Khi nông dân trả ruộng không còn là hiện tượng cá biệt

Việt Nam là nước nông nghiệp, với hơn 70% dân số là nông dân, nguồn thu nhập chính của đại đa số người dân Việt Nam là từ sản xuất nông - lâm nghiệp. Chính vì vậy, đất sản xuất nông nghiệp trở nên vô giá và trở thành vấn đề sống còn đối với người nông dân. Thế nhưng gần đây, việc nông dân bỏ ruộng, trả ruộng và ngày càng trở nên phổ biến. Ngày 14/8, Cổng thông tin Chính phủ đăng tin “Thanh Hóa: Hơn 1.000 hộ dân bỏ ruộng”. Cụ thể, theo thống kê mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, toàn Tỉnh có 1.037 hộ nông dân bỏ ruộng. Tình trạng nông dân bỏ ruộng diễn ra trên địa bàn 14 xã, chủ yếu trên địa bàn 3 huyện: Hậu Lộc, Tĩnh Gia, Quảng Xương với tổng diện tích bị bỏ hoang khoảng 67 ha. “Các con số trên cũng mới chỉ là thống kê sơ bộ ban đầu, thực tế có thể còn cao hơn”, bài báo viết.

Điều đáng nói, Thanh Hóa không phải là hiện tượng cá biệt. Theo ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2011, Cục này đã đi khảo sát, đánh giá sơ bộ về tình trạng nông dân bỏ ruộng. Số liệu ban đầu cho thấy đã có ít nhất 6 tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Hồng và miền Trung đã xuất hiện tình trạng nôn dân bỏ ruộng hoặc trả ruộng với diện tích 1.000 ha.

Nếu những năm 2011 trở về trước, việc bỏ hoang ruộng đất mới xảy ra ở một số tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh… chủ yếu trên diện tích xung quanh các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp, thì từ đó đến nay đã ngày càng có nhiều hộ nông dân bỏ ruộng và làm đơn trả ruộng. Số liệu điều tra sơ bộ của Cục cho thấy, ở các vựa lúa của miền Bắc như Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh cũng đã bắt đầu xuất hiện tình trạng nông dân bỏ ruộng. Ước tính, diện tích ruộng bị bỏ hoang của các tỉnh phổ biến 100 ha/tỉnh, cá biệt, như: ở Hải Dương, Hưng Yên số diện tích lên tới 200ha trở lên và xu hướng này còn đang tiếp tục tăng. Đáng chú ý là, nông dân không chỉ bỏ hoang đất xấu, mà chủ yếu là diện tích làm 2 lúa, hoặc làm 2 lúa 1 màu.

Cũng theo ước tính của ông Lộc, tối thiểu trong cả nước sẽ có 6.300 ha đất người dân không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp. Vì thế, đây là vấn đề “nóng” không kém gì việc suy thoái kinh tế dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động hay chuyện thị trường bất động sản "đóng băng"…

Nguyên nhân chính là do thu nhập thấp

Việc làm rõ nguyên nhân của hiện trạng dân bỏ ruộng không khó. Thu nhập thấp là nguyên nhân chính khiến cho nông dân từ bỏ mảnh ruộng đã gắn bó bao đời với họ. Theo tính toán của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn năm 2011, tại Đồng bằng sông Cửu Long nơi được coi là vựa lúa của cả nước, bình quân mỗi hộ dân là 4 nhân khẩu, trong đó có 2 lao động, được giao khoảng 5,5 sào ruộng, thì tổng thu nhập mỗi năm chỉ đạt khoảng 22 triệu đồng. Trong số đó, 48% là các khoản chi phí, như: công làm đất, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… thu nhập thực còn lại chỉ gần 13 triệu đồng/hộ/năm. Tính toán chi ly, tiền lãi mỗi ngày công của một lao động chỉ khoảng 45.000 đồng. Trong khi mức thu nhập trung bình theo đầu người ở nông thôn của Trung Quốc năm 2012 đạt 1.285 USD/năm. Như vậy, so với người nông dân Việt và người nông dân Trung Quốc họ có thu nhập cao hơn cả chục lần.

Một yếu tố khác khiến người nông dân muốn trả ruộng là do các khoản đóng góp ở nông thôn hiện nay vẫn cao. Cũng theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, tại Đồng bằng sông Hồng, có 26 khoản đóng góp, mức thu 350-500 nghìn đồng/hộ/năm; khu vực Trung du miền núi phía Bắc có 28 khoản đóng góp với mức 250-450 nghìn đồng/hộ/năm; khu vực Duyên hải Nam Trung bộ: 28 khoản và Đồng bằng sông Cửu Long 25 khoản, với 300-700 nghìn đồng/hộ/năm. Hai khoản nông dân phải đóng nặng nhất là xây dựng giao thông nông thôn và trường học, bình quân 672-872 nghìn đồng/hộ/năm. Thu nhập thấp trong khi lại phải đóng quá nhiều các phí kèm theo, nên những người nông dân càng nhiều ruộng, thì càng phải đóng góp nhiều. Đây chính là một trong những lực đẩy người nông dân rời xa đồng ruộng.

Ngoài ra, nông dân trả ruộng một phần cũng do phát triển đô thị. Sự hình thành của các khu công nghiệp hút hết lao động thanh niên đến làm việc, do thu nhập cao hơn làm ruộng. Vì thế, tại các thôn làng vắng bóng lao động chính, mà chủ yếu là ông già, bà già, phụ nữ, trẻ em. Theo Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2012 tại 12 tỉnh vừa được Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương công bố vào ngày 07/8/2013, hiện nay, thu nhập từ các hoạt động phi nông nghiệp và ngoài kinh doanh hộ gia đình đóng góp khoảng 30-40% trung bình thu nhập ròng tại hầu hết các tỉnh. Xu hướng tìm kiếm việc làm mới có lẽ cũng là nguyên nhân chính tạo nên làn sóng di cư ở các vùng nông thôn khi có tới 20% số hộ gia đình có ít nhất một người di cư đi tìm việc làm.

Tuy nhiên, điều tra cũng nhấn mạnh, tình trạng không có đất không nhất thiết là bằng chứng của nghèo đói, vì các hộ giàu hơn đang bán dần đất đai và chuyển sang khu vực kinh tế khác. Năm 2012, có tới 9,6% số hộ không hề có mảnh đất nông nghiệp nào và tỷ lệ này đã tăng lên đáng kể so với con số 8% của năm 2010.

Nông dân cần được hưởng những gì họ đáng được hưởng

Ngày 05/8/2008, Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được ban hành. Đến nay, quá trình thực hiện Nghị quyết này đã bước sang năm thứ 5, nhưng thực tế có thể thấy, việc triển khai thực hiện một số cơ chế chính sách đã ban hành chưa thực sự quyết liệt, còn lúng túng, thiếu đồng bộ, chậm ban hành văn bản hướng dẫn; Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tuy được tăng cao hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Chính vì thế, những chính sách đối với nông nghiệp và nông dân, nông thôn cần phải được khẩn trương xem xét, điều chỉnh.

Để khắc phục hiện tượng nông dân bỏ ruộng không phải đơn giản bằng việc đưa ra các gói hỗ trợ cho nông dân. Ngay cả việc Nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước và 100.000 đồng/ha/năm đối với đất lúa khác theo Nghị định 42/CP-NĐ, ngày 11/5/2012 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa cũng chỉ như “muối bỏ biển”. Còn chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo, chính sách vay vốn ưu đãi thực tế vẫn chưa đến được tận tay người nông dân, chưa thực sự đem lại lợi ích cho họ như mục tiêu đề ra. Vậy, phải làm thế nào?

Để trả lời câu hỏi này, người viết xin trích lời của TS. Đặng Kim Sơn trả lời trên báo Sài Gòn Tiếp thị “Nông dân hy sinh quá nhiều! Cái chúng ta lấy đi từ nông nghiệp, nông thôn quá lớn so với trả lại cho họ”. Điều này đồng nghĩa với việc, các giải pháp hỗ trợ nông dân phải tương xứng với những gì họ đáng được hưởng. Đây cũng cần được coi là một nguyên tắc “bất di, bất dịch” trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của nước ta hiện nay. Theo đó, cần:

- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng lấy người nông dân làm chủ thể, chứ không phải nền hành chính nhà nước, là trọng tâm. Cụ thể, Nhà nước cần giảm bớt sự can thiệp vào thị trường, và "bật đèn xanh" cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia hình thành hệ thống cung ứng nối tới tận người nông dân. Tức là đảm bảo làm sao nông sản đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, và phần lợi tức tăng thêm từ việc tăng chất lượng phải quay trở về túi người nông dân. Điều này đồng nghĩa với việc, người nông dân phải được hưởng tỷ lệ lớn hơn trong phần chi trả của người tiêu dùng. Nói một cách cụ thể, thu nhập của người nông dân phải tăng gấp đôi, mà không nhất thiết phải tăng năng suất nông nghiệp.

Lịch sử nông nghiệp thế giới đã chứng kiến nhiều ví dụ tốt về vai trò của các doanh nghiệp tư nhân trong tạo sự kết nối trực tiếp với nông dân để hiện đại hóa nông nghiệp và giảm chi phí trung gian. Bởi, họ biết người tiêu dùng cần gì, để hướng người nông dân đáp ứng điều đó và nhận phần chia xứng đáng.

Bên cạnh đó, Nhà nước phải tạo việc làm ở đô thị cho những nông dân hoặc nghèo, hoặc được chia quá ít đất canh tác. Đó là sự chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp. Vì thế, phần còn lại của nền kinh tế phải tham gia vào quá trình này, để trả lại món nợ mà họ đã "vay" của nông nghiệp trong hai thập kỷ qua.

- Thực hiện tốt việc phân chia lại ruộng đất, hình thành những cánh đồng mẫu lớn, thực hiện tốt “dồn điền, đổi thửa” để công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Gần 30 năm sau đổi mới, ruộng đất nhỏ lẻ được chia theo khoán hộ năm xưa đã góp phần làm đổi đời nông dân, nông nghiệp nước nhà, thì nay đã không còn phù hợp trong sự phát triển đi lên của nền sản xuất hàng hóa, cơ giới hóa. Do vậy, Nhà nước cần tuyên truyền rộng rãi cho người dân, đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi cho họ được chuyển nhượng ruộng đất với giá, mà họ thấy chấp nhận được. Điều này sẽ tạo điều kiện cho những người nông dân không muốn sản xuất, không có kinh nghiệm sản xuất có thể được bán ruộng giá cao cho những người có nhu cầu và có khả năng đầu tư thâm canh vào ruộng đất đem lại.

Đồng thời, các chính sách đất đai cũng cần được điều chỉnh, làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân. Thêm vào đó, là những chính sách điều hành nền kinh tế để ổn định chất lượng và giá cả vật tư đầu vào, thúc đẩy liên kết trong sản xuất nông nghiệp chặt chẽ hơn.

- Thực hiện nhiều “chính sách nông nghiệp vì nông dân”, giúp nông dân làm chủ nông thôn bằng cách nâng cao trí thức, kỹ năng ngành nghề và năng lực cạnh tranh quốc tế, để qua đấy nâng cao thu nhập, ổn định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, yêu làng để xây dựng nông thôn mới, tránh hiện tượng bỏ quê lên thành phố.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 899/QĐ-TTg “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Đây sẽ là bước đột phá trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng thu nhập cho người nông dân, giữ người dân ở lại với đất, không để “đất mồ côi”./.

Tài liệu tham khảo

1. Tăng Minh Lộc (2013). Vì sao nông dân bỏ ruộng?, VOV online, truy cập từ http://vov.vn/Kinh-te/Vi-sao-nong-dan-bo-ruong/274215.vov

2. Lê Đồng (2013). Thanh Hóa: Hơn 1.000 hộ dân bỏ ruộng, Báo điện tử Chính phủ, truy cập từ http://baodientu.chinhphu.vn/Hoat-dong-dia-phuong/Thanh-Hoa-Hon-1000-ho-nong-dan-bo-ruong/178804.vgp

3. Nguyễn Quốc Vọng (2013). Con đường bền vững nhất cho nông nghiệp, Báo điện tử Chính phủ, truy cập từ http://baodientu.chinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Con-duong-ben-vung-nhat-cho-nong-nghiep/172696.vgp

4. Đặng Kim Sơn (2013). Nông dân, nông thôn bị lấy đi quá lớn so với được trả lại, Sài Gòn Tiếp thị online, truy cập từ http://sgtt.vn/Goc-nhin/178927/Nong-dan-nong-thon-bi-lay-di-qua-lon-so-voi-duoc-tra-lai.html