Kết thúc quý I, mức dự báo tăng trưởng cao nhất cho kinh tế Việt Nam mà một tổ chức quốc tế đưa ra là 6,8%

Nhiều tổ chức quốc tế dự báo, GDP năm 2019 của Việt Nam sẽ chững lại

Báo cáo “Vượt qua trở ngại” cập nhật tình hình kinh tế tại các quốc gia khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vừa Ngân hàng Thế giới (WB) mới công bố, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam chững lại, còn 6,6% năm 2019. Hai năm trước đó, số liệu được ghi nhận lần lượt là 6,8% và 7,1%.

Kết thúc quý I, mức dự báo tăng trưởng cao nhất cho kinh tế Việt Nam mà một tổ chức quốc tế đưa ra là 6,8% (dự báo của ADB, đưa ra ngày 3/4) và thấp nhất là 6,5% (dự báo của IMF đưa ra ngày 9/4).

Những dự báo trên là có lý, bởi những yếu tố bất định hơn của môi trường hiện nay. Trong nước, các số liệu kinh tế quý I cho thấy các động lực cho tăng trưởng có dấu hiệu suy yếu dần, trải đều từ tăng trưởng của khu vực khu vực công nghiệp và xây dựng, tới dịch vụ và nông nghiệp.

Trong khi đó, dù lạm phát quý I ở mức tương đối thấp, nhưng ngay từ nửa cuối tháng 3 đến nay đã xuất hiện nhiều diễn biến mới, không thuận và có thể tạo áp lực lớn cho lạm phát, tăng trưởng trong quý II và những quý tiếp theo. Nổi lên trong số đó là việc tăng giá điện 8,36% ngày 20/3 và 2 lần tăng giá xăng, dầu mạnh (các ngày 2 và 17/4). Tác động của tăng giá điện, xăng dầu vừa qua sẽ bắt đầu thấy rõ trong chỉ số CPI tháng 4 và có thể tiếp tục kéo dài trong 2 - 6 tháng tới.

Nhiều vấn đề trong nội tại nền kinh tế

Theo WB, triển vọng kinh tế năm nay còn đặc biệt chịu ảnh hưởng từ sự bất định của kinh tế và thương mại toàn cầu (với hầu hết các dự báo cho rằng tăng trưởng sẽ suy giảm ở nhiều nền kinh tế phát triển lớn, trong đó có những đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ).

Đã vậy, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nội tại kinh tế trong nước thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Cụ thể là:

(i) Tâm lý “thích” tăng trưởng cao còn hiện hữu, trong khi đó, các nhóm chính sách để thúc đẩy tăng trưởng thực chất không có nhiều điểm mới so với các nhóm chính sách đã và đang được thực hiện;

(ii) Giữ lạm phát thấp là một yêu cầu quan trọng, song cách làm và cả thông điệp vẫn thể hiện đậm chất “hành chính”, do đó khó bền vững;

(iii) Việc điều chỉnh các luật trong nước để thực hiện các FTA mới (trong đó có CPTPP) thiếu kịp thời, thiếu toàn diện, đôi khi còn thể hiện sự thụ động;

(iv) Các hoạt động xúc tiến đầu tư ở các địa phương diễn ra với tần suất khá dày, song chưa có đánh giá về thực hiện cam kết đầu tư của doanh nghiệp;

(v) Nội dung và cách thức phối hợp giữa Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với các bộ, ngành chưa được cụ thể hóa.

CIEM đánh giá, đà phục hồi tăng trưởng trong những năm qua có một phần quan trọng từ những cải cách thể chế kinh tế nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng. Cơ cấu GDP theo sử dụng cuối cùng có sự thay đổi nhẹ; tốc độ tăng tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng đều tăng chậm hơn so với cùng kỳ 2018, tương ứng ở mức 7,1% và 6,2%.

Tăng trưởng trong những năm qua có một phần quan trọng từ những cải cách thể chế kinh tế nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng. Cơ cấu GDP theo sử dụng cuối cùng có sự thay đổi nhẹ; tốc độ tăng tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng đều tăng chậm hơn so với cùng kỳ 2018, tương ứng ở mức 7,1% và 6,2%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng trưởng khá (2,68%); tuy vẫn bị hạn chế, bởi: (i) dịch tả lợn châu Phi có những diễn biến phức tạp; (ii) xuất khẩu thủy sản đối mặt với cạnh tranh lớn hơn từ các quốc gia khác.

Khu vực công nghiệp - xây dựng đạt tăng trưởng giá trị gia tăng ở mức 8,63%. Phân ngành công nghiệp chế biến chế tạo dù vẫn tăng trưởng mạnh và đóng góp lớn (tăng 12,35%, đóng góp 2,72 điểm %) song mức tăng trưởng giảm so với cùng kỳ 2018.

Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) toàn ngành tăng 9,2%, thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất tăng trưởng có xu hướng chậm lại. Khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,5%. Cơ cấu các ngành kinh tế không có nhiều biến động

Khu vực doanh nghiệp tiếp tục có sự điều chỉnh mạnh về cơ cấu, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có xu hướng chậm lại, doanh nghiệp tạm ngừng và giải thể gia tăng. Các doanh nghiệp chế biến chế tạo bớt lạc quan hơn về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I.

Không chỉ có vậy, Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018 cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về gia nhập thị trường, nhất là gánh nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp”, và tiếp cận thông tin minh bạch./.,