CPI 6 tháng đầu năm tương đối sát dự báo

Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng 2,64%. Như vậy, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm tương đối sát với dự báo từ đầu năm và nằm trong kịch bản CPI thấp.

Mặt bằng giá cả thị trường nửa đầu năm 2019 biến động theo hướng tương đối cao trong tháng diễn ra Tết Nguyên đán, giảm nhẹ trong tháng 3, tăng dần trở lại trong hai tháng tiếp theo và giảm trở lại vào tháng 6.

Theo phân tích của TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Học viện Tài chính, lương thực, thực phẩm; nhà ở và vật liệu xây dựng; giao thông… là các nhóm sản phẩm, dịch vụ có biến động giá lớn nhất, tác động tới tăng chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2019.

Đồng tình với TS. Nguyễn Ngọc Tuyến và làm rõ hơn, PGS, TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính cho biết, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng do giá các mặt hàng thực phẩm tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước (trong đó giá thịt lợn tăng 14,85%), làm cho CPI chung tăng 0,62%. Bên cạnh đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,99% so với cùng kỳ năm ngoái, do nhu cầu xây dựng tăng cùng với giá xi măng, sắt, thép và giá nhân công xây dựng tăng.

Mặt khác, giá sách giáo khoa năm học 2019-2020 tăng từ tháng 4/2019 làm chỉ số giá văn phòng phẩm tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018. Việc điều chỉnh giá điện sinh hoạt theo Quyết định số 648/QĐ-BCT, ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương cũng làm giá điện sinh hoạt 6 tháng đầu năm tăng 5,84% so với cùng kỳ 2018.

PGS, TS. Nguyễn Bá Minh cũng chỉ ra một số nguyên nhân kiềm chế tốc độ tăng CPI trong nửa năm qua, đó là giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu giảm 3,55%, tác động CPI chung giảm 0,15%; giá gas sinh hoạt giảm 0,3%. Các cấp, các ngành tích cực triển hai các biện pháp bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát…

Nhiều kịch bản cho cả năm

PGS, TS. Nguyễn Bá Minh đánh giá, 6 tháng cuối năm, giá cả những nhân tố làm tăng CPI là giá các mặt hàng thực phẩm tiếp tục tăng. Đặc biệt là giá thịt lợn có khả năng sẽ tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi làm cho tổng đàn nuôi của cả nước suy giảm nghiêm trọng và các hộ chăn nuôi chưa thực hiện tái đàn ngay được. Nhiều khả năng Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng giá học phí, điều chỉnh giá dịch vụ y tế... theo lộ trình xã hội hóa giá dịch vụ y tế, giáo dục

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Minh cũng cho rằng, có một số nhân tố sẽ góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI như: tình hình kinh tế - xã hội thế giới còn nhiều bất ổn khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu có khả năng sẽ tiếp tục giảm tốc. Tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra nước ngoài vẫn còn gặp nhiều khó khăn sẽ khiến cho người nông dân khó tiêu thụ được sản phẩm do mình làm ra; hiệu quả là giá nông sản tiếp tục giảm, sức mua của người nông dân suy yếu.

PGS. TS Nguyễn Bá Minh dự báo, CPI bình quân cả năm 2019 sẽ tăng ở mức từ 3%-3,5% so với năm 2018.

Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, những tháng cuối năm Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức như: tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản có xu hướng giảm đáng kể; cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu ở mức thấp.

Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Ngành chăn nuôi gặp khó khăn khi đối diện với dịch tả lợn châu Phi ngày càng lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của khu vực nông nghiệp.

Với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam cũng sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường...

Ông Ngô Trí Long cho rằng, mục tiêu của Chính phủ kiểm soát CPI ở mức dưới 4% là khả thi, có thể thực hiện được, nhưng cũng không thể chủ quan.

Ông Ngô Trí Long cho rằng, mục tiêu của Chính phủ kiểm soát CPI ở mức dưới 4% là khả thi

Một kịch bản khác, theo dự báo của TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Học viện Tài chính, thì CPI năm 2019 có thể ở mức 4%-5%. TS. Tuyến nhận định, CPI 6 tháng cuối năm có thể sẽ không thuận lợi, vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ làm thay đổi đáng kể hoạt động thương mại và đầu tư thế giới. Đây là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, do vậy bất cứ chính sách nào từ Mỹ đối với Trung Quốc và ngược lại đều có tác động hai chiều tới Việt Nam.

Hơn nữa, xung đột địa chính trị nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở khu vực Trung Đông, Mỹ Latinh, Biển Đông tác động không nhỏ tới giá xăng dầu và giá các sản phẩm hàng hóa khác trên thị trường thế giới và điều đó cũng tác động mạnh tới CPI của Việt Nam.

Đặc biệt, dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp hiện nay và quan trọng hơn là trong tương lai, đặc biệt vào dịp cuối năm sẽ thiếu nguồn cung nghiêm trọng, làm cho giá tăng cao.

Việc nhà nước điều chỉnh tiền lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ là yếu tố tác động làm cho giá tiêu dùng tăng lên.

“Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mới được ký kết ngày 30/6/2019, khi triển khai thực hiện cũng sẽ tạo tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu và điều này có thể làm cho chi phí sản xuất tăng cao, tác động tới tăng CPI”, ông Tuyến nói.

Tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, để thực hiện mục tiêu CPI dưới 4%, Chính phủ cần kiên trì triển khai những nhóm giải pháp lớn nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng. Trong đó, tiếp tục chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, chủ động để kiểm soát lạm phát. Tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết kịp thời vướng mắc tại các dự án.

Đồng thời, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm để hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam... Đặc biệt, cần thúc đẩy ngay tăng trưởng tín dụng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, không để dồn vào những tháng cuối năm; thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý vào thời điểm hợp lý, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019...

“Điều hành CPI phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng, hay tạo ra “độ trễ” của lạm phát trong những năm sau. Định hướng điều hành lạm phát là bám sát quy luật cung cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính”, chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Ngoài ra, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương kiến nghị, cần tiếp tục thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Kết hợp chính sách hỗ trợ tăng trưởng với việc nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa ở mức độ hợp lý. Đồng thời, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, tránh tăng giá đột biến và thực hiện bình ổn giá và các dịp lễ lớn.

“Nếu triển khai thực hiện tốt các giải pháp xử lý rủi ro, hoàn toàn có thể đạt mục tiêu lạm phát dưới 4% năm 2019”, TS. Lê Quốc Phương tin tưởng./.