Những chia sẻ đó được nêu tại buổi tọa đàm khoa học “Kinh tế Việt Nam 2016-2018 và dự báo tăng trưởng 2019-2020” do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (NCIF) tổ chức sáng 12/12.

TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia báo cáo tại Tọa đàm

Vẫn còn nhiều lo lắng trong tăng trưởng 2016-2018

Trong 3 năm 2016-2018, điểm tích cực là tín dụng thời gian qua tăng trưởng và ổn định vĩ mô; Mặt bằng lãi suất duy trì ổn định; Lạm phát và tỷ giá được kiểm soát là tiền đề cho ổn định vĩ mô và tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhận định, nhưng chất lượng tăng trưởng chưa đạt như mong muốn.

Nền kinh tế vẫn tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa vào vốn. Bên cạnh đó, năng suất lao động tuy được cải thiện xong vẫn ở mức thấp. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phụ thuộc vào khu vực FDI, hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị. Tác dụng của cải thiện môi trường kinh doanh chưa rõ nét.

Chúng ta đang có xu hướng giải công nghiệp quá sớm. Trong giai đoạn 2016-2018, hơi buồn là đóng góp của khu vực ngoài nhà nước giảm xuống, khu vực DNNN ổn định cho thấy sự lấn át của khu vực FDI”, ông Đức Anh nhận định.

TS. Đặng Đức Anh vẫn cảnh báo, dư địa cho chính sách tài khoá và tiền tệ đang dần hạn hẹp, do vậy sức ép đến ổn định kinh tế vĩ mô thời gian tới sẽ lớn hơn.

Mặc dù, những năm qua, tỷ trọng chi thường xuyên có giảm, nhưng do vay nợ quá nhiều trong giai đoạn trước, nên tỷ trọng trả nợ cao, chi đầu tư không cải thiện mà có xu thế giảm sút. Đặc biệt, cả 3 năm, 2016-2018, chưa có công trình quy mô lớn được khởi công.

2 kịch bản cho tăng trưởng giai đoạn 2019-2020

Tại tọa đàm, NCIF đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 đạt khoảng 7%.

Khác với mức dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ giảm dần trong các năm 2019-2020 về mức khoảng 6,5-6,6%, NCIF đưa ra mức dự báo tăng trưởng trong khoảng 6,9-7,1% trong giai đoạn tiếp theo.

"Mặc dù hiện nay các tổ chức quốc tế có dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2019-2020, trung bình 6,5-6,6%, nhưng nếu chúng ta tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế mà chúng ta đã thấy có những tín hiệu tích cực trong thời gian qua, đặc biệt là khu vực nông nghiệp và thực hiện các hiệp định thương mại, thì chúng ta cũng phải đạt được trung bình 6,9% và nếu chúng ta đẩy mạnh cải cách đặc biệt là khu vực nhà nước và đầu tư công thì có thể tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới", thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Đặng Đức Anh lý giải.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý, trong 2 năm, 2019 - 2020, Việt Nam đứng trước những rủi ro khi tăng trưởng kinh tế ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khu vực FDI.

Các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang tập trung vào một số mặt hàng chủ yếu, vì vậy, khi có các vụ kiện hoặc xung đột thương mại tăng trưởng kinh tế sẽ ảnh hưởng rất lớn.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng và cung tiền đang ở mức cao và kéo dài tiềm ẩn rủi ro về nợ quốc gia và mất ổn định kinh tế vĩ mô. Tỷ lệ nợ công cao và nghĩa vụ trả nợ lớn cũng ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô cũng như khả năng giảm mặt bằng lãi suất.

Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Mỹ tiếp tục tăng; dòng chảy FDI từ Trung Quốc không rõ ràng; các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương cũng sẽ tác động đến nên kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Cần có dự báo nếu có “biến” lớn xảy ra

TS. Trần Toàn Thắng (Trưởng ban Kinh tế thế giới) đánh giá, bối cảnh quốc tế đang có những diễn biến hết sức khó lường, do vậy để đưa ra những dự báo chính xác về tăng trưởng kinh tế thế giới, qua đó tác động đến kinh tế Việt Nam như nào là hết sức khó khăn.

Dù vậy, có một xu hướng chung là kinh tế thế giới và thương mại quốc tế được dự báo sẽ suy giảm trước những biến động của giá hàng hoá quốc tế và việc thắt chặt chính sách tiền tệ của một số nước lớn hay chính sách bảo hộ thương mại của các quốc gia.

Đồng tình với yếu tố kinh tế thế giới đang diễn biến khó lường, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý, việc Trung Quốc dính đòn thương mại cần được phân tích đánh giá kỹ càng hơn, vì tăng trưởng kinh tế Việt Nam chứa đựng nhiều bóng dáng của quốc gia này.

Do vậy, vị chuyên gia kinh tế này đề xuất, cần xây dựng thêm kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trước bối cảnh thế giới như vậy, cần có dự báo nếu có “biến” lớn xảy ra?

"Cần đưa ra kịch bản xấu nhất để tính trước đối sách", ông Lưu Bích Hồ đề xuất.

TS. Lưu Bích Hồ cũng bày tỏ lo lắng, khi tăng trưởng trong ngắn hạn có thể cho là tạm ổn, nhưng nền tảng tăng trưởng cho giai đoạn trung, dài hạn vẫn chưa được định hình. Động lực tăng trưởng chính là khu vực tư nhân vẫn bị kìm hãm, gặp nhiều khó khăn do cải cách bộ máy nhà nước diễn ra còn chậm, không đồng đều giữa các cấp.

“Vì vậy dù nhiều chính sách đã được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển khu vực này nhưng vẫn chưa đi được vào cuộc sống”, vị chuyên gia này lo lắng.

Đồng tình rằng, trụ cột lớn phát triển trong thời gian tới là kinh tế tư nhân, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao đng, song chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lưu ý, nếu không cải cách được triệt để bộ máy nhà nước, thì khó có thể phát triển kinh tế tư nhân.

"Điển hình là 5 năm kêu hoài về gỡ bỏ điều kiện kinh doanh, nhưng hiệu quả cũng chưa đáng kể, trong khi 5 năm là quãng thời gian không hề ngắn. Nhà nước cần phải đi tiên phong thì các khu vực còn lại mới có thể đi theo", bà Phạm Chi Lan phát biểu.

Bên cạnh đó, bà Phạm Chi Lan cũng nhấn mạnh, cần phải xác định hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển, thì đối tượng chính phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước và khối kinh tế hộ gia đình, phi chính thức “chứ không phải một số “đại gia” tận dụng được cơ hội chính sách mà phất lên”.

"Cần xác định rõ khu vực tư nhân của mình là ai, khái niệm hiện tại còn khá mập mờ. Khối FDI cũng là tư nhân, liệu họ có cần hỗ trợ? Tương tự vậy, những lợi ích hay câu chuyện bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước hiện chỉ thuộc về một số nhỏ các đại gia, phần đông doanh nghiệp còn lại đã được hỗ trợ gì", bà Phạm Chi Lan nêu vấn đề.

"Nghị quyết 19 mang tính kỹ thuật, sự vụ, sự việc khi tập trung cắt bỏ các giấy phép con, điều kiện kinh doanh. Còn Nghị quyết 35 của Chính phủ được xem là cốt lõi, bản lề của cải cách khi xác lập 10 nguyên tắc của kinh tế thị trường, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng ta phải tập trung thực hiện các nguyên tắc thị trường của Nghị quyết 35 thay vì bãi bỏ vài điều kiện đơn lẻ", chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh./.