GDP Việt Nam có thể tăng lên đến 62,1 tỷ USD

Sáng nay (1/3), Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Công ty NTT Data tổ chức hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức”.

Tại Hội thảo, ông Toshio Iwamoto, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Công ty NTT Data cho biết: “Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi cuộc sống lớn lao, những thay đổi đó không chỉ mang tính đơn thuần mà là vượt lên với tốc độ nhanh hơn hàng trăm lần, cùng lúc làm được việc hơn, nhanh hơn”.

Phân tích những cơ hội cho Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, báo cáo của CIEM chỉ ra, kịch bản phát triển kinh tế thực hiện Cách mạng Công nghiệp 4.0 (so với kịch bản chỉ có cải cách kinh tế, không thực hiện Cách mạng Công nghiệp 4.0) có thể thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm từ 28,5-62,1 tỷ USD, tương đương mức tăng 7-16% GDP năm 2030, tùy theo từng kịch bản cao, thấp, trung bình.

GDP bình quân đầu người sẽ tăng thêm từ 315-640 USD/người vào năm 2030 nhờ tăng năng suất và việc làm. Trong đó, tăng trưởng sản xuất nhờ Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo ra việc làm mới với mức tăng thuần ước tính từ 1,3-3,1 triệu việc làm, một số công việc sẽ giảm đi, trong khi đó nhiều công việc mới được tạo ra.

Toàn cảnh hội thảo

Báo cáo của CIEM cũng khẳng định, các ngành truyền thống của Việt Nam dự báo sẽ tăng thêm giá trị gia tăng nếu thực hiện Cách mạng Công nghiệp 4.0, đơn cử ngành chế tạo sẽ tăng thêm 7-14 tỷ USD tùy mức độ ứng dụng. Ngành nông nghiệp truyền thống tăng thêm 4,9 tỷ USD nhờ tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất. Ngành tài chính sẽ tăng thêm 3,5 tỷ USD nhờ có thêm sản phẩm, dịch vụ và tiết kiệm chi phí. Ngành thông tin và truyền thông sẽ tăng thêm 2,5 tỷ USD, tăng 77% so với trường hợp không thực hiện Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Ngoài các ngành, lĩnh vực truyền thống, Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ phát triển những ngành, lĩnh vực mới là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam như IoT, media, kinh tế số… Dự báo năm 2030, các ngành này sẽ có doanh thu rất cao như thương mại điện tử đạt 40 tỷ USD, sản xuất thiết bị robot - trí tuệ nhân tạo (AI) hơn 420 triệu USD; phân tích dữ liệu 730 triệu USD; điện toán đám mây 2,2 tỷ USD; gọi xe công nghệ 2,2 tỷ USD, Fintech 1,5 tỷ USD và nông nghiệp thông minh 1,7 tỷ USD.

“Các ngành công nghiệp mới của Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam, đồng thời, hỗ trợ các ngành khác tăng doanh thu và phát triển dịch vụ mới”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM khẳng định.

CIEM cũng chỉ ra lợi thế của Việt Nam với số dân hiện nay đạt 96 triệu người, trong đó 67% dân số sử dụng internet, 57% dân số tích cực sử dụng mạng xã hội và 73% dân số có điện thoại di động cá nhân. Đây là điều kiện cần và đủ để các ứng dụng số cho các ngành viễn thông, hạ tầng dịch vụ tài chính, thanh toán..

Hơn nữa, thái độ của người Việt Nam đối với công nghệ rất tích cực và có tiềm năng lớn, 61% người Việt tin rằng các công nghệ mới mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro.

Năng lực khoa học, công nghệ vẫn khiêm tốn

Mặc dù vậy, trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, khó khăn lớn nhất của Việt Nam là năng lực làm khoa học và công nghệ còn rất khiêm tốn so với các nước trên thế giới. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 84/100 nước xét về đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) dựa vào tỷ lệ % GDP và xếp thứ 74/100 xét về số lượng công bố khoa học chia cho GDP (PPP/USD).

Mặt khác, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu: nhỏ lẻ, phân tán; thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết cho các công ty khởi nghiệp như kết nối internet, phòng thí nghiệm R&D, trung tâm dữ liệu để truy cập thông tin ở Việt Nam và trên toàn cầu; chưa có một hệ thống hỗ trợ kinh doanh tích hợp đầy đủ để hỗ trợ hậu cần, cuộc sống người lao động và dịch vụ công một cửa cung cấp dịch vụ công nhanh hơn và đơn giản hơn.

Về hạ tầng kỹ thuật số, Việt Nam mới chỉ có 9 trung tâm dữ liệu chuyên dụng cho các doanh nghiệp, ít hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore hay Indonesia. Đó là chưa kể, các trung tâm này phải đối mặt với rủi ro mất điện.

Đối với vấn đề nhân lực, chúng ta cũng đang thiếu kỹ sư, nhất là người có khả năng quản lý dự án. Chất lượng đào tạo và thu hút nhân tài cũng bị đánh giá là chưa tốt.

Kỳ vọng từ Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia

Theo ông Toshio Iwamoto, Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn để phát triển kinh tế của Việt Nam. Do đó, việc tranh thủ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất để Việt Nam đưa đất nước phát triển, vươn lên trở thành nước công nghiệp hiện đại.

Để làm được điều này, ông Toshio gợi ý, Việt Nam cần tạo điều kiện tốt nhất để khuyến khích công nghệ sáng tạo. Trong đó, việc thực hiện chiến lược quốc gia về Cách mạng Công nghiệp 4.0 là giải pháp chủ đạo cho việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng và chiến lược phát triển kinh tế.

Đồng tình và bổ sung thêm, theo ông Nguyễn Đình Cung, cải cách thể chế, chuyển đổi bộ máy nhà nước sang kinh tế số cả về tư duy và công cụ quản lý là điều kiện tiên quyết cho thực hiện Cách mạng Công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Trong đó, hợp tác quốc tế với các quốc gia, các trung tâm công nghệ, doanh nghiệp công nghệ tiên tiến, các nhà khoa học hàng đầu và tri thức Việt kiều là yếu tố xuyên suốt trong để giúp Việt Nam tiến nhanh hơn.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Cách mạng Công nghiệp 4.0, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ; thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp 4.0; tập trung đầu tư, phát triển một số công nghệ mới ứng dụng đa ngành, có lợi thế và tiềm năng phát triển.

Theo ông Cung, các ngành công nghiệp mới của Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam

Ông Cung cũng nhấn mạnh, Cách mạng Công nghiệp 4.0 làm thay đổi nhiều thứ, trong đó có thay đổi liên quan đến con người, nguồn nhân lực. Nhiều công việc sẽ mất đi, bị thay thế bằng những công việc khác. Những công việc mới lại cần những con người mới, nguồn nhân lực được đào tạo theo cách mới để làm việc.

Để đáp ứng nhu cầu đó, Viện trưởng CIEM cho biết, Việt Nam đang từng bước thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực. Theo đó, các chương trình đào tạo sẽ tập trung nhiều hơn vào việc đào tạo kỹ thuật, kỹ năng cho người lao động, thay vì chỉ đào đạo trên lý thuyết, sách vở. Hệ thống chương trình đào tạo của các trường đại học cũng sẽ được thay đổi theo hướng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp nhiều hơn.

Đặc biệt, sắp tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Trung tâm sẽ gắn kết với các cơ sở khoa học, thực nghiệm và triển khai ý tưởng vào thực tế.

Trung tâm đổi mới sáng tạo có vai trò đưa các công nghệ mới đến gần hơn với doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, tạo ra các công nghệ bản địa tiên tiến cho các nước trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 và các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đầy đủ, hiện đại để các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp có thể triển khai các ý tưởng kinh doanh dựa trên công nghệ của mình.

Ông Cung kỳ vọng, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ có thể tạo ra những tác động tích cực cho kinh tế Việt Nam, thúc đẩy việc phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian tới./.