Năm 2012 - tỷ giá khá ổn định

Theo Tổng cục Thống kê, nếu như tỷ giá VND/USD tăng cao trong năm 2008-2010 (năm 2008 tăng 6,31%, năm 2009 tăng tới 10,07%, năm 2010 tăng 9,68%), thì năm 2011-2012 lại giảm xuống rất thấp. Cụ thể: năm 2011 chỉ tăng 2,2%; năm 2012 chỉ còn tăng 0,96%. Năm 2012 được phân rõ hai thái cực, nửa đầu năm, tỷ giá VND/USD có xu hướng tăng nhẹ, trong khi 6 tháng cuối năm lại điều chỉnh giảm (Biểu đồ 1). Đây là một hiện tượng ngược lại diễn biến tỷ giá trên thị trường trong những năm xáo trộn (2008-2011) khi tỷ giá luôn biến động theo chiều hướng tăng dần từ đầu năm đến cuối năm.

Điều đáng nói, quy luật biến động mạnh của tỷ giá vào những tháng cuối năm, kèm với sự chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường tự do thường ở mức khá cao đã không tái hiện trong năm 2012. Mặc dù, cuối tháng 8, đầu tháng 9/2012, tỷ giá tự do nhích lên và bỏ xa thị trường chính thức một khoảng khá lớn, nhưng nhanh chóng trở lại bám sát tỷ giá chính thức. Đây chính là một điểm sáng trong điều hành thị trường ngoại hối trong năm 2012.

Có được kết quả trên là do sự kết hợp linh hoạt các biện pháp điều hành chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong suốt năm 2012, nhằm bình ổn thị trường ngoại tệ. Ngoài ra, diễn biến thuận lợi của cán cân thương mại, cán cân tổng thểtrong năm 2012, đã hỗ trợ khá đắc lực cho những cam kết của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, những quy định và biện pháp kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng đã khiến cho biến động của thị trường này không còn gây nhiều tác động tiêu cực đến thị trường ngoại hối tự do như trước đây.

Và, những biến động từ quý II/2013

Sự ổn định của tỷ giá được kéo dài đến hết quý I/2013. Nhưng, sang đầu quý II/2013, thị trường đã có những biến động. Cụ thể là, từ cuối tháng 4/2013 đến cuối tháng 6/2013, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã nâng giá USD lên kịch trần cho phép 1 USD đổi 21.036 VND. Thậm chí tại số đông NHTM tăng giá mua lên kịch trần 21.036 VND, trong khi giá bán USD trên thị trường tự do lên tới 21.320 VND. Trước áp lực đó, cộng với một số diễn biến kinh tế vĩ mô khác, kể từ ngày 28/6/2013, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng tỷ giá liên ngân hàng lên thêm 1% so với trước đó. Theo đó, các NHTM cũng đồng loạt điều chỉnh tăng tỷ giá mua - bán ngoại tệ của mình.

Sau đợt điều chỉnh đó, bắt đầu từ đầu tháng 7/2013, tại các NHTM, tỷ giá VND/USD được niêm yết phổ biến ở mức từ 21.110-21.140 VND/USD (mua vào) và 21.220-21.230 VND/USD (bán ra), tăng từ 5-20 VND/USD so với ngày 28/6/2013 và tăng bình quân 1% so với trước ngày 28/6/2013. Giá USD trên thị trường tự do những ngày cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2013 cũng biến động. Cụ thể, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do tại Hà Nội sáng ngày 1/7/2013 niêm yết ở mức 21.380 - 21.430 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 30 đồng mua vào và giảm 20 đồng bán ra so với chiều ngày 28/6/2013; tiếp đó đến ngày 8/7/2013 lại tăng lên 21.800 VND/USD...

Nếu nhìn vào diễn biến tỷ giá dài hơn, tức là trong 5 năm gần đây có thể thấy, theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2013 (tính đến trước ngày 28/6/2013) chỉ tăng có 0,84%; nhưng, nếu tính đến đầu tháng 7/2013 so với đầu năm, thì đã tăng tới 1,84%.

Những tác động đáng kể của tỷ giá

Việc điều chỉnh tỷ giá thêm 1% ngày 28/6/2013 khiến một số người lạc quan kỳ vọng Việt Nam sẽ có những bứt phá như Nhật Bản. Hành động phá giá đồng Yen đến 25% của Thủ tướng Shinzo Abe đã thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu và tăng trưởng GDP, giúp nước này vượt qua được tình trạng suy thoái, trì trệ kéo dài và đã bắt đầu phục hồi.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng bản thân tỷ giá riêng lẻ không quyết định cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Tỷ giá hối đoái chỉ là một yếu tố. Theo nghiên cứu của chúng tôi, hàng xuất khẩu của Việt Nam ít phụ thuộc vào tỷ giá hối đoái, mà phụ thuộc nhiều vào các yếu tố, như: thị trường, công nghệ, tiếp thị và uy tín của nhà sản xuất...

Bên cạnh đó, xét về cơ cấu hàng xuất khẩu hiện nay, thì các mặt hàng như điện thoại di động, điện tử máy tính, dệt may, da giày... có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, nhưng hầu hết linh phụ kiện đều phải nhập khẩu để gia công tại Việt Nam,. Vì vậy, khi tỷ giá tăng sẽ làm đội giá các sản phẩm, linh kiện nhập khẩu và gây khó khăn cho cạnh tranh trong xuất khẩu.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, vấn đề ở Việt Nam khác nhiều so với Nhật Bản trong câu chuyện phá giá đồng nội tệ. Trong tổng số kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, doanh nghiệp FDI chiếm đến 65%, trong khi doanh nghiệp trong nước chỉ đóng góp 35%. Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chủ yếu là tận dụng lao động giá rẻ ở Việt Nam, lắp ráp các linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài để xuất khẩu. Điển hình là Samsung Vina nhập khẩu 100% linh kiện từ Samsung ở Trung Quốc để sản xuất điện thoại thông minh Galaxy; giá trị gia tăng của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số 12 tỷ USD xuất khẩu của Samsung Vina trong năm 2012. Dự kiến xuất khẩu của doanh nghiệp này sẽ vượt ngưỡng 20 tỷ USD trong năm 2013. Đối với những doanh nghiệp FDI xuất khẩu các sản phẩm lắp ráp này, điều chỉnh tỷ giá ít tác động tới kết quả hoạt động của họ, vì giá các linh kiện nhập khẩu tăng lên tương ứng do điều chỉnh tỷ giá và tỷ lệ giá trị gia tăng trong nội địa không tăng cùng.

Tương tự, xuất khẩu dệt may, da giày của các doanh nghiệp Việt Nam cũng chủ yếu là các sản phẩm gia công, tỷ lệ nhập khẩu đầu vào của các sản phẩm này lên đến 70-75% giá trị sản phẩm xuất khẩu, giá trị các sản phẩm đầu vào sản xuất trong nước chỉ chiếm 25%-30%, kể cả chi phí hậu cần, bao bì... Vì vậy, điều chỉnh tỷ giá chỉ có tác dụng rất hạn chế để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng này.

Điều chỉnh tỷ giá sẽ tác động thuận lợi đến xuất khẩu nông - lâm - thủy sản ở mức độ nhất định, vì đây là những sản phẩm có tỷ lệ sản xuất nội địa cao hơn so với các sản phẩm lắp ráp hay gia công kể trên. Tùy theo tỷ lệ giá trị gia tăng của từng sản phẩm, xuất khẩu cao su, cà phê, gạo, thủy sản có thể thuận lợi hơn, song tác động không phải quá lớn với mức điều chỉnh tỷ giá 1%. Dù vậy, tỷ trọng các sản phẩm này trong tổng kim ngạch xuất khẩu không quá lớn, nên tác động thúc đẩy xuất khẩu chỉ có mức độ.

Khác với Nhật Bản, muốn tăng xuất khẩu, Việt Nam phải có nỗ lực lâu dài để tăng tỷ lệ giá trị nội địa, cải thiện kết cấu hạ tầng, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính ở hải quan, bến cảng, thuế...

Mặt khác, việc điều chỉnh tỷ giá chắc chắn sẽ tác động đến lạm phát, vì nền kinh tế nước ta có tỷ lệ nhập khẩu trên GDP rất cao, có năm lên đến 90% GDP; giá các sản phẩm nhập khẩu, như: xăng dầu, nguyên liệu cho thức ăn gia súc, dược phẩm... sẽ tăng lên và hoàn toàn không phải tình cờ, mà giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng hai lần trong tháng 6, đợt điều chỉnh thứ hai vào ngày 28/6, chỉ 1 ngày ngay sau khi điều chỉnh tỷ giá và 1 lần trong tháng 7 đã đưa giá xăng dầu lên cao nhất trong mấy năm gần đây.

Đó là chưa kể tới một loạt các mặt hàng thiết yếu khác, như: dược phẩm, thức ăn chăn nuôi, sữa, hoá chất, thuốc trừ sâu... trong nước chưa sản xuất được, đều phải nhập khẩu với số lượng lớn. Khi tỷ giá tăng dẫn đến giá thành các mặt hàng này cũng sẽ tăng.

Trong thời gian từ cuối tháng 3 đến hết tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 48 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.297.400 lượng, tương đương 49,9 tấn vàng, trên tổng số 1.400.000 lượng chào thầu, tương đương hơn 53,8 tấn vàng. Tuy nhiên, nhu cầu về vàng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Lượng vàng nhập khẩu chắc chắn đã lấy đi một lượng ngoại tệ không nhỏ, dự kiến cả năm 2013 có thể nhập siêu lên đến 9 tỷ USD. Như vậy, các cơn khát ngoại tệ cho thanh toán quốc tế là có thật!

Sáng 6/7/2013, tỷ giá trên thị trường tự do có thời điểm chạm mức 22.000 VND/USD, đây là dấu hiệu cho thấy, mục tiêu duy trì tỷ giá ổn định trong 6 tháng cuối năm 2013 là không hề dễ dàng, mà phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: thực hiện quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu, cải tiến cơ cấu xuất - nhập khẩu và cân đối thanh toán tài khoản vãng lai.

Tỷ giá VND/USD tăng còn gây nhiều tác động đến nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp. Đối với nợ nước ngoài của Chính phủ, tỷ giá VND/USD tăng gần 2% từ đầu năm đến nay, điều đó cũng có nghĩa là nợ nước ngoài tính bằng nội tệ cũng tăng thêm 2%, tức tăng thêm ước tính khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng, bởi vì nguồn thu để trả nợ hầu hết là nội tệ và phần lớn là từ nguồn ngân sách. Số tăng thêm đó tương đương với nguồn thu ngân sách cả năm của một tỉnh khá ở vùng Đồng bằng sông Hồng.

Hiện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nợ nước ngoài 99.260 tỷ đồng do vay đầu tư nhà máy điện và các dự án điện. Trong đó có một số vốn không nhỏ vay bằng USD. Với tỷ giá tăng 1% khiến cho nợ bằng USD tăng thêm 1% và gây áp lực khiến cho giá điện tăng. Khi giá điện tăng, thì tác động tới nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống xã hội.

Một số khuyến nghị

Có thể nói, biến động tỷ giá có sự tác động đa chiều đến kinh tế vĩ mô. Do đó, việc điều hành công cụ này thế nào luôn là bài toán khó đối với các nhà quản lý, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước.

Sự thành công và những lợi ích của việc ổn định tỷ giá đã được minh chứng trong năm 2012. Bởi vậy, giải pháp tối ưu xin được đề xuất đó là Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước điều hành giữ ổn định tỷ giá VND/USD ở mức như năm 2012, hay tăng không quá 1-1,5% trong năm 2013. Kèm theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường quản lý các đối tượng bán hàng thu bằng ngoại tệ trong nước, quản lý chặt chẽ vay và trả nợ nước ngoài của cả Chính phủ và doanh nghiệp.

Ngoài ra, cũng cần tiếp tục nâng cao tính minh bạch, nhất quán trong các chính sách can thiệp của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ nhằm điều hành chính sách tiền tệ nói chung và chính sách tỷ giá nói riêng. Sự ổn định tỷ giá và bình ổn thị trường ngoại hối năm 2011 và năm 2012 đã minh chứng cho hiệu quả của một số biện pháp hành chính kết hợp trong công tác điều hành chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước cũng cần xây dựng quy chế thông tin, thống kê, hệ thống hoá kịp thời số liệu luồng ngoại tệ ra - vào trong nước, từ đó dự báo về quan hệ cung - cầu trên thị trường để làm căn cứ điều hành chính sách tỷ giá và quản lý ngoại hối. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm hạn chế tình trạng “đô la hóa”, “vàng hóa” nền kinh tế, xóa bỏ hoạt động của thị trường ngoại tệ tự do.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Thị Lương Bình (2013). Chính sách tỷ giá và những vấn đề đặt ra, Tạp chí Tài chính, số 2/2013

2. Hạ Thị Thiều Dao, Phạm Thị Tuyết Trinh (2012). Chênh lệch tỷ giá hối đoái thực đa phương và tỷ giá thực đa phương cân bằng của Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, số 17/2012

3. Tô Kim Ngọc, Lê Thị Tuấn Nghĩa (2012). Cơ chế tỷ giá và chính sách mục tiêu lạm phát, Tạp chí Ngân hàng, số 21/2012

4. Lê Đăng Doanh (2013). Tăng tỷ giá: Đừng quá lạc quan, Báo Người Lao động điện tử, truy cập từ http://nld.com.vn/2013070609225548p0c1014/tang-ti-gia-dung-qua-lac-quan.htm

ThS. Lê Văn Hải

Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 15/2013