Phiên họp được diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Tốc độ giải ngân đầu tư công còn chậm

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước đạt 822,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018 và bằng 33,1% GDP.

Trong đó, vốn khu vực nhà nước đạt 255 nghìn tỷ đồng, chiếm 31% tổng vốn và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 359,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 43,6% và tăng 16,4%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 208,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,4% và tăng 9,7%.

Về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mới có 06 bộ, ngành và 13 địa phương có số giải ngân đạt trên 50%. Trong khi có tới 35 bộ, ngành và 16 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%. Đặc biệt, có 15 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%.

Về tình hình giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài: Trong tháng (tính đến ngày 23/6/2019) ký kết 01 dự án vay ADB trị giá 45 triệu USD (Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực GMS mở rộng giai đoạn 2). Giá trị giải ngân trong tháng (tính đến ngày 20/6/2019) ước đạt khoảng 97 triệu USD, tăng 31% so với tháng trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết là 233,36 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018 (193,2 triệu USD); giá trị giải ngân ước đạt khoảng 800 triệu USD, bằng 78% mức giải ngân cùng kỳ năm 2018.

Bộ trưởng cũng cho biết, tính đến ngày 20/6/2019, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) ước đạt 18,47 tỷ USD[1], giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2018, gồm: 1.723 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 7,41 tỷ USD, giảm 37,2%; 628 dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm khoảng 2,94 tỷ USD, giảm 33,8% và 4.020 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp là 8,12 tỷ USD, tăng 98,1% và chiếm gần 44% tổng vốn đăng ký.

Không tính lượt góp vốn 3,85 tỷ USD của nhà đầu tư Hồng Kông thì tổng giá trị vốn góp vẫn tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Lý giải việc vốn đầu tư điều chỉnh giảm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, do trong 6 tháng 2018 có dự án Công ty TNHH Laguna – Singapore điều chỉnh tăng vốn thêm 1,12 tỷ USD.

Giải ngân vốn FDI ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ tăng 8,4%).

Lũy kế đến ngày 20/6/2019, cả nước có 28.954 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 351,66 tỷ USD; vốn thực hiện đạt 200,5 tỷ USD, bằng 57% vốn đăng ký còn hiệu lực.

Trong tháng 6/2019, Libya - quốc gia ở Bắc Phi đã có dự án đầu tư mới tại Việt Nam, nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam lên con số 132; trong đó lớn nhất là đầu tư từ Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 64,55 tỷ USD, chiếm 18,4% tổng vốn đăng ký, Nhật Bản đứng thứ hai với 57,9 tỷ USD, chiếm 16,5%, tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Hồng Kông.

Về đầu tư ra nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 71 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài với tổng giá trị 103,9 triệu USD, 19 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng giá trị tăng thêm 96,1 triệu USD; tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp đạt gần 200 triệu USD.

Trong đó, chủ yếu là các dự án thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn khoa học – công nghệ, chiếm tỷ trọng 41% tổng vốn đầu tư, các dự án lĩnh vực ngân hàng chiếm tỷ trọng 18,6%, các dự án thông tin và truyền thông chiếm tỷ trọng 15,8%.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã đầu tư sang 29 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với 1 dự án quy mô vốn lớn 59,8 triệu USD, Tây Ban Nha là địa bàn dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, chiếm 29,9% tổng vốn đầu tư. Hoa Kỳ xếp thứ 2 với tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 44,9 triệu USD, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Australia, Malaysia, Nam Phi, Canada...

6 nguyên nhân chủ yếu

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Thông báo số 179/TB-VPCP, ngày 08/05/2019 về giải pháp thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập 03 đoàn công tác làm việc với 12 tỉnh, thành phố (Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Nam Định, Quảng Bình, TT-Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Tây Ninh, TP Cần Thơ và Tiền Giang).

Tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành và kết quả kiểm tra tình hình thực tế tai các địa phương, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ 6 nguyên nhân giải ngân 6 tháng đầu năm chậm hơn so với cùng kỳ.

Thứ nhất, những tháng đầu năm các bộ, ngành và địa phương tập trung giải ngân vốn kế hoạch năm 2018 kéo dài sang năm 2019, bao gồm cả vốn nước ngoài; đặc thù của năm 2018 so với các năm trước là theo quy định tại Nghị định số 120/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 của Chính phủ, phần vốn nước ngoài năm 2018 đã được Chính phủ nhận nợ được kéo dài giải ngân sang năm 2019.

Thứ hai, việc giao vốn kế hoạch năm 2019 còn chậm so với các năm trước ở cả cấp trung ương và địa phương. Riêng các chương trình mục tiêu quốc gia mới giao tổng số vốn cho các đơn vị cấp dưới và vốn thực hiện dự án chuyển tiếp, hoàn thành, các địa phương chưa giao chi tiết danh mục dự án khởi công mới cho các đơn vị triển khai.

Thứ ba, công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, năng lực nhà thầu hạn chế, thủ tục điều chỉnh, gia hạn Hiệp định vốn nước ngoài chậm.

Thứ tư là khó khăn trong công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư các dự án sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương để đủ điều kiện bố trí vốn trong kế hoạch năm 2019 do quy định tại Nghị định số 120/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 phải có quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư và dự toán chuẩn bị đầu tư của cấp có thẩm quyền quyết định trước ngày 31 tháng 10 của năm trước năm kế hoạch.

Thứ năm, mức áp dụng chỉ định thầu xây lắp và tư vấn hiện nay quá thấp, chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại một số địa phương.

Thứ sáu, một số bộ, ngành và địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong việc chỉ đạo chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, chưa tích cực trong việc hoàn chỉnh các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện hồ sơ tạm ứng thanh toán đối với các dự án theo quy định.

Cần thực hiện những giải pháp mạnh mẽ

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, giải ngân vốn đầu tư công tuy đã có những chuyển biến tích cực, nhưng tiến độ nhìn chung còn chậm, đặc biệt là vốn nước ngoài.

Vì thế, trong 6 tháng cuối năm, các bộ, ngành và địa phương cần quyết liệt chỉ triển khai thực hiện một số giải pháp như sau:

Một là, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3/8/2017 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

“Trong đó, đặc biệt lưu ý quy định các dự án nếu đến 30/9 giải ngân đạt đưới 30% sẽ không được tiếp tục bố trí kế hoạch vốn năm sau”, Bộ trưởng lưu ý.

Hai là, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong việc đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng, thủ tục thanh toán, quyết toán... không để dồn vào cuối năm, tránh tình trạng đùn đẩy, kéo dài thời gian nhằm né tránh trách nhiệm.

Ba là, UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc hướng dẫn thủ tục thẩm định và phê duyệt dự toán, thanh toán vốn đầu tư đối với “Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành”; hướng dẫn lập và thẩm định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bốn là, cần khẩn trương, quyết liệt trong việc hoàn thiện thủ tục các dự án dự kiến giao kế hoạch năm 2019 theo đúng quy định, hoặc có phương án điều chỉnh kế hoạch kịp thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tổng hợp để giao nốt kế hoạch vốn năm 2019 đúng quy định của pháp luật./.