Thủ tướng giải trình trong phiên chất vấn 01/11

Sau ba thập niên kể từ khi Đổi mới: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất ấn tượng

Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986- 2017 đạt 6,63%/năm. Trong 20 năm gần nhất tăng bình quân 6,3%/năm, 10 năm gần nhất tăng 6%/năm, riêng năm 2017 tăng 6,81%, năm 2018 dự kiến tăng trên 6,7%.

Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, tỷ lệ nghèo giảm từ mức trên 60% xuống còn khoảng 7%, và quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế.

Quy mô nền kinh tế tăng gấp hơn 17,4 lần, từ 14 tỉ USD năm 1985 lên ước đạt 244 tỉ USD Mỹ năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người năm 1985 chỉ đạt 230 USD nay đã tăng lên gần 2.540 USD (tính theo sức mua tương đương là gần 7.640 USD). Khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể.

Thủ tướng nhấn mạnh, để bảo vệ các thành quả đã có và đạt được trọn vẹn những mục tiêu phát triển là cả một chặng đường đầy khó khăn, đòi hỏi phải không ngừng đổi mới, cải cách, luôn kiên định với lý tưởng, phải nỗ lực, quyết tâm trong nhiều giai đoạn, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cả những nhiệm kỳ kế tiếp.

Vẫn còn tình trạng “trên nóng – dưới lạnh”, “trên bảo – dưới không nghe”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện nay, đời sống của đại bộ phận người dân đã trở nên khá giả hơn trước đây rất nhiều, nhưng thực tế, vẫn còn không ít khó khăn, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng lõi nghèo còn nhiều hộ rất nghèo. Thực tế khó khăn đó luôn làm cho chúng ta day dứt, trăn trở, đầu tư nhiều nguồn lực và giải pháp nhằm cải thiện tình hình nhưng vẫn có một bộ phận cán bộ, công chức dửng dưng, vô cảm trước đời sống của nhân dân.

“Tình trạng trên nóng – dưới lạnh, trên bảo – dưới không nghe vẫn tiếp tục tồn tại. Có những người nhiệt huyết cải cách nhưng bị nỗi sợ rủi ro ngăn cản, có người còn do dự với cải cách vì sợ mất quyền lợi; cũng có người chờ đợi người đi trước dẫn đường, có người muốn thấy hết lối đi mới cất bước”, Thủ tướng chia sẻ

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trước thực trạng này chúng ta cần đồng tâm hợp lực, đồng bộ đổi mới sáng tạo trong xây dựng và thực thi chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đưa nghị quyết của Đảng, của Quốc hội thực sự đi vào cuộc sống với một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đồng thời, cần quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, kiểm soát quyền lực; đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, đề cao kỷ luật kỷ cương trong toàn bộ hệ thống chính trị; đẩy mạnh tinh giản biên chế, làm cho bộ máy nhà nước trở nên tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.

Nêu lại ví dụ mà nhiều đại biểu Quốc hội đã phản ánh trong những ngày qua, Thủ tướng nêu rõ, cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay gần đây là vụ phạt tiền 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định... Thủ tướng đề nghị sửa lại Nghị định 96/2014/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

“Tất cả chúng ta, toàn bộ hệ thống chính trị, cần chia sẻ trách nhiệm khơi thông mọi điều kiện, giải phóng nguồn lực và tiềm năng cho sự phát triển của các thành phần kinh tế, trong đó có vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân. Làm được như vậy, chúng ta sẽ tạo ra được những không gian mới, động lực tăng trưởng mới trong các lĩnh vực quan trọng của thế kỷ 21 như nông nghiệp thông minh, công nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, các loại hình dịch vụ và công nghệ tài chính hiện đại. Cùng với đó, là cần phải hiểu và đặt sự lưu tâm đến từng người dân, không để bất kỳ ai bị bỏ sót hay cảm thấy bị bỏ sót trong các chính sách phát triển.”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đâu là động lực tăng trưởng năm 2019 – 2020?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Tất Thắng, Vĩnh Long, Thủ tướng cho biết, trong ngắn hạn chúng ta vẫn tiếp tục dựa vào những động lực tăng trưởng hiện có từ góc độ tổng cầu. Đó là tiêu dùng của hộ gia đình đóng góp tới gần 3/4 trong tổng tăng trưởng GDP.

Tiếp đến là đầu tư và đặc biệt là đầu tư của các khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài.

Từ phía cung là từ ba khu vực kinh tế, dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước, đặc biệt tại các khối tư nhân, nhà nước và FDI.

Trong trung hạn cần tìm ra động lực mới để tăng trưởng nhanh và bền vững. Động lực tăng trưởng của Việt Nam sẽ phải đến từ các nguồn như sau:

Một, phát triển doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là tư nhân trong nước. Đẩy mạnh cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Hai, nuôi dưỡng sức cầu nội địa bằng cách không ngừng nâng cao thu nhập của người dân. Việc mua bán của người dân đóng góp 3/4. Nếu đời sống nhân dân cao lên thì đóng góp GDP rất tốt.

Phát huy, tận dụng tốt các hiệp định song phương và đa phương đã ký. Phát triển đô thị trở thành một đầu mối, đầu cầu tăng trưởng.

Khoa học và công nghệ phải trở thành một động lực then chốt, đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Giải pháp quan trọng căn cơ, giải pháp cho mọi giải pháp đó là cải cách, đổi mới, hoàn thiện thể chế pháp luật và quản trị quốc gia.

Thủ tướng cũng chỉ ra một động lực mới. Đó là phát triển mạnh mẽ, đúng quy hoạch các loại hình đô thị ở nước ta.

Dẫn số liệu thống kê của thế giới, Thủ tướng cho biết, trong 123 đô thị lớn nhất thế giới chỉ chiếm 13% dân số toàn cầu, nhưng đã đóng góp 27% FDI, 32% GDP, 44% các đại học nghiên cứu, 25% bằng phát minh sáng chế, 62% vốn đầu tư mạo hiểm, 66% hành khách với 50 sân bay lớn nhất. Đô thị có vai trò như vậy.

Thủ tướng sẽ nghe trực tiếp để quyết định vấn đề sai phạm về đất đai tại TP. Đà Nẵng

Cũng tại phiên chất vấn, liên quan đến vấn đề dân ở thành phố Đà Nẵng mà rất nhiều kỳ họp có ý kiến, Thủ tướng nói rõ, kết luận thanh tra về đất đai của Đà Nẵng được ban hành từ năm 2012, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực, nhiều cố gắng để thực hiện nội dung kết luận thanh tra, trong đó có việc tập trung khắc phục các sai phạm xảy ra.

“Về cơ bản thành phố đã hoàn thành hầu hết các nội dung kết luận thanh tra, chỉ còn 2 vấn đề vướng mắc, đó là xử lý các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trái Luật Đất đai, thời hạn sử dụng đất. Một doanh nghiệp kinh doanh mà ăn cắp 100% sổ đỏ có đúng pháp luật không. Hai là thu hồi về ngân sách nhà nước khoản tiền 10% mà thành phố đã giảm trái quy định của pháp luật”, Thủ tướng cung cấp thêm thông tin.

Nhấn mạnh rằng, vấn đề cơ bản của cả 2 việc này là thành phố Đà Nẵng đều đã làm trái luật, việc này đã rõ ràng, từ nhiều năm trước không phải do các đồng chí đương chức hiện nay. “Nguyên tắc là đã làm trái pháp luật thì phải khắc phục, sửa sai, luật pháp không cho phép chúng ta hợp thức hóa cái sai, không ai có quyền quyết định trái pháp luật, không ai có thể nói vì vướng mà không thực thi pháp luật. Tất nhiên chúng ta phải bằng cách tháo gỡ phù hợp với pháp luật, phù hợp thực tiễn, khả thi, không ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân”, Thủ tướng chia sẻ quan điểm.

Sau khi nhận được văn bản của đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng, Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, các bộ, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu giải quyết đề nghị của thành phố.

Ngày 20/7 vừa rồi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có cuộc họp với các bộ, ngành thống nhất giao Thanh tra Chính phủ cùng thành phố Đà Nẵng tiến hành rà soát, phân loại từng trường hợp cụ thể về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như các trường hợp miễn giảm trái pháp luật gây thất thu cho ngân sách nhà nước để có biện pháp giải quyết phù hợp đối với từng trường hợp, bảo đảm đúng pháp luật, khả thi, không làm hại đến quyền lợi chính đáng của nhân dân.

“Thủ tướng sẽ nghe trực tiếp để quyết định vấn đề này trên tinh thần là quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người dân mua lại đất”, người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ./.