Từ trái sang: Cao ủy Thương mại của Liên minh châu Âu Cecilia Malmstrom, Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và doanh nghiệp Romania Stefan-Radu Oprea, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Việc tổ chức thực thi sẽ quyết định sự thành công của EVFTA

Tại buổi họp báo quốc tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh rằng, việc ký kết Hiệp định mới là mở đầu, sau khi Hiệp định có hiệu lực, việc tổ chức thực thi sẽ quyết định sự thành công của Hiệp định đó với Việt Nam.

Trả lời báo chí về số liệu điều tra mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chưa nắm được về EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, đây là thách thức không nhỏ khi Việt Nam hội nhập và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Bởi, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để các doanh nghiệp cần khai thác tốt cơ hội từ EVFTA, họ phải tập trung vào việc chủ động nghiên cứu, nắm bắt toàn diện nội dung của hiệp định đã ký kết.

Vì thế, trong các chương trình hành động của mình, Chính phủ đã chú ý hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin. Doanh nghiệp cũng cần chủ động tiếp cận những thông tin này.

“Chính phủ đã giao Bộ Công Thương cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời đến người dân, đến doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm từ việc tổ chức thời gian vừa qua. Tới đây, Bộ Công Thương đã có chương trình phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp, người dân để cung cấp thông tin đến nhân dân kịp thời nhất”, Bộ trưởng nói.

Khẳng định đây là hiệp định có yêu cầu rất cao, đặc biệt là năng lực thực thi, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian đàm phán kéo dài tới 9 năm nếu tính từ khi khởi động và gần 7 năm đàm phán chính thức là do hai bên muốn đi đến thống nhất trong lộ trình linh hoạt để đảm bảo khả năng thực thi.

"EU luôn đặt yêu cầu lớn đối với năng lực thực thi của chúng ta về phát triển bền vững như vấn đề an toàn lao động, đánh bắt cá bất hợp pháp… Làm sao có lộ trình linh hoạt để đảm bảo khả năng thực thi, những nội dung đó được EU rất quan tâm. Có giai đoạn đàm phán gặp phải khó khăn lớn nhưng 2 bên đã vượt qua khó khăn để đạt được thỏa thuận", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Với lĩnh vực mua sắm công được quy định trong EVFTA, ông Trần Tuấn Anh cho biết, đây không phải lần đầu lĩnh vực này được đề cập trong các FTA, trong CPTPP đã đề cập, đó là lĩnh vực mà các đối tác yêu cầu với Việt Nam để chúng ta phải mở cửa thị trường.

Bên cạnh đó, Hiệp định này cũng có thể tạo ra một số thách thức nhất định đối với nền kinh tế Việt Nam.

Thứ nhất, Việt Nam cũng sẽ phải cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ.

Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Thứ hai, Hiệp định EVFTA cũng bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, phát triển bền vững...

Toàn cảnh buổi họp báo/ Ảnh: Đức Trung

Sẽ đối thoại thay trừng phạt khi xảy ra vi phạm

Thực hiện đầy đủ các quy định này đòi hỏi phải cải cách hệ thống pháp lý trong nước. Tuy nhiên, về cơ bản, việc này cũng phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đổi mới mô hình tăng trưởng mà Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai”, Bộ trưởng cho biết.

Khẳng định rằng, EVFTA là hiệp định tốt nhất mà EU từng ký, bà Cecilia Malmstrom, Cao uỷ Thương mại của Liên minh châu Âu cho biết, đây là hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất của EU với một nền kinh tế mới nổi cho tới nay.

Bà chỉ rõ, muốn thúc đẩy quan hệ thương mại giữa 2 khối, cần sớm thông qua để thực thi. Malmstrom khẳng định, vai trò quyết định vẫn phải là các doanh nghiệp.

“Hiệp định tạo ra điều kiện thuận lợi hơn, tốt hơn cho các doanh nghiệp, đảm bảo rằng các trở ngại trước đây sẽ được gỡ bỏ, tạo ra môi trường thuận lợi hơn. Nhưng quyết định cuối cùng vẫn là của chính các doanh nghiệp, đưa ra quyết định có đầu tư hay không cũng là các doanh nghiệp”, bà Cacilia Malmstrom nói.

Bà Cacilia Malmstrom cho biết, EU hoan nghênh những bước tích cực gần đây của Quốc hội Việt Nam trong các vấn đề về lao động, cụ thể là việc phê chuẩn Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Thương lượng tập thể cũng như kế hoạch thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi tại kỳ họp tiếp theo vào mùa thu năm 2019.

Bà cho biết, EU cũng hoan nghênh kế hoạch của Chính phủ nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc trình Công ước 105 và 87 của ILO lên Quốc hội Việt Nam để tiến hành thủ tục phê chuẩn các công ước này vào các năm tương ứng là 2020 và 2023.

Về việc thực thi các chế tài xảy ra khi có xung đột, bà Cacilia Malmstrom khẳng định, nguyên tắc sẽ luôn sử dụng biện pháp đối thoại để xử lý.

“Chúng tôi đã có kinh nghiệm để xử lý, chúng tôi tin rằng sẽ sử dụng đối thoại thay vì trừng phạt nếu có vi phạm xảy ra”, bà Cacilia Malmstrom tái khẳng định./.