Khó khăn nhiều...

Theo Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel), năm 2012 là năm có rất nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp trong ngành, do thị trường bất động sản “đóng băng” khiến nhiều dự án xây dựng bị đình trệ, kéo theo ngành thép “tắc” đầu ra. Bên cạnh đó, sản phẩm thép trong nước lại phải cạnh tranh khốc liệt với thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Trong tình hình đó, phần lớn các nhà máy chỉ chạy 40-50% công suất, thậm chí 30% công suất để duy trì sản xuất và giữ chân người lao động, thậm chí một số doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động. Điển hình ở phía Bắc, Công ty cổ phần Thép Vạn Lợi đã ngừng hoạt động. Vạn Lợi cũng là con nợ lớn của các ngân hàng với số nợ lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Tương tự Vạn Lợi, Thép Đình Vũ cũng bị lỗ liên tục trong nhiều năm, đã chuyển nhượng được 70% cổ phần cho Công ty cổ phần Thép Việt - Úc và đến nay đang hoạt động cầm chừng. Các công ty thép khác có cổ phần của doanh nghiệp nhà nước, như Cửu Long Vinashin, cũng ngừng hoạt động đã lâu. Công ty cổ phần Thép Sông Hồng cũng tìm cách bán doanh nghiệp dưới hình thức tái cơ cấu. Ngay đến “anh cả” của ngành là Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, cũng đang “gồng mình” xoay xở với khó khăn để giảm lỗ.

Sang năm 2013, tính chung 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thép sản xuất đạt 2.254 triệu tấn, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2012. Lượng thép tiêu thụ trong tháng 6/2013 đạt 350.000 tấn, giảm 9,33% so với tháng liền trước và tăng 17,57% so với cùng kỳ năm ngoài. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã tiêu thụ được 2.256 triệu tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2012.

Lượng thép thành phẩm còn tồn kho tính đến cuối tháng 6 là khoảng 310.000 tấn, tăng 1,97% so với tháng trước và giảm 11,58% so với cùng kỳ năm trước; phôi chuẩn bị cho sản xuất là 450.000 tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến tình hình sản xuất và tiêu thụ thép trong quý III/2013 sẽ trầm lắng, vì đây là giai đoạn trùng với mùa mưa ở phía Nam, nên nhu cầu tiêu thụ thấp.

Trong 6 tháng đầu năm, giá thép trong nước có những biến động khá lớn. quý I/2013, mặc dù thép thế giới vẫn đang trong xu hướng giảm giá, nhưng thép trong nước lại tăng giá khá mạnh. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp kinh doanh thép cố tình găm hàng, đầu cơ nên đẩy giá thép tăng cao. Đến quý II, giá thép thế giới tiếp tục giảm mạnh nên các doanh nghiệp này lại vội vàng đẩy hàng tồn khiến cho giá thép hạ xuống. Dự báo, thị trường thép trong nước quý III/2013 sẽ tiếp tục suy yếu, nên giá thép sẽ tiếp tục giảm.

Nhưng, chưa hẳn bế tắc

Mặc dù chưa đầy đủ, nhưng trên cơ sở số liệu thống kê của khoảng 50% số doanh nghiệp ngành thép niêm yết có thể thấy, có sự phân hóa khá mạnh giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại, dịch vụ. Trong khi doanh nghiệp thương mại, tỷ trọng thương mại cao có biên lợi nhuận gộp khoảng 3,75%, thì các doanh nghiệp sản xuất lại có tỷ lệ này cao hơn, mức thấp nhất cũng đã là 4,02%, còn chủ yếu ở mức 8-8,7%.

Thêm vào đó, biên lợi nhuận gộp trong 6 tháng đầu năm 2013 của các doanh nghiệp thương mại bị sụt giảm còn các doanh nghiệp sản xuất lại tăng. Cụ thể, Công ty cổ phần Kim khí TP. Hồ Chí Minh (mã chứng khoán: HMC) và Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (MCK: SMC) là 2 đơn vị có biên lợi nhuận gộp 6 tháng đầu 2013 giảm, cũng như lợi nhuận trước thuế sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu 2013, giá bán tiếp tục giảm sâu, xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua. Nguyên nhân được cho là do sản lượng thép sản xuất trong nước thừa và lượng thép nhập khẩu tăng cao gây ảnh hưởng đến thị trường nội địa. Ngoài ra, thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, sản xuất cơ khí trì trệ làm sức tiêu thụ thép tiếp tục giảm sút. Ngành thép đứng trước cạnh tranh kép từ áp lực dư thừa trong nước và thép nhập khẩu giá rẻ - từ Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh giá bán nhằm giải phóng hàng tồn kho, quay vòng vốn để mua vào với giá rẻ hơn.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị kim ngạch nhập khẩu các loại sắt thép về Việt Nam 6 tháng đầu năm nay đã đạt 3,5 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 36%.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG) có biên lợi nhuận gộp cải thiện khá mạnh từ mức 6,11% tính bình quân 6 tháng đầu 2012 lên 8,25% cho 6 tháng đầu 2013. Đồng thời, NKG có lợi nhuận trước thuế 6 tháng 2013 đạt hơn 43 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm trước. NKG cho biết, lợi nhuận tăng do doanh thu chủ yếu từ sản xuất, nhất là các mặt hàng có tỷ lệ lãi gộp tốt và doanh thu thương mại chiếm tỷ lệ rất thấp. Dây truyền mới đầu tư đã đi vào ổn định sản xuất tạo các sản phẩm có giá trị cạnh tranh.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Ống Thép Việt Đức - VG PIPE (mã chứng khoán: VGS) để có được lợi nhuận tăng, cải thiện biên lợi nhuận gộp, Công ty đã tìm nguồn nguyên liệu giá tốt, theo dõi, quản lý các chỉ tiêu tiêu hao nguyên vật liệu nên chi phí sản xuất giảm, giá thành hạ. VGS cho biết thêm, mặc dù thị trường thép đang gặp nhiều khó khăn, nhưng công ty đã tính toán và đưa ra chiến lược cụ thể: cơ cấu cấu lại chủng hàng, tiết giảm chi phí, vì thế đã đem lại hiệu quả trong kinh doanh.

Tính riêng quý I/2013, kết quả kinh doanh của Top 5 doanh nghiệp ngành thép (HPG - Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, POM - Công ty cổ phần Thép Pomina, HSG - Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, VIS - Công ty cổ phần Thép Việt Ý, HLA - Công ty cổ phần Hữu Liên Á Châu) khá tốt. Nguyên nhân lợi nhuận các doanh nghiệp ngành thép tăng là do chi phí nguyên liệu đầu vào giảm, bên cạnh đó lãi suất giảm mạnh giúp chi phí tài chính vốn là gánh nặng của các doanh nghiệp thép giảm đáng kể so với cùng kỳ. Hầu hết các doanh nghiệp ngành thép có tỷ lệ nợ vay khá cao nhằm đầu tư cho dây chuyển sản xuát. Riêng POM có lợi nhuận quý I/2013 bị âm 23 tỷ đồng là do chi phí khấu hao và chi phí tài chính gia tăng mạnh khi nhà máy luyện phôi mới đi vào hoạt động.

Tình trạng cung vượt cầu, cộng với sự cạnh tranh thép giá rẻ từ Trung Quốc, nên tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp thép nhìn chung không khả quan. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp đạt lợi nhuận khá. Điển hình là HPG và HSG - hai doanh nghiệp có công nghệ sản xuất tiên tiến, chủ động được nguồn nguyên liệu, quản trị tốt, cùng hệ thống phân phối mạnh, nên vẫn đạt được tỷ suất sinh lời cao so với các doanh nghiệp khác cùng ngành.

Các nút thắt và cách tháo gỡ

Phân tích báo cáo tài chính quý II/2013 của các doanh nghiệp thép cho thấy, mặc dù thị trường thép trong nước vẫn còn khó khăn, nhưng không phải bế tắc đầu ra. Những doanh nghiệp như VGS, nhờ tái cơ cấu chủng loại hàng, đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ mới, tiết giảm chi phí vẫn có thể giúp doanh nghiệp trụ vững với thị trường. Đồng thời, với những nỗ lực cải cách nhằm giúp thị trường bất động sản vượt qua khó khăn có thể kỳ vọng một chu kỳ phát triển mới cho ngành trong tương lai gần, khi mà thép nhập khẩu không còn chiếm ưu thế về giá - kết thúc chu kỳ gia tăng nhập khẩu.

Vì thế, để có thể trụ vững thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động, các doanh nghiệp ngành thép cần lưu ý các nút thắt và cách tháo gỡ như sau::

Thứ nhất, nâng cao trình độ công nghệ. Hiện nay, trình độ công nghệ của ngành thép nội còn ở mức thấp, quy mô nhỏ nên tổn hao nhiều nguyên liệu và năng lượng. Hậu quả là tính cạnh tranh của sản phẩm rất thấp. Trong vài năm gần đây, thị trường thép Việt Nam đã bùng nổ với sự tham gia ồ ạt của nhiều thành phần kinh tế. Trình độ công nghệ của ngành thép Việt Nam đã có sự phân hóa rõ rệt. Cụ thể, công nghệ sản xuất của ngành thép nước ta chia làm 3 nhóm: (1) Nhóm doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, chiếm khoảng 30%; (2) Nhóm doanh nghiệp sử dụng công nghệ ở mức trung bình, chiếm 40%; (3) Nhóm sử dụng những công nghệ hiện đại trên thế giới, chiếm 30% (Công ty Chứng khoán Phương Nam, 2013).

Thực tế đã chứng minh, trong tương lai gần, nếu các doanh nghiệp có nhà máy lạc hậu và trung bình không cải tiến công nghệ sẽ khó cạnh tranh và nhanh chóng bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp thép lớn. Do vậy, cải tiến công nghệ là giải pháp cần làm ngay đối với các doanh nghiệp, đặc biệt với những doanh nghiệp thuộc nhóm 1 và 2.

Thứ hai, đánh giá đúng các yếu tố tác động đến giá cả đầu vào của doanh nghiệp. Cụ thể:

- Tác động của giá nguyên liệu: Nguyên vật liệu chính của ngành thép là: thép phế chiếm đến 90%, điện chiếm 6%, dầu FO chiếm 3%. Trong khi, thép phế hầu hết là nhập khẩu chiếm từ 70%-80% và biến động theo giá phôi thép thế giới. Vì vậy, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngành thép phụ thuộc rất nhiều vào giá phôi thép trên thị trường thế giới và giá bán điện của Nhà nước.

Nửa đầu năm 2013, ngành thép hưởng lợi khá nhiều do giá nguyên vật liệu đầu vào, như: quặng sắt, phôi, thép phế đều giảm mạnh. Nguyên nhân là do đà phục hồi của một số nền kinh tế lớn vẫn chưa thực sự vững chắc, cộng thêm khu vực châu Âu chưa cải thiện được tình trạng khủng hoảng nợ công, trì trệ và suy thoái. Cụ thể, giá quặng sắt nguyên liệu đầu vào sản xuất phôi đã giảm 57% so với đầu năm. Tuy nhiên, về giá điện, ngành thép dự báo sẽ còn gặp khó khăn trong thời gian tới. Vì theo Dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của Bộ Công Thương, giá điện bán cho ngành thép sẽ cao hơn các ngành kinh tế khác. Nếu dự thảo này được thông qua, sẽ đẩy giá thành của thép “nội”, dẫn tới việc khó cạnh tranh với thép Trung Quốc và các nước khác nhập vào Việt Nam.

- Chênh lệch cung - cầu: Tình trạng cung lớn hơn cầu, vừa thừa vừa thiếu, luôn là vấn đề hóc búa, tồn tại trong một thời gian dài đối với ngành thép. Cung thép xây dựng vượt cầu khá xa làm cho mức độ cạnh tranh của ngành này khá lớn.

Bên cạnh đó, từ năm 2014 trở đi, ngành thép trong nước sẽ không còn được bảo hộ, theo cam kết WTO thuế suất nhập khẩu mặt hàng sắt thép chỉ còn 5%, năm 2017 là 0%. Khi đó mức độ cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ càng khốc liệt hơn hiện nay.

- Lãi suất: Do đặc điểm ngành, hầu hết các doanh nghiệp ngành thép đều có tỷ lệ nợ khá cao nhằm tài trợ cho các hợp đồng nhập khẩu thép và đầu tư máy móc. Tỷ lệ nợ trung bình ngành là 66%, rủi ro tín dụng ngành này khá lớn. Hiện nay, lãi suất đang trong xu hướng giảm, lãi suất cho vay doanh nghiệp xoay quanh 10-13% rất thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành thép, giảm được một khoản chi phí tài chính khá lớn so với năm 2012.

- Tỷ giá: Do phần lớn nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành (thép phế liệu) phải nhập khẩu, cùng với việc nhập khẩu máy móc cải tiến công nghệ, nên khi có biến động của tỷ giá, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thép sẽ bị tác động không nhỏ. Điển hình là việc điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 1%, lên 21,036 đồng/USD đã gây những khó khăn đáng kể cho doanh nghiệp ngành thép.

Thứ ba, tự nâng cao khả năng cạnh tranh. Đây là giải pháp cơ bản nhất giúp ngành thép vượt qua khủng hoảng ngắn hạn và có sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Trước mắt, các doanh nghiệp thép cần cắt giảm chi phí không hợp lý, quản trị doanh nghiệp công khai, minh bạch, hiệu quả hơn. Mạnh dạn thực hiện việc mua lại, sáp nhập (M&A) một số doanh nghiệp sản xuất không hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau. Hiệp hội Thép Việt Nam cần phát huy vai trò của mình trong việc khuyến cáo người sản xuất và tiêu dùng thép, sử dụng thép “nội” có chất lượng cao.

Các doanh nghiệp cũng phải thực hiện nghiêm quy hoạch thép đã được phê duyệt. Cùng với đó, cần tăng đầu tư vào phát triển các nhà máy thượng nguồn, luyện thép, sản xuất phôi thép, các mặt hàng thép tấm, lá, băng; đẩy mạnh đổi mới công nghệ, tái cơ cấu ngành thép. Doanh nghiệp và Hiệp hội Thép nên đề nghị Nhà nước hỗ trợ phát triển về nghiên cứu và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực... để nâng cao sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp thép cũng cần chú trọng xây dựng mối quan hệ tốt với các nhà phân phối, như: hỗ trợ đại lý tăng cường quảng bá thương hiệu, tổ chức các hội nghị khách hàng khu vực, chính sách giá cả thị trường linh hoạt và được kiểm soát minh bạch. Doanh nghiệp cũng cần cập nhật thông tin kịp thời, có sự chuẩn bị và phòng vệ cho sản phẩm của mình khi gặp sự cạnh tranh không lành mạnh./.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Công Thương (2013). Báo cáo về tình hình sản xuất tiêu thụ ngành thép 7 tháng đầu năm 2013, tài liệu họp báo thường kỳ này 5/8, Hà Nội

2. Công ty Chứng khoán Phương Nam (2013). Báo cáo phân tích ngành thép, thành phố Hồ Chí Minh, tháng 7/2013

3. Báo Công Thương (2013). Để ngành Thép, Xi măng phát triển ổn định và bền vững, tọa đàm trực tuyến ngày 24/7, truy cập từ www.baocongthuong.com.vn/doi-thoai/39242/toa-dam-truc-tuyen-de-nganh-thep-xi-mang-phat-trien-on-dinh-va-ben-vung.htm#.Ug2zn38nhH0

ThS. Trần Thị Ngọc Linh

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 16/2013