Đánh giá lợi thế so sánh của hàng xuất khẩu Việt Nam

Chuỗi giá trị toàn cầu (Global Value Chain - GVC) được hiểu là chuỗi giá trị trong đó các hoạt động của chuỗi có thể được thực hiện bởi nhiều hãng và diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Trong cách tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu, mỗi nền kinh tế quốc gia chỉ là một bộ phận hữu cơ coi phân công lao động quốc tế là xu thế tất yếu và biên giới quốc gia không còn là giới hạn chủ yếu quy định không gian phát triển của các chủ thể kinh tế. Để nâng cao khả năng, hiệu quả tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải xác định được những lợi thế so sánh cùng những điểm hạn chế để đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp.

Trong những năm qua, xuất khẩu của Việt Nam đang sử dụng những lợi thế so sánh bậc thấp, gồm 5 loại: (i) Lao động giản đơn; (ii) Nguyên liệu thô, sơ chế; (iii) Vốn vừa và nhỏ; (iv) Công nghệ phù hợp; (v) Sức mua thấp. Chính vì vậy mà hàng hóa xuất khẩu của chúng ta chủ yếu vẫn dưới dạng thô, giá trị gia tăng thấp, lợi ích thu được từ xuất khẩu không cao. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, những lợi thế so sánh bậc thấp này lại phù hợp với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, như:

- Nông sản xuất khẩu: So với các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu, như: hàng dệt may, giầy da hay cơ khí, điện tử lắp ráp…, thì trong cùng một lượng kim ngạch xuất khẩu thu về như nhau, tỷ lệ chi phí sản xuất có nguồn gốc ngoại tệ của hàng nông sản rất thấp. Do đó, thu nhập ngoại tệ ròng của hàng nông sản xuất khẩu đang cao hơn nhiều so với các ngành hàng xuất khẩu khác (Hà Văn Sự, Bảng 1).

Bảng 1: Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam

Nhóm hàng

Giá trị hàng hóa - 100%

Thực hiện trong nước

Thực hiện ở nước ngoài

Công nghiệp

Gia công, lắp ráp, chế biến nguyên, vật liệu đạt 20-30%

Do nhập khẩu nguyên, vật liệu chiếm: 70-80%

Nông sản, khoáng sản

Sản xuất nông, lâm, thủy sản, khai khoáng, nguyên vật liệu đạt 50%

Chế biến ở nước ngoài 50%

Nguồn: Hà Văn Sự, 2011

Có thể nói, đây là lợi thế ban đầu của các nước nghèo như Việt Nam, khi chưa có đủ nguồn ngoại tệ để đầu tư xây dựng các nhà máy lớn, khu công nghiệp để sản xuất - kinh doanh những mặt hàng tiêu tốn nhiều ngoại tệ, cũng như có những thương hiệu mạnh đủ sức đứng vững trên thị trường thế giới.

- Nông, lâm nghiệp, thủy sản là những ngành sử dụng nhiều lao động vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Đây là một ưu thế quan trọng giúp nước ta phải giải quyết thêm việc làm cho 1,4 triệu người bước vào tuổi lao động mỗi năm. Hơn nữa, với việc giá nhân công Việt Nam vẫn còn rẻ hơn các nước khác trong khu vực, thì trước mắt, đây cũng là một lợi thế so sánh cho ngành này. Tất nhiên lợi thế này sẽ không tồn tại lâu do quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giúp cho thu nhập của người dân dần cải thiện.

Điều đáng lưu ý là những lợi thế so sánh bậc thấp có ưu thế đối với nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản, nhưng lại bất lợi đối với nhóm hàng công nghiệp, với đặc thù phải sử dụng lợi thế so sánh bậc cao, bao gồm: (1) Lao động chất lượng cao; (2) Nguyên, vật liệu tinh chế; (3) Vốn lớn; (4) Công nghệ hiện đại; (5) Sức mua cao. Thời gian qua, Việt Nam chưa đạt được những lợi thế bậc cao này, nên hầu hết các mặt hàng xuất khẩu công nghiệp, như: dệt may, giày da, điện tử và linh kiện máy tính... không những chỉ đơn thuần mang tính chất gia công, mà chủ yếu là đón các công nghệ chưa phải là nguồn từ các nước phát triển. Bởi vậy, các nhà sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam ít có khả năng kiểm soát đối với toàn bộ chuỗi giá trị của sản phẩm, hay chỉ thu được về phần nhỏ và rẻ nhất trong toàn bộ giá trị gia tăng (khoảng 20-30% tổng giá trị).

Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa chú trọng khai thác những lợi thế cạnh tranh khi xây dựng các ngành công nghiệp, tạo nên mối liên kết chặt chẽ với nhau để hình thành chuỗi giá trị gia tăng xuất khẩu lớn. Bởi vậy, chưa thể vươn tới một số khâu trong chuỗi giá trị có ảnh hưởng chi phối đến phần giá trị gia tăng của các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam thực tế đã không đem lại sự gia tăng tương ứng trong thu nhập cho người sản xuất do sự rớt giá, hoặc hàng sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, lao động rẻ, h àng hóa có hàm lượng công nghệ cao. Thực tế này đang đặt Việt Nam đối diện với hệ lụy là sự phát triển thiếu bền vững như học thuyết “Immiserizing growth - tăng trưởng bần cùng hóa” được GS. Jagdish Bhagwati đưa ra vào năm 1958 (Học thuyết này nêu rõ, sự tăng trưởng của một quốc gia có thể chạm tới ngưỡng, mà tại đó đất nước trở nên xấu đi so với trước ngưỡng này. Nếu tăng trưởng của một quốc gia quá phụ thuộc vào xuất khẩu, thì sẽ dẫn tới tình trạng giảm tỷ giá thương mại của nước xuất khẩu. Trong một số trường hợp, sự sụt giảm này sẽ lớn hơn phần tăng trưởng thu được).

Giải pháp chiến lược đối với xuất khẩu của Việt Nam

Thứ nhất, chuyển đổi mô hình xuất khẩu

Từ bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, đã xuất hiện nhiều quan điểm cho rằng, cần chuyển định hướng phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu sang thay thế nhập khẩu và phát triển thị trường nội địa. Thực tế tại nhiều nước trên thế giới đã thành công thông qua các biện pháp: tăng cường bảo hộ thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa. Điển hình là Trung Quốc.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, hiện nay, khi thị trường trong nước chưa phát triển, cần tranh thủ nguồn lực bên ngoài, nhất là FDI, để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển xuất khẩu là con đường nhanh nhất để Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Do vậy, nhu cầu phải nhanh chóng thay đổi mô hình tăng trưởng xuất khẩu ngày càng trở nên cấp bách.

Những năm qua, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dựa vào khai thác lợi thế so sánh sẵn có về tài nguyên và lao động rẻ. Lợi thế nói trên hiện tại và một vài năm tới vẫn đang còn phát huy tác dụng. Nhưng, cũng dễ dàng nhận thấy rằng, nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Những hạn chế mang tính cơ cấu về lợi thế tự nhiên, như: khả năng khai thác, đánh bắt, nuôi trồng sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong dài hạn. Đó là chưa kể đến những tác động tiêu cực đến môi trường được xem như một hạn chế cản trở tăng trưởng xuất khẩu.

Cùng với đó, lợi thế lao động rẻ cũng ngày càng giảm dần khi chênh lệch tiền lương lao động ở Việt Nam với các nước giảm dần và nhu cầu cao trên thị trường thế giới về những hàng hóa có hàm lượng công nghệ, khoa học ngày càng cao. Do đó, dựa vào mô hình tăng trưởng theo chiều rộng trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh sẵn có, xuất khẩu Việt Nam khó có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức cao trong thời gian tới.

Việc xây dựng mô hình tăng trưởng mới cần phải hướng theo chiều sâu, dựa vào việc khai thác lợi thế cạnh tranh động để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả xuất khẩu trên cơ sở đẩy mạnh cải cách thể chế, sử dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại và đồng bộ.

Chuyển từ phát triển xuất khẩu theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, từ việc dựa chủ yếu vào lợi thế so sánh sẵn có (tĩnh) sang lợi thế cạnh tranh “động” không những là nhân tố quyết định chất lượng tăng trưởng xuất khẩu, mà còn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao hiệu quả kinh tế, cũng như khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, phù hợp với xu hướng biến đổi của thị trường. Nhờ đó, hạn chế được rủi ro khi thị trường thế giới có những biến động bất lợi. Chuyển nền kinh tế từ khai thác và sử dụng tài nguyên dưới dạng thô sang chế biến tinh xảo hơn, nâng cao giá trị gia tăng từ mỗi một đơn vị tài nguyên được khai thác.

Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu

- Đối với nhóm hàng nguyên liệu và khoáng sản: Giảm khối lượng xuất khẩu khoáng sản thô, chuyển dần sang xuất khẩu sản phẩm chế biến, tận dụng cơ hội thuận lợi về thị trường và giá cả để tăng giá trị nhóm hàng nhiên liệu và khai khoáng.

- Nhóm hàng nông lâm, thủy sản: Khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới để gia tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; hướng mạnh vào phát triển sản phẩm sạch, giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh và vượt được rào cản thương mại mới ngày càng tinh vi của các nước nhập khẩu.

- Đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo và thủ công mỹ nghệ: Khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu đa dạng, nguồn lao động dồi dào để phát triển công nghiệp chế biến và chế tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tỷ lệ giá trị trong nước và giá trị gia tăng cao để phục vụ xuất khẩu, tăng nhanh kim ngạch và hiệu quả xuất khẩu, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Thứ ba, điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu

Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, củng cố và mở rộng vững chắc thị phần của hàng Việt Nam tại thị trường EU, Bắc Mỹ; tạo bước đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu tại Liên bang Nga và Đông Âu, Mỹ La Tinh, Tây Á, Nam Á và châu Phi. Bên cạnh đó, tiếp tục coi thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Trung Quốc, Indonesia…) là thị trường xuất khẩu trọng điểm trong 10 năm tới. Xuất khẩu sang các quốc gia và vùng lãnh thổ này, Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế về khoảng cách địa lý và nhiều nét tương đồng về văn hóa. Điều này sẽ mang lại một số thuận lợi trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời vẫn bảo đảm duy trì thị trường trong nước.

Thứ tư, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản, dệt may khi tham gia xuất khẩu vẫn bị xếp vào nhóm hàng gia công, sơ chế hoặc nghiên liệu thô, tức là giá trị thấp, nên mặc dù khối lượng xuất khẩu lớn, nhưng giá trị gia tăng không nhiều, dẫn đến giá trị xuất khẩu không cao. Trong khi đó, không ít mặt hàng xuất khẩu thô từ Việt Nam đưa các hãng phân phối lớn tiếp tục đóng gói, nhập khẩu lại thị trường Việt Nam với thương hiệu ngoại. Bởi vậy, để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu Việt Nam, Nhà nước nên tập trung cho việc cung cấp thông tin và thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu đối với những mặt hàng Việt Nam đã xuất khẩu và được thị trường thế giới chấp nhận, như: gạo, cà phê, thủ công mỹ nghệ…; từng bước thiết lập hệ thống phân phối tại các nước và khu vực trên thế giới để mang lại giá trị xuất khẩu cao.

Đồng thời, các nhà sản xuất nỗ lực tiến hành nâng cấp các khâu để từng bước chuyển từ nhà sản xuất gia công, không tên tuổi thành nhà sản xuất có thương hiệu riêng, cạnh tranh trên thị trường toàn cầu bằng chất lượng và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho mình. Đặc biệt, nhà sản xuất phải biết gắn mình với thị trường tiêu thụ cuối cùng; cần học cách không chỉ làm thế nào để tổ chức mạng lưới sản xuất, mà còn phải học cả cách tiếp thị sản phẩm, tham gia vào dây chuyền phân phối và đáp ứng các điều kiện về giao hàng và tài chính. Hơn nữa, quá trình nâng cấp này không chỉ diễn ra ở từng doanh nghiệp riêng lẻ, mà còn phải được tiến hành ở cấp độ ngành, mạng lưới giữa những doanh nghiệp cung ứng và khách hàng, cũng như trong toàn nền kinh tế./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thủ tướng Chính phủ (2011). Quyết định số 2471/QĐ-TTg, ngày 28/12/2011 về phê duyệt Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020

2. Hà Văn Sự (2011). Cấu trúc lại các ngành sản xuất của Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu giai đoạn sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Kỷ yếu Hội thảo Hội nhập: Hợp tác và Cạnh tranh, Nxb Thống kê, tháng 12/2011, Hà Nội

3. Đặng Như Vân (2003). Xuất khẩu: Việt Nam nằm ở đâu trong chuỗi giá trị?, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 304/2003

ThS. Lê Mai Trang

CN. Trần Kim Anh

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 18/2013