Đó là một trong những mục tiêu được nêu bật tại Quyết định 558/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định nêu rõ, mục tiêu quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị Bắc Ninh đạt tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc trung ương, làm tiền đề để xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2022; xây dựng và phát triển đô thị Bắc Ninh trở thành đô thị văn hóa - sinh thái - tri thức, theo mô hình đô thị thông minh.

Tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của vùng kinh tế Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội với trọng tâm là dịch vụ thương mại, đào tạo - nghiên cứu khoa học, du lịch văn hoá, y tế - nghỉ dưỡng, công nghiệp và logistic chất lượng cao; trở thành một đầu mối giao lưu, trung tâm du lịch văn hoá, đào tạo - nghiên cứu khoa học của vùng Thủ đô, vùng kinh tế Bắc Bộ và cả nước, có ý nghĩa quốc tế; trở thành đô thị thông minh, đô thị lớn trong vùng Thủ đô Hà Nội, có sức cạnh tranh mạnh mẽ với các đô thị khác trong nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm các đơn vị hành chính: thành phố Bắc Ninh, huyện Tiên Du, thị xã Từ Sơn, huyện Quế Võ và huyện Yên Phong với tổng diện tích khoảng 491,37 km2.

Một trong những yêu cầu trọng tâm nghiên cứu trong nội dung điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh là đề xuất các giải pháp kiểm soát phát triển không gian đô thị, công trình cao tầng, bố trí các không gian công cộng, không gian ngầm cho dân cư đô thị, đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội theo hướng chất lượng cao đạt tiêu chuẩn đô thị loại 1; đấu nối hệ thống cơ sở hạ tầng khung, đặc biệt là hệ thống giao thông. Phát triển hệ thống hạ tầng đầu mối liên khu vực như: Cấp nước sạch, cấp điện, thông tin liên lạc, xử lý nước thải, chất thải rắn và bảo vệ môi trường. Nghiên cứu khả năng phát triển giao thông ngầm.

Bên cạnh đó, dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới với định hướng phát triển theo hướng tạo lập đặc trưng và bản sắc cho đô thị Bắc Ninh; đề xuất các khu vực tạo điểm nhấn kiến trúc để tạo bản sắc riêng cho đô thị Bắc Ninh. Đề xuất các quy định quản lý, hướng dẫn kiểm soát phát triển theo hướng linh hoạt theo từng giai đoạn.

Về mô hình phát triển, định hướng không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị, trong đó xác định mô hình phát triển đô thị Bắc Ninh gắn kết với các đô thị, khu dân cư nông thôn trong vùng tỉnh Bắc Ninh, theo hướng đô thị văn hóa - sinh thái - tri thức, theo mô hình đô thị thông minh.

Định hướng phát triển không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị: nghiên cứu mối quan hệ không gian giữa đô thị Bắc Ninh và các huyện trong tỉnh, phân tích, đánh giá mô hình phát triển đô thị. Đề xuất mô hình và hướng phát triển đô thị Bắc Ninh, lựa chọn phương án phát triển đô thị bền vững đảm bảo giữ gìn và khai thác tối đa các lợi thế về mặt nước trong đô thị; văn hoá lịch sử gắn với các di tích chùa Phật Tích, chùa Dạm, chùa Dâu...; các cơ sở giáo dục, y tế cấp vùng và cấp tỉnh tại thành phố Bắc Ninh và huyện Tiên Du; các khu công nghiệp công nghệ cao tại Yên Phong, Từ Sơn, Quế Võ...

Trong đó xác định phạm vi, quy mô các khu chức năng của đô thị. Xác định và phân bố các đơn vị ở; các khu trung tâm công cộng, các khu dịch vụ, các khu công viên cây xanh, các khu công nghiệp, du lịch, tiểu thủ công nghiệp, kho tàng, bến bãi, các khu cơ quan hành chính, trường chuyên nghiệp... và các khu chức năng đặc biệt khác; nghiên cứu khả năng phát triển không gian ngầm phục vụ các chức năng thương mại, công cộng, vui chơi giải trí... gắn với hệ thống, công trình giao thông ngầm.

Đối với quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường, trong đó tổ chức mạng lưới giao thông bao gồm giao thông đối ngoại, giao thông đô thị và giao thông đường thủy, hệ thống giao thông tĩnh trong phát triển đô thị, phân loại phân cấp các tuyến giao thông đô thị và đề xuất các giải pháp thiết kế cho mạng lưới giao thông nội bộ. Đề xuất mạng lưới và các công trình hỗ trợ phát triển giao thông công cộng hoạt động trong đô thị cũng như kết nối với các đô thị khác, các vùng lân cận. Xác định vị trí quy mô, số lượng các công trình đầu mối giao thông. Nghiên cứu khả năng ngầm hoá các tuyến đường sắt đô thị, các bến bãi đỗ xe khu vực trung tâm đô thị.

Thông tin liên lạc, định hướng quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động, dự kiến các công trình đầu mối theo từng giai đoạn quy hoạch và mạng lưới truyền dẫn quang đồng bộ theo hướng sử dụng chung cơ sở hạ tầng, mở rộng hệ thống viễn thông công cộng đáp ứng nhu cầu sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phát triển đô thị theo mô hình đô thị thông minh./.