Kinh tế - xã hội tháng 1 năm 2019 chuyển biến tích cực

Kinh tế tháng 1 năm 2019 tiếp tục ổn định

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, kinh tế-xã hội tháng 1 năm 2019 chuyển biến tích cực, là bước khởi đầu thuận lợi để nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 đã được đề ra.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2019 tăng 0,1% so với tháng 12/2018. Tỷ giá, lãi suất ổn định. Trong 1 tháng qua, NHNN đã mua thêm trên 4 tỷ USD dự trữ ngoại hối.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao ở mức 7,9% so với cùng kỳ năm 2018. Năm nay, Tết Nguyên đán vào đầu tháng 2, nên các doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết từ tháng 12/2018. Thế nên, trong tháng 1/2019, sản xuất công nghiệp khó có thể tăng tốc mạnh. 7,9% là mức tăng IIP khá cao, cho thấy sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt và đây chính là chỉ dấu cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2018 đang được tiếp tục trong năm 2019.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 9,4%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,4% (cùng kỳ năm trước tăng 7,7%).

Cả nước có trên 10.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 7% về số doanh nghiệp, nhưng tăng 53,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ, thể hiện quy mô doanh nghiệp ngày càng tăng; có trên 8.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 84,5% so với cùng kỳ.

Vốn FDI thực hiện tăng 9,2%, vốn FDI đăng ký tăng thêm tăng 27,3%; góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 114%.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong tháng 1 ước đạt 20 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước. Con số này đã thêm một lần nữa góp phần khẳng định rằng, kinh tế 2019 đang tiếp tục khởi sắc. Kim ngạch nhập khẩu cũng tăng nhẹ 1,7%.

Được biết, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo, kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 6,6% trong năm 2019 và 6,5% trong năm 2020, cao hơn bình quân khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á và ASEAN. Đặc biệt, vừa qua lần đầu tiên Việt Nam nằm trong danh sách 60 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới do hãng tin Bloomberg xếp hạng (45,92/100 điểm).

Quyết tâm hành động, nói đi đôi với làm

Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội cũng nổi lên một số vấn đề khó khăn, thách thức. Riêng trong tháng 1/2019 có rất nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, chúng ta đã có nhiều biện pháp triển khai kịp thời để khắc phục hậu quả, cũng như tiến hành tổng kiểm tra phương tiện, con người,... và đã phát hiện nhiều trường hợp sai phạm. Đây là một vấn nạn rất đau lòng, cần có biện pháp căn cơ để khắc phục, tạo chuyển biến thực sự trong thời gian tới. Phải lập lại thật nhanh chóng kỷ cương trong hoạt động giao thông, không để xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, thảm khốc như vừa qua; từng bước xây dựng văn hóa giao thông trong nhân dân.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng nhanh và bền vững. Trong bối cảnh cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt, phải chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, nghiên cứu, phân tích kỹ động thái của các nước lớn trên thế giới, tình hình trong khu vực và thương mại quốc tế, sự phát triển của khoa học công nghệ mới để chủ động xây dựng đối sách phù hợp không để bị động, bất ngờ. Tinh thần chung là phải quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, mạnh mẽ hơn, bứt phát hơn như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, để đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2018.

Trước đó, phát biểu kết luận phiên họp thường kỳ Chính phủ, sau khi phân tích bối cảnh, tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh với chủ đề của năm 2019 là: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong 2 Nghị quyết được Chính phủ ban hành ngay đầu năm và chương trình hành động của từng bộ, ngành, địa phương; tuyệt đối không được chủ quan trước những biến động của tình hình khu vực và quốc tế vì độ mở của nền kinh tế nước ta là rất lớn.

Đồng thời, bám sát mục tiêu tại các kịch bản tăng trưởng; quyết tâm hành động; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực; nỗ lực phấn đấu ngay từ đầu năm để thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019.

Tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu nhất của năm 2019. Từng đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành cần đặc biệt quan tâm, sâu sát chỉ đạo thực hiện từng chỉ tiêu đề ra đối với bộ ngành mình; thường xuyên giao ban, kiểm điểm hàng tháng về tình hình thực hiện các chỉ tiêu để có đối sách phù hợp, kịp thời trước những biến động trong nước và quốc tế./.