Theo các chuyên gia của HSBC, Việt Nam đã từng có lịch sử lạm phát cao ngất ngưỡng trong tháng 8: hai mức lạm phát đỉnh điểm trong thập niên qua đều xuất hiện trong tháng 8: 23,8% trong năm 2008 và 23% trong năm 2011. Vì vậy, khi giá cả leo thang từ mức 7,3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 7,5% trong tháng 8, những lo ngại về lạm phát tăng vọt lại xuất hiện.

Thực sự thì những mối lo ngại này là không phải không có căn cứ khi Chính phủ đang tăng các loại chi phí dịch vụ xã hội và năng lượng để giảm những thiếu hụt tài chính trong thời điểm hiện tại khi giá cả hàng hoá tăng nhanh do những căng thẳng tình hình chính trị các khu vực và triển vọng toàn cầu khôi phục mạnh mẽ hơn trong nửa sau năm 2013.

Mặc dù lạm phát tháng 8 là con số cao nhất kể từ tháng 5/2012, nhưng các chuyên gia của HSBC cũng nhìn nhận, môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã cải thiện kể từ năm 2011. Cán cân thương mại đều thặng dư trong năm 2012 và thâm hụt thương mại từ đầu năm đến nay đều nằm trong tầm quản lý được ở mức 577 triệu USD. Thâm hụt thương mại giảm là kết quả của việc đầu tư trực tiếp nước ngoài ngành điện tử và sản xuất tăng cao sẽ thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng nhập khẩu giảm do nhu cầu tiêu dùng thấp hơn.

Trong tháng 8, lạm phát toàn phần tăng từ mức 7,3% lên 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái do chi phí chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và vận chuyển tăng. Giá cả thực phẩm tăng nhẹ nhưng vẫn còn kiềm chế được nhờ vào nhu cầu thấp. Trong khi chúng ta vẫn cho rằng chi phí giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và vận chuyển tiếp tục tăng trong tháng 9, nhu cầu nội địa yếu sẽ tiếp tục giữ áp lực lạm phát ở mức 7-8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi chi phí dịch vụ tăng trong tháng 8 và sẽ còn tiếp tục tăng trong tháng 9, những tác động của việc tăng chi phí dịch vụ sẽ dần dần được kiềm hãm sau tháng 9.

Sau tháng 9, áp lực lạm phát sẽ xuất phát từ việc chi phí vận chuyển tăng cao hơn và có thể giá cả một số mặt hàng khác sẽ tăng kết quả từ việc tăng trưởng toàn cầu nhanh hơn và nguồn cung thiếu ổn định của dầu mỏ toàn cầu do căng thẳng chính trị khu vực vẫn còn đang kiềm nén. Giá dầu Brent trong vài tuần nữa sẽ tăng mạnh do nguồn cung dầu mỏ toàn cầu không ổn định.

Chỉ số PMI ngành sản xuất của HSBC trong tháng 8 đã cho thấy nền kinh tế vẫn còn yếu với chỉ số tăng từ 48,5 điểm lên 49,4 điểm, vẫn còn dưới mức không thay đổi 50 điểm. Sản lượng có thể tăng trong những tháng tới khi hàng tồn kho giảm và nhu cầu toàn cầu cũng đang trên đà phục hồi trong quý IV/2013. Nhưng nếu nợ xấu vẫn chưa được giải quyết, và nhu cầu tiêu thụ công và tư còn thấp thì tăng trưởng vẫn ở dưới mức khuynh hướng.

Việt Nam đang thực hiện một quá trình cải cách để chấn chỉnh hoạt động đầu tư quá đà trong quá khứ. Nền kinh tế đang mắc nợ dẫn tới việc nhu cầu tiêu dùng và đầu tư đều giảm. Về mặt tài chính, Chính phủ cũng đã cắt giảm bớt các hạng mục chi tiêu, đặc biệt là trong việc phát triển đầu tư. Trong nửa đầu năm 2013, chi tiêu Chính phủ từ đầu năm tới tháng 6 chỉ tăng 13,1% (so với mức 20,6% cùng kỳ năm 2012 và 33,1% trong năm 2011) và thu ngân sách quốc gia chỉ tăng có 1% (so với mức 10,4% trong năm 2012 và 36,4% trong năm 2011). Nhu cầu trong nước đã giảm trong năm 2011 và vì vậy cũng chỉ tăng dưới mức 5%. Tính từ đầu năm tới nay, tín dụng chỉ tăng 5,3%.

Kỳ vọng rằng, nền kinh tế sẽ tăng trưởng ở mức trung bình 5% trong hai năm tới, nhưng các chuyên gia của HSBC nhấn mạnh: “Cho dù có tăng trưởng nhưng kết quả vẫn còn phụ thuộc vào chất lượng cải tổ sẽ được thực hiện!”./.