Kết luận tại Phiên họp Chính phù tháng 10 (ngày 29/10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, nợ công của quốc gia (bao gồm nợ Chính phủ vay, nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương) hiện trong giới hạn cho phép theo quy định của Chiến lược nợ công quốc gia (không vượt quá 65% GDP). Theo đánh giá, đỉnh nợ công quốc gia sẽ đạt mức 64,9% vào năm 2016 và giảm dần, đến năm 2020 chỉ còn 60,2%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho hay, gần như toàn bộ nợ công là để dành cho đầu tư phát triển, hoàn toàn phù hợp với chủ trương, định hướng và cơ cấu trong Chiến lược nợ công. Theo đó, trên 98% dành cho các dự án đầu tư phát triển, 1,5% hòa vào ngân sách, nằm trong tổng thu ngân sách để bố trí chi cũng là chi cho phát triển, chỉ còn hơn 0,4% rơi vào các đơn vị sự nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh: “Cơ cấu sử dụng nợ công là phù hợp, là đúng hướng, chúng ta chủ trương vay là để đầu tư, chứ không có vay để ăn, để tiêu vào cái khác”,

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đảm bảo nguồn ngân sách để trả nợ mà theo quy định là không quá 25% tổng chi ngân sách và đến năm 2020 tỷ lệ huy động ngân sách để trả nợ là khoảng 19,5% tổng chi ngân sách.

Báo cáo trước đó của Bộ Tài chính trong phiên họp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, nợ công có xu hướng tăng là do gia tăng các khoản vay để đầu tư phát triển và chi trả nợ. Trong đó, nợ trong nước chiếm tỷ trọng lớn (51%) và có xu hướng tăng; nợ nước ngoài chiếm khoảng 49%, đa phần là vốn vay ODA. Nợ trong nước thường có thời hạn ngắn và lãi suất cao hơn nên gây ra áp lực đối với cơ cấu thu chi ngân sách. Bên cạnh đó, thời gian qua, bội chi tăng do huy động nguồn thu cho ngân sách giảm đi, có nguyên nhân do tăng trưởng chậm và giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp trong khi chi cho con người (như tiền lương, an sinh xã hội…) vẫn tăng.

Trong buổi họp báo Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh, đất nước chúng ta hiện nay đang đứng trước khó khăn, thử thách, nhưng chúng ta không có giảm bất cứ loại chi nào cho con người, an sinh xã hội và quốc phòng trong tình hình mới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận, nợ công của chúng ta đang tăng nhanh, áp lực trả nợ là lớn, từ đó đặt ra 3 mục tiêu: (1) Dứt khoát phải kiểm soát nợ công trong giới hạn được Quốc hội cho phép, Chiến lược nợ công quy định, không để vượt, tức tổng nợ công không quá 65% GDP; (2) Phải chi đầu tư có hiệu quả; (3) Phải bảo đảm tính toán, cân đối ngân sách trong trả nợ vay.

Cùng với đó là phải cơ cấu lại nợ theo hướng lành mạnh hơn, “lành mạnh ở đây là phải nằm trong giới hạn vay nợ cho phép, không được vượt, thời gian vay dài hơn, lãi suất thấp hơn”, Thủ tướng lưu ý. Bên cạnh đó, về nợ nước ngoài (bao gồm nợ của Chính phủ, nợ của Chính phủ bảo lãnh, nợ của doanh nghiệp và tổ chức khác được vay theo phương thức tự vay tự trả theo pháp luật của Việt Nam) phải kiểm soát tốt chỉ số về nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Thủ tướng cũng cho biết sẽ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát nợ công và nợ nước ngoài./.

Tại buổi Họp báo Chính phủ, trả lời câu hỏi về việc tình hình ngân sách hiện nay không được bền vững lắm, song liệu Chính phủ có tiếp tục phát hành trái phiếu trong thời gian tới không? Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, nếu cứ tính gói ghém những gì trước mắt để đảm bảo thu chi ổn định, thì khó có thể phát triển được. Một trong ba nhiệm vụ đột phá là đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó nặng nhất là đường giao thông, toàn những dự án lớn như Quốc lộ 1, Quốc lộ 4... Chính phủ có nghe sự băn khoăn, lo lắng của nhân dân và công luận về vấn đề nợ công, nhưng việc phát hành trái phiếu là cần thiết, phải chấp nhận để đầu tư trung và dài hạn cho những dự án lớn. Nhưng việc này phải nằm trong giới hạn cho phép và được Quốc hội thông qua.