Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 78/189 quốc gia về chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi năm 2015, tụt 6 bậc so với thứ hạng 72/189 của năm 2014.

Theo báo cáo môi trường kinh doanh năm 2014 của WB công bố hồi tháng 10/2013, Việt Nam đứng thứ 99/189 quốc gia về chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, do World Bank áp dụng phương pháp mới, nên chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi năm 2014 của Việt Nam sẽ có thứ hạng 72, thay vì 99 như trước đó cơ quan này công bố.

Báo cáo này đánh giá, Việt Nam đã cải thiện hệ thống thông tin tín dụng quốc gia bằng cách thiết lập một cơ quan thông tin tín dụng mới. Đồng thời, Việt Nam đã giúp các công ty giảm bớt chi phí thuế bằng cách giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về xếp hạng các lĩnh vực cụ thể, có 5 lĩnh vực bị tụt hạng so với báo cáo năm ngoái. Cụ thể, chỉ số về khởi sự kinh doanh năm nay ở thứ hạng 125, giảm 5 bậc so với mức 120 của năm ngoái; chỉ số về tín dụng ở thứ hạng 36, giảm 6 bậc so với mức 30 của năm ngoái; chỉ số về nộp thuế ở thứ hạng 173, giảm 2 bậc so với mức 171 của năm ngoái; chỉ số về bảo vệ nhà đầu tư thiểu số ở thứ hạng 117, giảm 2 bậc so với mức 115 của năm ngoái; chỉ số về thương mại xuyên biên giới ở thứ hạng 75, giảm 1 bậc so với mức 74 của năm ngoái.

Đặc biệt, theo báo cáo này của World Bank, thời gian mà doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện thủ tục nộp thuế vẫn là 872 giờ/năm, không thay đổi so với những năm trước.

Mặc dù, trong thời gian qua, với nỗ lực của Chính phủ và Bộ Tài chính, thời gian nộp thuế của doanh nghiệp đã giảm đáng kể.

Cụ thể, từ ngày 1/9/2014, việc thực hiện Thông tư 119 của Bộ Tài chính đã giúp giảm 201,5 giờ nộp thuế và tiết kiệm khoảng 3.000 tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91 giảm số lần nộp thuế giá trị gia tăng từ 12 lần xuống còn 4 lần và số lần nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ 4 lần xuống còn 1 lần. Qua đó, tiếp tục giảm thời gian nộp thuế 88,36 giờ và tiết kiệm khoảng 1.400 tỷ đồng cho doanh nghiệp.

Như vậy, với việc chỉ ban hành 2 văn bản, Chính phủ đã giúp giảm tới gần 300 giờ nộp thuế và tiết kiệm 4.400 tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những thay đổi này vừa mới được tiến hành, trong khi dữ liệu được sử dụng trong tính toán cho đến 1/6/2014, nên chưa được ghi nhận vào báo cáo lần này.

So sánh các chỉ số thành phần của Việt Nam trong Báo cáo Môi trường kinh doanh 2015 (DB2015) và năm 2014

Chỉ số thành phần

DB 2015

DB 2014

Thay đổi

Khởi đầu kinh doanh

125

120

-5

Xin cấp phép xây dựng

22

23

1

Kết nối điện

135

135

Không thay đổi

Đăng ký tài sản

33

34

1

Vay vốn

36

30

-6

Bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số

117

115

-2

Nộp thuế

173

171

-2

Thương mại xuyên biên giới

75

74

-1

Thực hiện hợp đồng

47

47

Không thay đổi

Giải quyết tình trạng phá sản

104

104

Không thay đổi


Báo cáo cũng cho biết, Singapore vẫn sở hữu môi trường pháp lý cho kinh doanh thân thiện nhất trên thế giới. Nằm trong số 10 nền kinh tế thuận lợi nhất cho kinh doanh còn có NewZealand, Hồng Kông, Hàn Quốc và Australia.

Các dữ liệu cho thấy trong năm qua nhiều nền kinh tế trong khu vực đã tạo điều kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp nộp thuế. Việt Nam đã hạ thấp mức thuế thu nhập doanh nghiệp. Trung Quốc tăng cường hệ thống lưu trữ và thanh toán điện tử quốc gia, đồng thời giúp cho việc sát nhập doanh nghiệp bớt tốn kém. Mông Cổ đã áp dụng một hệ thống thanh toán điện tử mới. Những cải cách như vậy đã tiết kiệm được thời gian quý báu của các doanh nghiệp.Ví dụ như tại Mông Cổ, các doanh nghiệp địa phương nhận thấy thời gian nộp thuế đã giảm từ 192 giờ vào năm 2013 xuống còn 148 giờ trong năm 2014 – còn thấp hơn ở Úc.

Báo cáo năm nay cũng mở rộng dữ liệu thu thập cho 3 trong số 10 chủ đề được đề cập, và đang chuẩn bị thực hiện tương tự cho thêm 05 chủ điểm trong năm tới. Ngoài ra, xếp hạng mức độ thuận lợi trong kinh doanh hiện dựa trên khoảng cách tới điểm cao nhất. Cách đo lường này chỉ ra khoảng cách giữa mỗi nền kinh tế tới các thông lệ tốt nhất trên thế giới về các quy định kinh doanh là bao nhiêu. Điểm số cao cho thấy, một môi trường kinh doanh hiệu quả và những thể chế pháp lý mạnh mẽ hơn./.