Vẫn còn nhiều tồn tại

Theo Báo cáo của Bộ Nội vụ trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh cải cách hành chính và chế độ công vụ, công chức ngày 26/7/2013, trong 6 tháng đầu năm 2013, Chính phủ đã ban hành gần 60 nghị định quan trọng để kịp thời điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội cần thiết, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước.

Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đơn giản hóa TTHC, cụ thể là: đơn giản hóa 115 TTHC, nâng tổng số lên 3.396 TTHC trên tổng số 4.751 TTHC được Chính phủ phê duyệt tại 25 nghị quyết; đánh giá tác động 1.053 TTHC được quy định tại 237 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; ban hành 2.181 quyết định công bố TTHC và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia.

Bộ Tư pháp đã kiểm soát chất lượng 23.451 hồ sơ TTHC để công khai trên mạng internet; rà soát 890 quy định TTHC được quy định tại 157 văn bản quy phạm pháp luật. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát 5.840 quy định, TTHC được quy định tại 1.138 văn bản quy phạm pháp luật. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được các địa phương quan tâm đẩy mạnh.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song cải cách hành chính nói chung còn chậm, TTHC vẫn còn rườm rà, mang nặng tính hình thức, chưa chủ động; chưa tạo được sự tham gia rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, người dân và xã hội.

Nhiều bộ, ban, ngành và địa phương chưa ban hành kế hoạch cải cách TTHC năm 2013; việc xây dựng văn bản pháp luật còn chậm, không đồng bộ. Công tác ban hành các TTHC không đúng quy trình dẫn đến sự chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau trong quản lý điều hành giữa các bộ, ngành và chính quyền các cấp; làm cho nhiều văn bản quản lý cấp dưới trái với luật pháp và văn bản quản lý của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên. Hiện tượng các cơ quan đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khi giải quyết công việc, thái độ thiếu tôn trọng nhân dân, cửa quyền, ban ơn, thậm chí sách nhiễu, đòi hối lộ vẫn còn diễn ra.

Thời gian gần đây, có khá nhiều văn bản pháp lý vừa “ra đời” đã bị bãi bỏ ngay sau đó, bởi thiếu tính thực tế và nhiều khi còn trái với quy định của pháp luật, như: ưu tiên cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học, quy định cấm thí sinh phát tán bằng chứng tiêu cực trong ngành giáo dục dưới mọi hình thức… của Bộ Giáo dục và Đào tạo; hay việc ghi tên cha mẹ trên chứng minh thư nhân dân của Bộ Công an; quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ phải xin phép…

Một thực tế diễn ra ở Việt Nam, đó là có quá nhiều các loại thủ tục với các tầng nấc khác nhau, hơn nữa thủ tục cũng còn rườm rà. Để giải quyết một công việc nào đó, người dân phải tốn nhiều thời gian, sức lực và tiền của mới giải quyết được. Một ví dụ điển hình cho công tác hành chính ở nước ta còn phức tạp, chưa đơn giản hóa, đó là: khi nộp hồ sơ, thì giấy tờ bản sao, như: hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân đều phải được yêu cầu chứng thực, mặc dù trong hồ sơ đã có bản chính. Điều này dẫn đến việc lãng phí thời gian, tiền của.

Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 14/5/2013 về kết quả chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2012 cho thấy, 32% ý kiến cho rằng, phải lót tay khi làm TTHC xin cấp giấy tờ về nhà đất (năm 2011 là 21%); 44% ý kiến cho rằng, phải lót tay để làm thủ tục xin vào làm việc tại cơ quan nhà nước (năm 2011 là 29%)...

Những con số trên thực sự rất đáng lo ngại, bởi như vậy, mục tiêu của cải cách TTHC là xoá bỏ cơ chế “xin - cho”, đơn giản hoá và loại bỏ TTHC gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân đã không hoàn thành.

Vì sao cải cách TTHC vẫn chậm trễ?

Một là, nhận thức, tư duy về quản lý nhà nước, cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền chậm được đổi mới, thực thi công vụ chủ yếu vẫn theo lối “xin - cho”; chưa thấy hết được ý nghĩa, tầm quan trọng và đòi hỏi cấp bách của cải cách TTHC để giải phóng mọi nguồn lực cho mục tiêu phát triển.

Hai là, hiện nay, chúng ta vẫn chưa xây dựng, ban hành được Luật về TTHC nhằm quy định chặt chẽ việc xây dựng, ban hành và thực hiện TTHC. Hơn nữa, công tác đánh giá cải cách TTHC ở nước ta chưa có những tiêu chí định lượng cụ thể. Do đó, rất khó xác định được kết quả trong từng lĩnh vực cụ thể về cải cách TTHC của các bộ, ngành, cũng như địa phương, nên dẫn đến khó khăn trong đánh giá, xếp loại về kết quả cải cách hành chính.

Bên cạnh đó, công tác kiểm soát TTHC vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện vì hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác kiểm soát TTHC hiện vẫn chưa đồng bộ, rõ ràng; hệ thống văn bản quy định về TTHC không tập trung, gây khó khăn cho các địa phương, đơn vị trong quá trình thực hiện. Công tác kiểm tra, tự kiểm tra của các đơn vị đối với việc tuân thủ TTHC chưa được duy trì thường xuyên; cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC của các đơn vị đều hoạt động kiêm nhiệm, nên khi cán bộ luân chuyển công tác thì đội ngũ cán bộ đầu mối thay đổi, làm ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai thực hiện rà soát các TTHC.

Ba là, nhiều TTHC hiện nay còn thực hiện cắt khúc, thiếu tính liên thông và phối hợp trong thực hiện TTHC. Khi có nhu cầu, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp còn phải đến nhiều đầu mối, nhiều cấp chính quyền để thực hiện TTHC. Việc thiếu chặt chẽ trong xây dựng và thực hiện TTHC là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tự do, tuỳ tiện của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết các yêu cầu của công dân. Đây chính là “mảnh đất tốt” cho tệ quan liêu, cửa quyền phát triển.

Bốn là, thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, sách nhiễu, tiêu cực. Đây là rào cản cho quá trình đơn giản hóa TTHC, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, khiến tiến trình cải cách TTHC không đạt được những hiệu quả như mong muốn. Điều đáng quan tâm hiện nay là vẫn chưa có chế tài thực sự hữu hiệu đối với cán bộ có hành vi tiêu cực. Bên cạnh đó, người dân, doanh nghiệp cũng chưa chủ động đấu tranh với các hành vi tiêu cực mà vô tình tiếp tay cho hành vi tiêu cực của các cán bộ có thẩm quyền vì mong muốn TTHC được giải quyết đơn giản, nhanh gọn.

Một số đề xuất

Theo chúng tôi, để khắc phục được phần nào những tồn tại trên, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai và thực hiện tốt Nghị định 63/2010/NĐ-CP, ngày 8/6/2010 về kiểm soát TTHC nhằm góp phần nâng cao chất lượng của các quy định TTHC, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu chất lượng trên tinh thần cải cách. Hoàn thiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở tích hợp và đồng thời, luật hóa bộ công cụ đánh giá tác động pháp luật (RIA) và công cụ đánh giá TTHC. Đổi mới việc thực hiện cơ chế phản biện xã hội, tránh bệnh hình thức như hiện nay bằng cách quy định việc lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp, đối tượng tác động khi ban hành TTHC là bắt buộc và cần thể hiện nội dung này trong hồ sơ thẩm định.

Thứ hai, Bộ Nội vụ phối, kết hợp với các sở nội vụ, các cơ quan liên quan khẩn trương công bố Chỉ số Cải cách TTHC. Để thực hiện mục tiêu chỉ số cải cách TTHC thực chất, khách quan, các cơ quan phải thực hiện nghiêm túc việc theo dõi đánh giá, chấm điểm về kết quả cải cách TTHC của mình.

Thứ ba, cần nhân rộng cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại; Thực hiện giao dịch điện tử rộng rãi và phổ biến; Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VN ISO 9001:2008 đối với các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Thứ tư, cần phải có cơ quan độc lập để xác định một cách khách quan những TTHC cần đơn giản hoá. Kinh nghiệm của Đức cho thấy, việc giao cho các cơ quan chuyên môn (chủ yếu là các bộ chức năng) xác định thường đem lại kết quả khoảng 20-40%. Trong khi đó, việc giao cho một cơ quan độc lập xác định đem lại kết quả đến 60-80% (Nguyễn Tuyển Triệu, 2011).

Thứ năm, cần xây dựng một bộ máy hành chính hoạt động theo nhu cầu, với các đặc điểm cơ bản sau: Đáp ứng nhanh với các yêu cầu hiện tại và tương lai của công dân và tổ chức; Chỉ tập trung vào các hoạt động, mà các cơ quan hành chính nhà nước nên làm và làm tốt; Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại vào quản lý hành chính nhằm thúc đẩy sự hợp tác và cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của xã hội.

Thứ sáu, sử dụng các mối quan hệ hợp tác hơn là cơ cấu thứ bậc trong hoạt động hành chính. Chính phủ cần tạo dựng các mối quan hệ hợp tác có hiệu quả giữa các tổ chức hành chính nhà nước, giữa Trung ương với địa phương, giữa các cấp hành chính địa phương với nhau, giữa các tổ chức hành chính nhà nước với các tổ chức xã hội, giữa các tổ chức trong khu vực công và các tổ chức trong khu vực tư.

Thứ bảy, cần ban hành chế tài để ngăn chặn những hành vi tiêu cực của cán bộ hành chính có hành vi tiêu cực, như: giải quyết công việc chậm trễ, sách nhiễu, tiêu cực… Bản thân người dân cũng cần phải chủ động đấu tranh với các hành vi tiêu cực nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần cải cách TTHC được thông suốt.

Thứ tám, nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức trong công tác cải cách TTHC, thông qua việc tập huấn và đào tạo kiến thức về pháp lý và chuyên ngành liên quan. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng trong tuyển dụng công chức làm công tác này. Cần quán triệt toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, tinh thần của cải cách TTHC là việc nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ, cũng như văn hóa ứng xử đối với nhân dân ngày một tốt hơn. Có như vậy mới duy trì được nếp sống văn hóa ở công sở nói chung và đáp ứng được sự mong mỏi của người dân khi đến các cơ quan công quyền nói riêng.

Thứ chín, về phía người dân, khi đến với chính quyền địa phương, người dân cũng phải có “tâm thế như một khách hàng” để được phục vụ và công chức là những người phục vụ họ. Việc triển khai cung cấp các TTHC theo mô hình “một cửa điện tử” với các dịch vụ công được cung cấp qua mạng hiện nay là một giải pháp khá toàn diện giúp người dân trở thành khách hàng khi giao dịch với chính quyền./.

Tài liệu tham khảo

1. Học viện Chính trị - Hành chính Quốc Gia Hồ Chí Minh (2011). Giáo trình khoa học quản lý, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội

2. Nguyễn Tuyển Triệu (2011). Kinh nghiệm cải cách hành chính của một số nước, truy cập từ

http://www.noivu.danang.gov.vn/noivu/index.php/vi/tin-tuc-hoat-dong/cai-cach-hanh-chinh/1661-kinh-nghiem-cai-cach-hanh-chinh-cua-mot-so-nuoc

3. PV (2013). Hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức, truy cập từ http://noichinh.vn/tin-tuc-su-kien/tin-trung-uong/201307/hoi-nghi-truc-tuyen-ve-day-manh-cai-cach-hanh-chinh-va-cai-cach-che-do-cong-vu-cong-chuc-291866/

Nguyễn Tất Vũ (Phó Chánh VP UBND huyện Đông Anh, Hà Nội)

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 17/2013