổn định”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chỉ rõ.

Về chi ngân sách nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng, chi ngân sách nhà nước năm 2018 đã bám sát nghị quyết của Quốc hội, cơ bản đảm bảo các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cần nhận thấy kỷ luật tài chính ngân sách còn khá lỏng lẻo, việc thực hiện cơ chế tự chủ, khoán kinh phí ở một sô lĩnh vực dịch vụ công chưa được tích cực. Việc thực hiện tăng thu, tiết kiệm chi, ưu tiên vốn cho đầu tư phát triển còn có mặt hạn chế. Về bội chi và nợ công, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng bội chi ngân sách và nợ công giữ được mức trong giới hạn cho phép, tuy nhiên cần lưu ý khoản nợ nước ngoài đang có xu hướng vượt trần.

Thống nhất dự toán ngân sách nhà nước 2019-2021

Nhiều ý kiến đại biểu thống nhất về dự toán thu chi và bội chi ngân sách nhà nước 2019 và nhấn mạnh trọng tâm về tài chính ngân sách nhà nước trong năm 2019 và 3 năm tiếp theo là tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng an toàn, bền vững và tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính.

Có ý kiến đề nghị rà soát lại chính sách thu, chi tiêu hợp lý, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để nâng cao kỷ luật tài chính.

Có ý kiến cho rằng phân bổ ngân sách còn bình quân, dàn đều, cần đầu tư cho các dự án, công trình trọng điểm, các trọng điểm kinh tế để tạo sự lan tỏa, tạo động lực phát triển.

Có ý kiến đề nghị bố trí thêm nguồn lực để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn.

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị đảm bảo chi ngân sách nhà nước cho một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, bảo tồn di tích lịch sử, đảm bảo an sinh xã hội và chính sách cho người có công, tăng chi trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển rừng, phòng chống dịch bệnh, giữ trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh.

“Đề nghị Chính phủ giữ nguyên trần đầu tư công là 2 triệu tỷ gắn với kế hoạch bội chi cũng như trần nợ công theo kế hoạch tài chính 5 năm đã được Quốc hội quyết định”, Phó Chủ tịch cho biết.

Cơ bản tán thành việc điều chỉnh nâng trần vay ODA

Các đại biểu cơ bản tán thành việc điều chỉnh nâng trần vay ODA từ 300 nghìn tỷ đồng lên 360 nghìn tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu giải ngân vốn ODA và cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng, căn cứ theo tiến độ thu ngân sách và phải cân đối được nguồn vốn.

Tuy vậy, các đại biểu cũng đề nghị với Chính phủ, phải rà soát và giải trình thêm bằng văn bản với Quốc hội về việc nguồn lực có đủ hay không để phân bổ nguồn dự phòngi.

Về phương án xử lý số vốn ODA tăng thêm và được sử dụng 10 nghìn tỷ đồng cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, gia cố hệ thống đê xung yếu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, phòng, tránh, khắc phục thiên tai, các đại biểu cũng đề xuất một số dự án, công trình cụ thể, song phải đảm bảo trật tự ưu tiên, nhất là phải ưu tiên vốn cho công trình xây dựng cơ bản trở ra, đảm bảo nguyên tắc phân bổ phải có danh mục và mức phân bổ cụ thể.

Trường hợp các danh mục không trình được tại kỳ họp lần này thì có nhiều ý kiến đề nghị giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định sau đó báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Tuy nhiên, cũng có ý kiến không giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà phải do Quốc hội quyết định tại kỳ họp sau.

“Báo cáo Quốc hội, thực tế trong Nghị quyết 26 Quốc hội đã giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sử dụng nguồn dự phòng 200.000 tỷ, tuy nhiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ nguyên tắc là phải trình ra Quốc hội, đến nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa sử dụng bất cứ đồng nào trong dự phòng ngân sách”, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển báo cáo Quốc hội./.