Tổng cục Thống kê nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy giảm, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam quý II và 6 tháng đầu năm 2019 tiếp tục có những nét chuyển biến tích cực là nhờ sự điều hành khẩn trương và quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Kinh tế 6 tháng đầu năm nay đạt mức tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ thị trường tiếp tục tăng cao, giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, đầu tư trực tiếp nước ngoài và tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Số người có việc làm tăng lên, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm dần, thu nhập của người dân cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới: Tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu tăng chậm lại. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản được xem là thế mạnh có xu hướng giảm đáng kể. Cán cân thương mại hàng hóa chuyển hướng nhập siêu. Thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Ngành chăn nuôi gặp khó khăn khi đối diện với dịch tả lợn châu Phi ngày càng lây lan trên diện rộng. Ngoài ra, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Năm 2019 được Chính phủ xác định là năm “bứt phá” để phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, vì vậy để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, trong thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu sau đây:

Một là, điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý vào thời điểm hợp lý để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019. Tăng trưởng tín dụng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và có biện pháp hạn chế tín dụng đen.

Hai là, thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất. Tập trung nguồn lực để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lan rộng, đồng thời chuẩn bị cung ứng đủ giống phục vụ tái đàn sau dịch bệnh, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi lợn chuyển sang các loại vật nuôi khác. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với thị trường, tăng cường sản xuất đối với cây trồng ngắn ngày, đặc biệt là các loại rau quả khi đang có thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu tốt. Khuyến khích liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tạo giá trị gia tăng ở các khâu, quản lý tốt chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường đầu ra. Ngành thủy sản cần gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, phân tích và dự báo tốt các tín hiệu của thị trường để có những bước đi phù hợp.

Ba là, nâng cao kết quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới (CPTPP, EVFTA…), đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, tránh sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định, đặc biệt là xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản, cần giải quyết có hiệu quả vấn đề kiểm dịch động thực vật, bảo đảm vệ sinh an toàn chất lượng để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này. Đối với sản phẩm cá tra, để giữ vững thị phần trên thị trường thế giới cần khuyến cáo người nuôi tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt các quy định của nhà nhập khẩu, không nên mở rộng diện tích sản xuất. Tăng cường kiểm soát, có biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp nhập hàng hóa từ nước ngoài, gắn mác Việt Nam để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Bốn là, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể, cải cách thủ tục hành chính, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nhanh và hiệu quả, khuyến khích các hộ cá thể chuyển thành doanh nghiệp, tạo dựng điều kiện kinh doanh thuận lợi cho cơ sở cá thể hoạt động ổn định, lâu dài và tuân thủ pháp luật. Thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để ươm tạo công nghệ, phát triển ý tưởng, mô hình kinh doanh.

Năm là, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm để hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp; công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng. Chấn chỉnh hoạt động du lịch, khách sạn, nhà hàng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch. Tăng cường xúc tiến, quảng bá, phát triển mạnh mẽ du lịch nhằm lan tỏa tới các ngành sản xuất và dịch vụ phát triển, có chính sách, biện pháp thu hút hiệu quả khách du lịch quốc tế, nhất là khách đến từ các thị trường có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày tại Việt Nam.

Sáu là, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ./.