Vì vậy, ngoài những giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp…, thì yêu cầu về việc nâng cao hơn nữa vai trò quản lý của Nhà nước ngày càng trở nên cấp thiết.

Vai trò quản lý của Nhà nước chưa hiệu quả

Năm 2012, trong bối cảnh suy giảm kinh tế trong nước và thế giới kéo dài, có thể khẳng định rằng, nông nghiệp lại một lần nữa trở thành cứu cánh đối với nền kinh tế nước ta. Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế chiếm khoảng 22% GDP, trong đó, sản lượng lúa đạt 43,7 triệu tấn (tăng 1,45 triệu tấn so với năm 2011). Nông nghiệp đã có những đóng góp quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực, tăng trưởng xuất khẩu. Trong số các ngành, chỉ có duy nhất ngành nông nghiệp có giá trị thặng dư thương mại lên tới trên 10 tỷ USD. Qua đó tạo nguồn ngoại tệ quan trọng cho nền kinh tế nước ta, đặc biệt giúp giảm nhập siêu, hay còn gọi là "cứu" cán cân thanh toán thương mại. Không chỉ giúp thu về nguồn ngoại tệ lớn từ xuất khẩu, trong năm 2012, nông nghiệp còn đóng góp quan trọng vào việc kiềm chế lạm phát, khi giá cả lương thực, thực phẩm trong năm không có nhiều biến động so với năm 2011 do lượng cung hàng hóa nông sản ổn định.

Tuy nhiên, bản thân trong nội bộ của ngành này cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế. Đặc biệt, vai trò quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp còn mờ nhạt, chưa thực sự hiệu quả, thể hiện qua những điểm sau:

Thứ nhất, chưa có sự thống nhất trong việc xác định vị trí, vai trò của ngành nông nghiệp trong tổng thể nền kinh tế, thể hiện qua sự đánh giá khác nhau về vai trò, vị trí của sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, dẫn đến nhiều bất cập trong hoạch định và thực thi các chính sách phát triển nông nghiệp thời gian qua, nhất là chính sách đầu tư.

Thứ hai, quy hoạch phân bổ tài nguyên (đất đai, nguồn nước…) phục vụ phát triển nông nghiệp chưa hợp lý, chưa hướng tới thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó:

(i) Các quy hoạch về đất, mặt nước cho sản xuất lúa gạo, cây công nghiệp ngắn ngày, cây dài ngày, chăn nuôi và thủy sản… chưa rõ ràng, chưa đủ cụ thể để quản lý chặt chẽ theo yêu cầu của sản xuất từng loại cây trồng, vật nuôi. Tình trạng quy hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản liên tục bị phá vỡ tạo ra tình trạng hỗn loạn trong sản xuất, hao phí vốn đầu tư của người nông dân, gây khó khăn cho đời sống của họ.

(ii) Quy hoạch đất để sản xuất nông, lâm, thủy sản lâu dài; đất chuyển sang làm kết cấu hạ tầng nông thôn và tạo mặt bằng để phát triển các hoạt động công nghiệp, dịch vụ, thương mại nông thôn vẫn chưa được xác định rõ ràng, minh bạch.

Thứ ba, mức đầu tư vào nông nghiệp thời gian qua không tương xứng với vai trò của nó đối với phát triển kinh tế, cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hiện đại. Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 13,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm 2000, giảm còn 7,5% vào năm 2005 và còn 6,45% vào năm 2008, 6,15% vào năm 2010 và chỉ ở mức 5,98% trong năm 2011 (Bảng 1). Trong năm 2011, tổng vốn đầu tư cho ngành nông nghiệp cũng chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu của toàn ngành và năm 2012, vốn đầu tư cho nông nghiệp có tăng, nhưng cũng chỉ đáp ứng 50-60% nhu cầu của khu vực nông nghiệp.

Trong khi đó, tình hình thu hút FDI vào khu vực nông nghiệp cũng không mấy thuận lợi. Trong giai đoạn 2000 - 2011, đầu tư FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 2,3% FDI cả nước. Đây là mức quá thấp so với một nền kinh tế có diện tích đất đai, mặt nước… và lực lượng lao động tập trung lớn. Bên cạnh đó, nếu tính đến hết năm 2011, thì trong toàn bộ khu vực nông nghiệp của Việt Nam còn 495 dự án được cấp giấy phép còn hiệu lực với vốn đăng ký đầu tư ở mức 3.264,5 triệu USD. Mức vốn này chỉ chiếm 1,64% tổng vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư phục vụ sản xuất hàng hóa. Đây chính là nguyên nhân cơ bản làm cho năng lực sản xuất nông nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Bảng: Đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp giai đoạn 2001 - 2011

Năm

2001

2002

2003

2004

2005

2006

2007

2008

2009

2010

2011

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội (tỷ đồng)

170.496

200.145

239.246

290.927

343.135

404.712

532.093

616.735

708.826

830.278

877.850

Tỷ trọng vốn đầu tư vào khu vực nông nghiệp (%). Trong đó:

9,47

8,76

8,45

7,89

7,50

7,43

6,38

6,45

6,26

6,15

5,98

-Nông nghiệp và lâm sản

7,99

7,30

7,14

6,23

5,85

5,52

4,77

4,85

4,73

3,67

3,58

-Thủy sản

1,48

1,46

1,31

1,66

1,65

1,91

1,61

1,60

1,53

2,48

2,40

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê

Thứ tư, chính sách của Nhà nước và địa phương trong nông nghiệp, nông thôn còn chưa hợp lý. Thời gian qua, Chính phủ đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhưng chưa đủ sâu, chưa đủ mạnh và có một số chính sách chưa phù hợp với thực tiễn. Nông nghiệp ở nước ta chưa hiệu quả do tư duy chậm đổi mới. Ở các nước phát triển, giai đoạn đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa lấy đi nhiều tài nguyên, hy sinh nông thôn để phát triển đô thị. Sau đó, họ lại lấy đô thị bù đắp cho nông thôn và trợ cấp trở lại cho nông nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã lâu nhưng chưa bù đắp lại được cho nông nghiệp. Ngoài ra, chính sách chưa “mở”, chưa tạo cơ hội thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nên nhiều nguồn lực trong sản xuất, phát triển kinh tế chưa được khai thác và huy động. Nếu đổi mới chính sách, đổi mới tổ chức, đầu tư công sẽ mở ra hướng phát triển mới cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Chính phủ vừa mới phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ sản xuất nông nghiệp đang phải điều chỉnh theo lộ trình cam kết giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế, làm tăng khó khăn cho nhiều ngành nông nghiệp và nông dân. Năng suất lao động thấp, chi phí sản xuất còn cao, sản phẩm làm ra khó cạnh tranh với hàng hóa nông sản của các nước có điều kiện sản xuất tốt hơn được nhập khẩu vào Việt Nam.

Thứ năm, tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản còn phân tán, thể hiện ở kết cấu hạ tầng tại các vùng sản xuất tập trung chưa phát triển; quy mô đất đai còn nhỏ bé; các hợp tác xã và tổ chức kinh tế hợp tác chưa phát triển được nhiều hoạt động dịch vụ; hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước ở lĩnh vực nông nghiệp còn yếu kém, trong khi các doanh nghiệp tư nhân lại chưa phát triển, tính liên kết trong sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế...

Một số giải pháp

Trong thời gian tới, nếu giải quyết cơ bản được những bất cập trên, sẽ góp phần nâng cao hơn nữa vị thế của ngành nông nghiệp trong phát triển kinh tế. Để làm được điều đó, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp cụ thể, như sau:

Một là, cần xác định rõ quy hoạch dài hạn về phát triển các ngành sản phẩm nông, lâm, thủy sản phù hợp với từng vùng, miền thích ứng với thị trường, tạo ra các vùng sản xuất ổn định; cần rà soát quy hoạch sử dụng đất để phát triển các loại cây trồng có giá trị cao theo tín hiệu thị trường trên mỗi vùng sinh thái, phù hợp với đặc tính thổ nhưỡng của đất canh tác.

Hai là, một số chính sách cần được được sớm hoàn thiện, đó là: các chính sách về quản lý đất đai, sử dụng đất; về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; khuyến khích mở mang, phát triển ngành nghề, làng nghề ở nông thôn; cơ chế khuyến khích sự liên kết “bốn nhà” có hiệu lực hơn nữa trong việc phát triển nông nghiệp và nông thôn; chính sách tín dụng; chính sách thị trường, hợp tác quốc tế; chính sách khuyến khích lập trang trại kinh doanh quy mô lớn; chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn...

Cùng với việc hoàn chỉnh hệ thống thể chế, chính sách, điều có ý nghĩa cấp bách là cải cách bộ máy hành chính và lành mạnh hóa đội ngũ công chức trong nông thôn. Bên cạnh đó, cần xúc tiến, nghiên cứu và xây dựng Luật Nông nghiệp phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới thay thế các pháp lệnh hiện hành về nông nghiệp, tạo cơ sở để quản lý và phát triển nông nghiệp thống nhất và đồng bộ.

Ba là, ứng dụng công nghệ canh tác mới và công nghệ sau thu hoạch phù hợp với nông dân, tận dụng các điều kiện tự nhiên thuận lợi đối với từng loại sản phẩm; tổ chức lại mạng lưới thu gom nông sản hàng hóa theo nguyên tắc liên kết (trong đó, chú trọng sự hợp tác của nông dân thành các tổ chức hợp tác tự nguyện), giúp nông dân xây dựng các thể chế gắn sản xuất của hộ nông dân với các cơ sở chế biến và doanh nghiệp thương mại với sự tham gia có trách nhiệm hơn của cơ quan quản lý nhà nước địa phương trên mỗi vùng sản xuất.

Bốn là, tập trung nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng nhằm phục vụ sản xuất hàng hóa, như: thủy lợi, điện, đường giao thông, mặt bằng phục vụ sản xuất, chế biến và thông tin…

Năm là, đẩy mạnh đầu tư vốn nhà nước vào nông nghiệp và thu hút tối đa vốn của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các trang trại cho phát triển kết cấu hạ tầng gắn với sản xuất, kinh doanh của họ. Tăng cường đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật sản xuất nông nghiệp bằng nguồn ngân sách và nguồn vốn ODA theo các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có sản lượng hàng hóa lớn và giá trị cao.

Sáu là, với các ngành chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ, từng địa phương cần áp dụng các biện pháp hành chính và kinh tế để điều chỉnh phương thức chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ lẻ, nuôi thả tự nhiên không kiểm soát được dịch bệnh sang phương thức chăn nuôi trang trại theo quy hoạch vùng và có sử dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cũng như xử lý chất thải đồng bộ. Phát triển sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi trong nước có chất lượng cao, giảm nhập khẩu thức ăn chăn nuôi; tuyên truyền rộng rãi đến người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm chăn nuôi thông qua giết, mổ công nghiệp để hạn chế dần phương thức giết, mổ tại chợ nông sản như hiện nay.

Bảy là, cần thúc đẩy sự phát triển ngành, nghề phi nông nghiệp tại nông thôn dưới hai hình thức cơ bản là: phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn nông thôn, phát triển các làng nghề truyền thống và làng nghề mới ở các xã nông thôn theo hướng “mỗi làng một nghề”. Trong đó, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phát triển các ngành, nghề phi nông nghiệp, đặc biệt là việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống. Đồng thời, cần áp dụng các giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề và nghề thủ công mỹ nghệ. Hướng các hoạt động khuyến công cho các cơ sở trong làng nghề, nhất là chương trình triển khai nhân cấy nghề mới cho nông thôn. Củng cố các làng nghề hiện có, tập trung đầu tư cho các làng nghề có điều kiện phát triển tốt, chú trọng việc phát triển các nghề mới gắn với việc xây dựng làng văn hóa - du lịch ở nông thôn./.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Kế Tuấn (2006). Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam - con đường và bước đi, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội

2. B. Long (2013). Để nông nghiệp, bệ đỡ của nền kinh tế, ngày càng vững chắc cần vai trò của Nhà nước, Báo điện tử Đại biểu Nhân dân, truy cập từ http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=285646

3. Nhóm phóng viên thời sự (2008). Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Cơ hội song hành cùng thách thức, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp điện tử, truy cập từ http://dddn.com.vn/20080818062411114cat122/dau-tu-vao-nong-nghiep-nong-thon-co-hoi-song-hanh-cung-thach-thuc.htm

ThS. Bùi Thanh Tuấn

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 16/2013