Phương pháp nghiên cứu

Tháng 12/2012, Tổ chức Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã mời 11 chuyên gia hàng đầu trên thế giới về mô hình toán - kinh tế cùng với các nghiên cứu viên của IAEA nghiên cứu, tìm tòi nhằm đưa ra một mô hình chuẩn đánh giá tác động của điện và đặc biệt là các dự án điện hạt nhân với kinh tế. Nhiều mô hình đã được đưa ra, sau đó 2 mô hình được đưa ra để lựa chọn cuối cùng là mô hình phân tích liên ngành (input-output analysis) và mô hình cân bằng tổng thể (CGE model). Cuối cùng, mô hình phân tích liên ngành đã được lựa chọn cuối cùng và được xem như mô hình chuẩn của IAEA nhằm khuyến nghị các nước có dự án về điện hạt nhân.

Theo bảng cân đối liên ngành (input – output table) của Leontief (1941), mô tả về cấu trúc kinh tế của một quốc gia có dạng:

X = (I-Ad)-1.Yd (1)

Với X là véc tơ giá trị sản xuất; I là ma trận đơn vị; Ad là ma trận hệ số kỹ thuật trong nước; Y là ma trận sử dụng cuối cùng. Ma trận (I-A)-1 được gọi là ma trận nghịch đảo Leontief. Từ (1) có thể phát triển quan hệ trên thành:

GVA = v.(I-Ad)-1.Yd (2)

Ở đây, GVA là tổng thu nhập từ sản xuất, v là hệ số thu nhập.

Điện ảnh hưởng đến cả khâu sản xuất và sử dụng cuối cùng. Khi giá điện thay đổi sẽ dẫn đến sự thay đổi về giá thành sản phẩm, điều này có nghĩa giá sản xuất của các sản phẩm sẽ thay đổi, được thể hiện qua công thức:

Pm = (I-Ad’)-1. (GVA)’ (3)

Trong đó, Ad’ và (GVA)’ là chuyển vị của các ma trận Ad và GVA. Ma trận (I-A’)-1 được gọi là ma trận Ghosh (1958).

Khi giá cả của nền kinh tế tăng lên sẽ làm chi phí đẩy của nền kinh tế tăng lên trong thời kỳ sản xuất tiếp theo và ma trận hệ số trực tiếp sẽ thay đổi, được xác định qua công thức:

Am = pm^.A

Trong đó, pm^ là ma trận đường chéo với phân tử trên đường chéo là phân tử của véc tơ Pm). Lúc đó, véc tơ hệ số thu nhập cũng thay đổi từ v -> vm

Ma trận sử dụng cuối cùng Y = Y(C,I,E), trong đó:

C=c.T (T là tổng thu nhập và c là hệ số tiêu dùng)

I=Ϭ.S (S là để dành)

E = E(A*,σ) (A* và σ là các biến về thị trường nước ngoài và tỷ giá).

Ngoài ra, để đánh giá các ngành khác trong nền kinh tế được lan toả bởi điện, có thể chia ma trận Ad thành 4 ma trận con. Ta có Acc là ma trận chi phí trực tiếp của các ngành trong nền kinh tế (trừ ngành điện) và Akk là những hoạt động về điện (như thuỷ điện, nhiệt điện, điện hạt nhân và điện khác). Quan hệ trên được triển khai:

Xc = (I – Acc)-1.Ack.Xk (5)

Tương tự:

Xk = (I – Akk)-1.Akc.Xc (6)

Ở đây, (I – Acc)-1.Ack thể hiện mức độ lan toả của các ngành (không kể ngành điện) bởi ngành điện.

Nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam

Xem xét mối quan hệ giữa tăng trưởng về sản lượng điện và mức tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2001–2012 (hình 1) cho thấy, đây là mối quan hệ không cùng chiều. Mức tăng trưởng về sản xuất điện luôn cao hơn mức tăng trưởng của GDP. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch giữa 2 tốc độ tăng này doãng ra khá lớn kể từ năm 2008, đặc biệt là trong năm 2012, khi sản lượng điện tăng trên 12%, thì mức tăng trưởng GDP chỉ là 5,03%. Nguồn cung điện của nước ta hiện nay không chỉ từ sản xuất trong nước, mà còn nhập khẩu một lượng lớn từ Trung Quốc. Do vậy, mối quan hệ giữa điện sản xuất và tăng trưởng GDP chỉ phản ánh phần nào, nhưng độ doãng giữa tăng trưởng về điện và tăng trưởng GDP cũng cho thấy, mức độ điều phối, cũng như hiệu quả của ngành điện là không cao.

Hình 1: Tốc độ tăng trưởng về điện và tốc độ tăng trưởng GDP

Nguồn: Tổng cục Thống kê và tính toán của Nguyễn Việt Phong, Nguyễn Văn Hiệp

Sử dụng phương pháp phân tích liên ngành dựa trên bảng cân đối liên ngành của Việt Nam năm 2000 và 2007 (công bố bởi Tổng cục Thống kê) có thể thấy, để tăng lên 1 đơn vị GDP trong năm 2000, thì nhu cầu về sản lượng điện là 1,19, đến năm 2007, con số này lên xấp xỉ 1,3 (tăng lên trên 8%). Điều thú vị là nhu cầu về điện tăng lên không phải bởi các lý do bên ngoài, mà bởi chính chi phí của bản thân ngành điện đang gia tăng rất mạnh. Điều này đặt ra câu hỏi, phải chăng hao hụt và tổn thất về điện đang ngày càng lớn?

Nhu cầu về điện tăng cũng có thể do thay đổi quy trình công nghệ, nhưng những nghiên cứu khác cũng cho thấy, chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam ngày càng giảm sút nghiêm trọng. Nếu trong giai đoạn 2000-2005, năng suất nhân tố tổng hợp của Việt Nam đóng góp vào tăng trưởng trên 22%, thì đến giai đoạn 2006-2011 chỉ tiêu này chỉ đóng góp vào tăng trưởng xấp xỉ 7%. Thay vào đó là yếu tố vốn đã đóng góp cơ bản vào tăng trưởng GDP. Như vậy, có thể thấy hiệu quả của ngành hay cơ cấu kinh tế cần phải rà soát lại? Vì, nếu nhìn kỹ hơn vào cơ cấu của nhu cầu cuối cùng (gồm: tiêu dùng cuối cùng, đầu tư và xuất khẩu), nhu cầu về điện tăng 13% cho một đơn vị tăng lên của xuất khẩu.

Như vậy, lỗi ở đây không hoàn toàn là của ngành điện, mà cấu trúc kinh tế cũng gây ra tình trạng hiệu quả thấp trong việc sử dụng điện. Cũng có thể thấy, không thể hô hào khuyến khích xuất khẩu bằng mọi giá, trong lúc tái cấu trúc tổng thể lại nền kinh tế đang ngày càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết, từ cấu trúc sản xuất đến sử dụng cuối cùng. Các ngành cần được khuyến khích phải là các ngành có độ lan tỏa đến nền kinh tế trong nước cao, lan tỏa đến nhập khẩu thấp và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng.

Hình 2: Giá điện trung bình hàng năm (VNĐ/kwh)

Nguồn: Tổng cục Thống kê và tính toán của Nguyễn Việt Phong, Nguyễn Hiệp

Năm 2012, xuất khẩu (xuất siêu) của Việt Nam cơ bản là của khu vực FDI. Phải chăng đó chỉ là xuất khẩu tài nguyên, sức lao động (vì cơ bản là chỉ gia công, thì hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu rất thấp) và năng lượng giá rẻ. Trong khi đó, điều mà nước ta trông mong ở khu vực này là luồng tiền tính tổng thu nhập quốc gia (GNI) lại ngày càng nhỏ. Trong khi đó, luồng tiền chảy ra ngoài, nếu tính theo giá hiện hành tăng hơn 13 lần và nếu quy về mặt bằng giá 1994, thì tăng xấp xỉ 8 lần.

Hình 3. Ảnh hưởng của tăng giá điện

Nguồn: Nghiên cứu của Nguyễn Đức Thành, Bùi Trinh

Việc tăng giá điện đại trà để ngang bằng giá thế giới, mà không phân biệt giá giữa khu vực tiêu dùng và sản xuất, giữa các khu vực sở hữu, thì chỉ có người dân và doanh nghiệp trong nước chịu thiệt. Do hiệu quả của ngành điện và cấu trúc kinh tế lệch lạc đối với các ngành, với xuất khẩu, với các khu vực sở hữu (nhà nước, ngoài nhà nước và FDI), mà người dân và nền kinh tế phải chịu cảnh tăng giá điện gần như liên tục suốt từ năm 2006 tới năm 2010 với lý luận “tăng giá điện để ngang bằng giá thế giới”. Trong khi đó, thu nhập thực sự của người dân còn lâu mới bằng thu nhập của các nước trên thế giới và khu vực. Ngoài ra, việc tăng giá điện còn ảnh hưởng đến chỉ số giá và tăng trưởng khiến giá cả tăng lên và thu nhập lại càng nhỏ đi (xem hình 3). Theo tính toán từ mô hình trên, ảnh hưởng của việc tăng giá điện là ảnh hưởng nhiều vòng. Tuy nhiên, ảnh hưởng này càng ngày càng nhỏ dần và đến một lúc nào đó nó gần như không tăng. Nhưng, việc cứ liên tục tăng giá, thì những vòng sau lan toả số nhân với vòng trước sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân do phát triển cần có khả năng thanh toán đối với các hàng hóa và dịch vụ khác; ảnh hưởng tới sản xuất của các ngành trong nền kinh tế do mất lợi thế cạnh tranh bởi chi phí đầu vào tăng./.

Tài liệu tham khảo:

1. Manki Lee (2012). Điện hạt nhân và kinh tế Quốc gia, báo cáo cho IAEA

2. David Solan (2012). Input-Output Analysis and Economic Models for Small Modular Reactors: Model Construction, Development Options and Future Considerations, báo cáo cho IAEA

3. Bùi Trinh (2012). Estimate on Electricity impacts based on Input-output analysis, báo cáo cho IAEA

4. Leontief, W. (1941). The Structure of the American Economy, Oxford University Press

5. Ghosh, A. (1958). Input-Output approach in an allocation system, Economica, Vol. 25, pp 58-64

Bùi Trinh
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 15/2013)