Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, ngày 26/03/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 708/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cải thiện Chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong xếp hạng LPI do Ngân hàng Thế giới công bố từ nay đến năm 2025 lên 5-10 bậc (năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39 trên thế giới về xếp hạng LPI), đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ logistics của Việt Nam, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo..., góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39 trên thế giới về xếp hạng LPI

Kế hoạch đề ra nhiệm vụ cụ thể gắn với vai trò của các bộ, ngành, địa phương và được chia thành các nhóm nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với các chỉ số thành phần trong LPI, bao gồm:

Nhóm nhiệm vụ về nâng cấp hạ tầng: đẩy mạnh hợp tác công – tư (PPP) đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng logistics, tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, các đối tác có công nghệ tiên tiến trong phát triển hạ tầng logistics; thu hút đầu tư xâu dựng các trung tâm logistics hàng không quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại; triển khai dự án nâng cấp, hiện đại hóa đường sắt Bắc – Nam; cải tạo, nâng cấp đồng bộ các tuyến đường sắt; thu hút nguồn lực đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối và nâng cấp tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải…

Nhóm nhiệm vụ về cải thiện khả năng giao hàng: rà soát, hoàn thiện chính sách và quy định về quá cảnh, trung chuyển hàng hóa nước ngoài qua Việt Nam theo hướng thông thoáng, thuận tiện và phù hợp với các cam kết quốc tế; hỗ trợ, tăng cường phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính về logistics, thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ trong bưu chính; nghiên cứu, phát triển các mô hình e-logistics…

Nhóm nhiệm vụ về nâng cao năng lực và chất lượng cung cấp dịch vụ logistics: đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho dịch vụ logistics, tăng cường hợp tác quốc tế về logistics để phát triển dịch vụ logistics xuyên biên giới; đăng cai tổ chức các sự kiện, triển lãm về logistics tại Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp mở văn phòng đại diện, đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ logistics…

Nhóm nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ, tối ưu khả năng truy xuất: cập nhật, theo dõi các chỉ số liên quan tới công nghệ, sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics; hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong hoạt động logistics để đón đầu xu thế mới; xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của các sàn giao dịch vận tải và các hình thức ứng dụng công nghệ trong hoạt động logistics; xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc; thúc đẩy ứng dụng công nghệ nhằm đảm bảo khả năng truy xuất và giám sát hàng hóa trong toàn bộ quá trình cung ứng.

Nhóm nhiệm vụ về rút ngắn thời gian và giảm chi phí: rà soát, đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh bất hợp lý; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; cắt giảm các khoản phí, lệ phí về sử dụng hạ tầng làm ảnh hưởng đến lưu chuyển hàng hóa trong nước, xuất – nhập khẩu…

Nhóm nhiệm vụ về nâng cao hiệu quả thông quan: đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một của ASEAN; cải cách kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất – nhập khẩu theo hướng bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết; triển khai tự động hóa thủ tục giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất – nhập khẩu…

Nhóm nhiệm vụ bổ trợ: phối hợp với Ngân hàng Thế giới cung cấp, cập nhật thông tin, số liệu đầy đủ, kịp thời nhằm đánh giá, xếp hạng LPI của Việt Nam một cách khách quan, chính xác; thúc đẩy đào tạo liên thông, công nhận tín chỉ, đào tạo cấp văn bằng quốc tế về logistics…

Theo Quyết định số 708/QĐ-BCT , Cục Xuất nhập khẩu là cơ quan đầu mối của Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch này./.