Ngày 2/4, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 6 động lực cho phát triển kinh tế trong thời gian tới

Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I/2019; tình hình thực hiện các Nghị quyết số 01, 02 năm 2019, Nghị quyết 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và một số báo cáo khác liên quan đến cải cách hành chính quý I/2019; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh quý I/2019, tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả kiểm tra Tổ công tác của Thủ tướng tháng 3/2019 cùng một số vấn đề khác…

Tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực

Tại phiên họp, Chính phủ thống nhất nhận định, trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đều được dự báo tăng chậm lại, cùng với trong nước những rủi ro về dịch tả lợn Châu Phi, biến đổi khí hậu… diễn biến phức tạp, nhưng nhờ sự quyết tâm của cả nước, của cả hệ thống chính trị, từ trung ương tới các địa phương, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều các lĩnh vực.

Nổi bật là tăng trưởng GDP quý I/2019 ở mức cao, tăng 6,79% (tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018 tăng 7,45% nhưng cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2017, năm 2017 tăng 5,15%). Đây là mức tăng khá, thể hiện kinh tế trong nước đang tiếp tục ổn định hơn, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng rõ nét, môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện.

Chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần giúp kiểm soát lạm phát. Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 giảm 0,21%% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 8,7%). CPI bình quân quý I năm 2019 tăng 2,63% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, tổng thu tăng gần 29% so với cùng kỳ. Bảo đảm các cân đối lớn và ổn định vĩ mô trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động, lãi suất, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng mạnh thêm trên 6 tỷ USD, chỉ số VN-Index tăng gần 10%, 4 ngân hàng thương mại nhà nước giảm lãi suất thêm 0,25%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018, nhưng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng 11,1%. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là ngành thủy sản tăng trưởng 5,1% so với cùng kỳ (cao nhất trong 9 năm trở lại đây).

Tổng cầu tiếp tục tăng mạnh và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12%. Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đạt trên 4,5 triệu lượt, tăng 7%.

Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, tháng 3/3019 ước đạt 22,40 tỷ USD, tăng 61,1%, đặc biệt khu vực kinh tế trong nước đạt 17,05 tỷ USD, tăng 9,7%; 3 tháng đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7%. Xuất siêu 1,56 tỷ USD.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,8%. Thu hút FDI là điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý I với nhiều dự án lớn, chất lượng tốt. Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt trên 5,1 tỷ USD tăng 30,9% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,12 tỷ USD tăng 6,2%. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt trên 43,5 nghìn doanh nghiệp (trong đó số doanh nghiệp thành lập mới đạt 28.451 doanh nghiệp, tăng 6,2%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt trên 15.000 doanh nghiệp).

Đời sống dân cư nhìn chung ổn định, thiếu đói trong dân giảm đáng kể (Quý I/2019 cả nước có 28,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 38,3% so với cùng kỳ năm 2018). Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp 2,17%.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội cũng nổi lên một số vấn đề đáng lưu ý. Vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước giải ngân đạt thấp, vốn từ ngân sách Nhà nước tăng 3,2% so với quý I/2018. Vốn trung ương quản lý giảm 30,5% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực nông nghiệp gặp khó khăn với dịch tả lợn châu Phi, tình hình hạn hán ở ĐBSCL, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, giá cả nhiều loại nông sản bấp bênh, có xu hướng giảm, đặc biệt lúa, cá tra, tiêu, điều, cà phê…

Lạm phát chịu áp lực khá lớn từ diễn biến giá dầu thế giới, dịch tả lợn... Khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng chậm lại (công nghiệp và xây dựng tăng 8,63% - cùng kỳ năm 2018 tăng 9,70%; dịch vụ tăng 6,5% - cùng kỳ năm 2018 tăng 6,70%). Tín dụng tăng trưởng thấp, hết quý I mới tăng 2,38%.

Song, vẫn còn nhiều vấn đề

Vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước giải ngân đạt thấp, vốn từ ngân sách Nhà nước tăng 3,2% so với quý I/2018. Vốn trung ương quản lý giảm 30,5% so với cùng kỳ năm trước (đặc biệt là dự án lớn của các bộ: Bộ Giao thông vận tải giảm 58,5%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm 55,8%; Bộ Tài nguyên và Môi trường giảm 22,6%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giảm 11,8%...). Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết không chấp nhận thực tế này, các bộ phải giải trình và có giải pháp mạnh để khắc phục.

- Khu vực nông nghiệp gặp khó khăn, cùng với dịch tả lợn châu Phi là tình hình hạn hán ở ĐBSCL, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ trong khi giá cả nhiều loại nông sản bấp bênh, có xu hướng giảm giá.

- Khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng chậm lại (công nghiệp và xây dựng tăng 8,63% - cùng kỳ năm 2018 tăng 9,70%; dịch vụ tăng 6,5% - cùng kỳ năm 2018 tăng 6,70%).

- Tín dụng tăng trưởng thấp, hết quý I mới tăng 2,38%, trong khi mục tiêu cả năm là 14% tức là bình quân mỗi quý phải tăng 3,5%.

- Việc thực thi Luật Quy hoạch tác động đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhiều quy hoạch hết hiệu lực, quy hoạch tích hợp mới chưa ban hành và dự đoán còn mất nhiều thời gian để hoàn thiện, ban hành các quy hoạch tích hợp này.

- Nhiều vấn đề xã hội nổi cộm như trên đã báo cáo, nhất là về môi trường, rác thải nhất là rác thải nhựa là vấn đề lớn cần giải quyết.

Việc thực thi Luật Quy hoạch tác động đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhiều quy hoạch hết hiệu lực, quy hoạch tích hợp mới chưa ban hành và dự báo còn mất nhiều thời gian để hoàn thiện, ban hành các quy hoạch tích hợp này. Môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản, tình trạng biến tướng điều kiện kinh doanh cần được theo dõi kịp thời, một số văn bản chưa sát thực tế, khó thực hiện, tình trạng nợ đọng văn bản vẫn còn. Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa được công bố cho thấy bên cạnh những điểm tiến bộ về môi trường kinh doanh thì còn nhiều vấn đề như chi phí không chính thức, chậm trễ, trì trệ còn xuất hiện ở nhiều cấp, nhiều ngành. Chất lượng nguồn nhân lực còn chưa cao...

Việc triển khai Nghị quyết 01, 02 tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, nhiều nơi chưa triển khai giải pháp cụ thể. Việc triển khai các giải pháp thúc đẩy các lĩnh vực mới của nền kinh tế như kinh tế số, kinh tế chia sẻ còn chậm. Một số chủ trương mới liên quan tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như phát triển thanh toán điện tử, thúc đẩy khởi nghiệp còn nhiều vấn đề đặt ra.

Về tình hình thời gian tới, các ý kiến nhận định kinh tế thế giới dự báo gặp nhiều khó khăn, hầu hết các tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu. Tính bất trắc khó lường của tình hình thế giới tăng lên với các diễn biến mới trong quan hệ quốc tế. Trung Quốc vừa thông qua luật đầu tư nước ngoài cởi mở hơn, thông thoáng hơn, do đó sức ép cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài có thể sẽ tăng lên.

Cần nghiêm túc triển khai giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, cơ quan địa phương nghiêm túc triển khai Chỉ thị 09/CT-TTg về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019 vừa được ban hành. Tinh thần là kiên định thực hiện nhiệm vụ đã đề ra, hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, trong đó tăng trưởng GDP đạt 6,8%, lạm phát dưới 4%.

Thủ tướng nhấn mạnh 6 động lực cho phát triển kinh tế trong thời gian tới: Một là, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản; Hai là, tăng cường tận dụng cơ hội từ CPTPP và đa dạng hóa các thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập siêu; Ba là, thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo, theo dõi, bám sát hoạt động của các doanh nghiệp, các dự án lớn để tháo gỡ vướng mắc kịp thời hơn; Bốn là, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, nhất là lĩnh vực logistics, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, ngành du lịch phấn đấu đạt chỉ tiêu lượng khách quốc tế đã đề ra; Năm là, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, bảo đảm đủ vốn sản xuất kinh doanh, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, nghiên cứu tiếp tục giảm lãi suất; Sáu là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, đây là giải pháp quan trọng nhất.

Công tác điều hành ổn định kinh tế vĩ mô cần được chú trọng hơn bao giờ hết, nhất là với các ngành, các địa phương trọng điểm.

Cần đặc biệt lưu ý việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, nhất là các Bộ có số vốn rất lớn như Bộ Giao thông vận tải. Tinh thần là phải giải ngân mọi nguồn lực đúng quy định, nếu giải ngân đúng thì tăng trưởng sẽ rất lớn.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, sử dụng công nghệ trong quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng chính quyền điện tử. Đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu; tái cơ cấu ngân sách nhà nước... Tổ công tác của Thủ tướng tăng cường giám sát, đôn đốc các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao các Bộ, cơ quan, địa phương.

Thủ tướng cũng yêu cầu quan tâm hơn tới lĩnh vực đạo đức, văn hóa ứng xử, các bộ, cơ quan cần chấm dứt bệnh thành tích, không thực chất. Cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp trong các cơ sở công lập, nhất là trong trường học.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Hưng Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghệ An Sóc Trăng kiểm tra các trường hợp cụ thể vừa qua, xử lý nghiêm khắc để làm gương, giữ kỷ cương phép nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, đôn đốc, kiểm tra để giải quyết tình trạng bạo lực học đường và một số vi phạm khác mà báo chí đã nêu.

Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ gương mẫu triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 vừa được phê duyệt, để báo chí tạo niềm tin cho xã hội và khát vọng trong nhân dân về phát triển và xây dựng đất nước.

Các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin chính xác, kịp thời về tình hình đất nước; nêu đúng, nêu đủ về về các vấn đề xã hội đang đặt ra, không làm phức tạp tình hình; đưa nhiều hơn nữa, cổ vũ các tấm gương người tốt, việc tốt, củng cố niềm tin xã hội vì sự phát triển của đất nước.

“Báo chí cần là một kênh quan trọng phản bác lại những thông tin sai trái, tin giả, các luận điệu bôi xấu và chống chế độ, làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”, Thủ tướng nhấn mạnh./.