Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra ngày 2/5/2019 có chủ đề “Phát triển KTTN Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII và Nghị quyết 98/NQ-CP của Chính phủ”. Diễn đàn do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì và chỉ đạo tổ chức.

Kích hoạt tốt hơn nữa khu vực KTTN

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Đảng và Nhà nước ta luôn có chủ trương nhất quán, xuyên suốt là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Mỗi thành phần kinh tế đều đóng góp vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, trong đó có KTTN.

Hai năm gần đây, khu vực KTTN Việt Nam ngày càng lớn mạnh, nổi lên như một động lực quan trọng dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực KTTN trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc diễn đàn.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, những kết quả này vẫn còn thấp so mức tiềm năng. Nhìn nhận từ các nước đã thành công trong cải cách kinh tế cũng cho thấy, khu vực KTTN trong nước có vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển. Các ngành, các cấp cần phải tìm cách kích hoạt vai trò này tốt hơn nữa. Thủ tướng tin tưởng rằng, nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Cũng tại diễn đàn, Thủ tướng đã nêu ra hai nhóm vấn đề. Nhóm vấn đề thứ nhất là làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam với đa phần có quy mô nhỏ vẫn có thể vươn ra cạnh tranh quốc tế, có thương hiệu toàn cầu? Làm thế nào để hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể mở rộng quy mô, chuyển sang mô hình doanh nghiệp, nhằm phát huy lợi thế tạo nhiều của cải hơn cho bản thân và cho cả xã hội?

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đây là những vấn đề khó nhưng nếu có khát vọng, có sự đồng lòng và có quyết tâm cao, ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo chính là chìa khoá huy động nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Còn nhóm vấn đề thứ hai là làm sao có được đột phá thực sự ở các điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh? Thủ tướng phân tích, mặc dù thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh của Việt Nam tuy đã có nhiều cải tiến, tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc, đôi khi thể chế chính sách còn chưa theo kịp, chưa thực sự kiến tạo cho các mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hữu cơ... Do đó, Nhà nước, doanh nghiệp cần làm gì, với lộ trình ra sao? Cần những giải pháp đột phá nào, cơ chế hợp tác công - tư như thế nào trong những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều tiềm năng, như: du lịch, dịch vụ, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, mô hình kinh doanh mới, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp?

Bên cạnh đó, Thủ tướng đã chia sẻ quan điểm về tinh thần doanh nghiệp. Thứ nhất là chí tiến thủ của nhà doanh nghiệp, không bằng lòng với hoàn cảnh đang có mà cần xông xáo tìm kiếm và nắm bắt cho bằng được các cơ hội do công nghệ và thị trường mang lại. Nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, nguyên liệu mới, đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý được gọi tổng quát là cách tân, một tố chất quan trọng của nhà doanh nghiệp.

Thứ hai, doanh nhân cần kinh doanh liêm chính, tìm kiếm lợi nhuận chân chính, góp phần vào công cuộc phòng chống tham nhũng.

Thứ ba là tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh - đây là những tố chất cần thiết, phổ biến của nhà doanh nghiệp của tất cả các nước. Riêng đối với Việt Nam, một nước còn ở giai đoạn phát triển trung bình, cần thêm một yếu tố là lòng yêu nước, là ý thức góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh. Các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm, các thương hiệu nổi tiếng, cạnh tranh và xác lập tên tuổi trên thị trường thế giới là góp phần làm hình ảnh đất nước của chúng ta sáng chói trên vũ đài quốc tế. Các doanh nghiệp cần đề cao triết lý kinh doanh vì xã hội, vì đất nước, vì tương lai dân tộc. Thủ tướng cho rằng, như tại mọi quốc gia trên hành tinh này, KTTN Việt Nam mang trong mình khát vọng mãnh liệt vào tương lai.

Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi tiếp tục tạo dựng và củng cố niềm tin giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền thông qua một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và công bằng; thông qua việc tiếp tục vun đắp tinh thần doanh nghiệp của doanh nhân Việt Nam.

“Một khu vực tư nhân lớn mạnh, bền vững, bên cạnh khu vực doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hơn, khu vực kinh tế hợp tác xã năng động hơn sẽ tạo ra một tương lai thịnh vượng, bền vững hơn cho nền kinh tế Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiếp tục tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi

Đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp, trả lời câu hỏi về những quyết sách của Thủ tướng và Chính phủ nhằm để tạo điều kiện cho khu vực KTTN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sẽ tiếp tục tạo điều kiện, kiến tạo không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn, với 10 “từ khóa”: “tạo bình đẳng” trong phát triển, được “bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội”.

Thủ tướng trả lời câu hỏi về những quyết sách của Thủ tướng và Chính phủ nhằm để tạo điều kiện cho khu vực KTTN.

Thủ tướng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ khởi nghiệp thành công. Nền kinh tế Việt Nam đủ lớn, năng động, hội nhập sâu, tốc độ phát triển nhanh. Việc Chính phủ phải làm là tạo nên một thể chế pháp luật, nhân lực, hạ tầng và thị trường để tạo điều kiện cho khởi nghiệp.

Trước hết, đó là về nguồn nhân lực, chú trọng số lượng, chất lượng nhân lực đáp ứng các yêu cầu Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhất là có những chính sách tốt hơn nữa để thu hút và giữ chân những nhà đầu tư “thiên thần”.

Thứ hai là về hạ tầng, Chính phủ và các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan chú trọng hơn nữa hạ tầng viễn thông thông minh, như: phát triển nhanh mạng 5G trong thời gian tới, thanh toán không dùng tiền mặt, các hạ tầng kỹ thuật công nghệ khác.

Thứ ba là tạo thị trường, theo đó, mua sắm sản phẩm đổi mới sáng tạo nhiều hơn, cho thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, trong đó, thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với những cơ chế thông thoáng nhất. Năm 2019, Chính phủ sẽ phê duyệt Đề án chuyển đổi số quốc gia để tạo điều kiện cho khởi nghiệp thành công./.