Chính phủ lạc quan

Sáng nay, 29/10, Bộ trưởng Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Bộ trưởng Thăng tái khẳng định rằng, việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết, nhằm hình thành và phát triển một cảng quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực; đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất thiết kế và trở nên quá tải. Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để đạt công suất 40 - 50 triệu hành khách vào khoảng năm 2025 - 2030 là không khả thi.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng

Toàn bộ Dự án dự kiến chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, đầu tư nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, 2 đường cất hạ cánh song song có cấu hình đóng, nhằm chia sẻ sự quá tải cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (mở cửa vào năm 2023-2030).

Về tổng mức đầu tư và phương án huy động vốn, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án khoảng 7,837 tỷ USD (tương đương 164.589 tỷ đồng). Trong đó, phân kỳ giai đoạn 1a có tổng mức đầu tư khoảng 5,662 tỷ USD (tương đương 118.910 tỷ đồng). Vốn đầu tư cho dự án sẽ gắn với các dự án đầu tư các hạng mục cụ thể, theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn; khuyến khích đầu tư vào các hạng mục thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư.

Cơ cấu nguồn vốn dự kiến như sau: vốn nhà nước (vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA...) giai đoạn 1 là 84.624 tỷ đồng. Vốn huy động khu vực ngoài nhà nước (vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công tư (PPP) là 79.965 tỷ đồng. Các phương án huy động vốn gồm vốn ODA; vốn thông qua các dự án PPP, BOT...

“Hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và bày tỏ sẵn sàng hợp tác đầu tư vào các hạng mục của dự án dưới nhiều hình thức khác nhau như PPP, BOT… như tập đoàn ADPi của Pháp, các tập đoàn Samsung, Công ty cảng hàng không Incheon của Hàn Quốc, các tập đoàn của Nhật Bản…”, Bộ trưởng Thăng cho biết.

Cùng với đó là nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân thông qua việc tiến hành cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; nguồn vốn đầu tư từ các hãng hàng không và các nhà đầu tư tư nhân thông qua việc đầu tư vào các hạng mục có khả năng thu hồi vốn cao (nhà ga hàng hóa, trạm nhiên liệu, hệ thống cấp điện bên ngoài, hệ thống cấp nhiệt, viễn thông…).

“Như vậy, về cơ bản, việc xác định nguồn vốn và giải pháp huy động vốn đã đáp ứng yêu cầu ở giai đoạn lập Báo cáo đầu tư”, ông Thăng cho biết.

Về hiệu quả kinh tế xã hội, báo cáo cho rằng, kết quả phân tích cho tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) là 22,1%. Tỷ suất này được đánh giá là cao hơn tỷ suất chiết khấu xã hội tiêu chuẩn trung bình của các công trình công cộng tại Việt Nam (trong khoảng từ 10% đến 12%); do đó, việc thực hiện Dự án là khả thi. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng hứa, việc xem xét ảnh hưởng của đầu tư Dự án đến tình hình nợ công sẽ được phân tích, đánh giá cụ thể ở bước lập dự án đầu tư.

Trên cơ sở đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội kỳ họp thứ 8 thông qua chủ trương đầu tư Dự án sân bay Long Thành.

Nhưng, vẫn còn nhiều băn khoăn

Thẩm tra Báo cáo đầu tư dự án này, Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến cho rằng, trong lúc khó khăn về nguồn vốn đầu tư, nên cân nhắc lựa chọn việc đầu tư sân bay Long Thành hay lựa chọn đầu tư phát triển hệ thống đường sắt Bắc – Nam, hoặc phát triển hệ thống giao thông đường thủy trên cơ sở đánh giá toàn diện cả hiệu quả kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài.

Về sự cần thiết đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, hầu hết ý kiến tán thành chủ trương nước ta cần có một cảng hàng không quốc tế hiện đại đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, “có ý kiến đề nghị làm rõ tính cấp thiết hay là tính cần thiết của việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nếu chưa cấp thiết thì cân nhắc thời điểm đầu tư thích hợp”, báo cáo thẩm tra cho biết.

Về tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư, báo cáo đầu tư dự án sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 164.589 tỷ đồng (tương đương 7,8 tỷ USD), trong đó: Vốn nhà nước bao gồm ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, ODA là 84.624 tỷ đồng, vốn khác là 79.965 tỷ đồng.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây mới là vốn đầu tư của giai đoạn 1 của dự án, nếu tính cả 3 giai đoạn thì tổng mức đầu tư sẽ rất lớn (khoảng 18,7 tỷ USD). Mặt khác, dự toán mức đầu tư cho giai đoạn 1 là ước tính, mức độ chính xác chưa cao. Ngoài ra, các dự án thuộc hệ thống hạ tầng kết nối với sân bay Long Thành cần được tính toán, cân đối cùng với tổng vốn đầu tư Cảng hàng không này.

Về phương án huy động vốn, việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành sử dụng nguồn vốn nhà nước, vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách nhà nước khó khăn thì chưa bảo đảm tính khả thi. Mặt khác, nếu khả năng vay được từ nguồn của các tổ chức tài chính quốc tế thì cũng phải có sự bảo lãnh của Chính phủ. Có ý kiến cho rằng, Dự án với phân kỳ đầu tư 3 giai đoạn đến sau năm 2030 là quá dài, đề nghị rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

Về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, Chính phủ cho rằng, sân bay Long Thành khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước nói chung và khu vực phía Nam nói riêng. Lợi ích kinh tế của dự án được tính toán trên cơ sở lợi ích tăng thêm từ việc khai thác kinh doanh cảng hàng không, nguồn thu từ chi tiêu của du khách nước ngoài.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là dự báo lạc quan về lượng hành khách đạt được. Thực tế lợi ích kinh tế của dự án trong quá trình khai thác còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: vấn đề tiết giảm các chi phí khai thác, vận hành tại cảng hàng không, mức độ thu hút du lịch, hệ thống hạ tầng đồng bộ…

Về năng lực quản lý, vận hành, Ủy ban Kinh tế cho rằng, một cảng hàng không trung chuyển với quy mô lớn và hiện đại như Long Thành đòi hỏi năng lực quản lý, vận hành.

Thực tế thời gian qua cho thấy, các sân bay của nước ta với quy mô chưa đủ lớn nhưng trình độ quản lý, vận hành còn nhiều hạn chế, bất cập. Do đó, đề nghị trong báo cáo cần phân tích, đánh giá về năng lực quản lý vận hành, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng công nghệ hiện đại để đảm bảo năng lực quản lý, vận hành khi Long Thành đi vào hoạt động.

Vì thế, Ủy ban Kinh tế yêu cầu, trong bối cảnh quốc tế và khu vực cũng như tình hình kinh tế của đất nước, đề nghị làm rõ hơn nữa sự cần thiết, tính cấp thiết, xác định thời điểm phải xây dựng Cảng HKQT trung chuyển Long Thành; tính hợp lý, hiệu quả, khả thi về nguồn vốn đầu tư của toàn bộ dự án, phương thức huy động vốn và phân kỳ đầu tư.

Đồng thời, phải xác định rõ phần vốn đầu tư của Nhà nước trong dự án trên cơ sở cân đối tổng vốn đầu tư của Nhà nước cho đầu tư phát triển nói chung, cho ngành giao thông vận tải nói riêng; khả năng tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài.

“Cùng với đó, đánh giá toàn diện các mặt tác động của dự án đối với vấn đề nợ công; tác động của sân bay Long Thành đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển của ngành hàng không Việt Nam; đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trình Quốc hội xem xét, quyết định khi thông qua chủ trương đầu tư Dự án”, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh./.