Ngày 08/08/2019, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo góp ý sửa đổi dự thảo Bộ Luật Lao động từ doanh nghiệp. Hội thảo nhằm thu thập những quan điểm, ý kiến của doanh nghiệp về Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi.

Toàn cảnh Hội thảo

Doanh nghiệp mong giữ nguyên cách tính giờ làm thêm

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, cộng đồng doanh nghiệp góp ý với tinh thần ủng hộ dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động, tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề được doanh nghiệp kiến nghị vì cho rằng, gây cản trở, khó khăn, thậm chí “khóa chân” doanh nghiệp.

Ông Lộc lấy dẫn chứng, dự thảo Luật quy định nâng giờ làm thêm lên 400 giờ là hợp lý, tuy nhiên, tăng thêm 100 giờ so với các ngành nghề đặc biệt, nhưng lại giảm 200 giờ so với các doanh nghiệp bình thường là bất hợp lý.

Cách tính lương giờ làm thêm cũng là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp quan tâm và lo ngại. Dự thảo Luật đưa ra cách tính lũy tiến theo giờ trong khi cách tính hiện hành, lương làm thêm ngày thường là 150%, ngày nghỉ hằng tuần 200%, ngày nghỉ lễ 300%.

Chủ tịch VCCI cho rằng, trên thực tế, phần lớn doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động hơn mức lương tối thiểu. Tiền lương tối thiểu tăng kéo theo nhiều chi phí “ăn theo” tăng lên (gồm cả phí công đoàn, bảo hiểm).

“Đây là điều đáng lo lắng. Bởi tác động kép như vậy không mang lại lợi ích cho người lao động mà lại tốn kém phí ở khâu trung gian”, ông Lộc quan ngại.

Lo ngại việc trả lương làm thêm tăng theo lũy tiến cao, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, bà Đào Thị Thu Huyền cho biết, tiền làm thêm giờ ở Việt Nam hiện nay đã cao so với thời giờ làm việc bình thường (hưởng mức 200% vào ngày nghỉ hằng tuần, 300% vào ngày nghỉ lễ, tết).

Đồng thời, mức tính này còn cao hơn so với quy định của Nhật Bản (125% vào ngày thường, 135% vào ngày nghỉ hằng tuần), Đài Loan (133,3%), Philippines (125%). Thậm chí tiền lương làm thêm giờ đã lũy tiến của Nhật Bản mới bằng tiền lương làm thêm giờ của Việt Nam (150%).

Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, từ nay đến khi trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức tham vấn đông đảo các đối tượng, tạo sự đồng thuận của xã hội với những nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Bộ luật.

“Chúng tôi mong muốn vẫn giữ nguyên cách tính giờ làm thêm như trước đây” - bà Huyền nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may cho rằng, với quy định tính lũy tiến tiền lương làm thêm giờ như trong dự thảo đang đề xuất doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đẩy chi phí nhân công của doanh nghiệp lên cao khiến giá thành sản phẩm tăng vọt. Chính vì vậy, cần giữ xuất giữ nguyên quy định về tiền lương làm thêm giờ như hiện nay.

“Nếu tính lũy tiến tiền lương làm thêm giờ, với thực trạng hơn 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì đối tượng này sẽ bị tác động nhiều nhất, làm cho năng lực và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước giảm mạnh. Đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may, da giày, điện tử sẽ bị tác động nhiều nhất”, ông Cẩm cho biết.

Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt maycũng đồng ý với phương án mở rộng giờ làm thêm lên đến 400 giờ/năm đối với những trường hợp đặc biệt, nhưng kiến nghị không quy định mức trần làm thêm giờ theo tháng mà để linh hoạt cho doanh nghiệp tự thực hiện tùy theo phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bỏ quy định 48 giờ làm/tuần, doanh nghiệp sẽ gặp khó

Một vấn đề nữa cũng được các doanh nghiệp hết sức quan tâm đó là quy định về thời giờ làm việc bình thường.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần May Hưng Yên phân tích, việc giảm giờ làm từ 48 giờ xuống còn 44 giờ/tuần chỉ nên áp dụng cho những nước có năng suất lao động cao, thu nhập cao có xu hướng giảm giờ làm, các nước có năng suất lao động thấp như Việt Nam thường có số giờ làm việc cao hơn.

Hiện nay, năng suất và thu nhập của người lao động Việt Nam chưa cao nên việc giảm giờ làm là chưa phù hợp, khiến doanh nghiệp phải tăng thêm chi phí trả tiền làm thêm giờ cho lao động. Đây là gánh nặng chi phí rất lớn cho các doanh nghiệp nội.

Không đồng tình với đề xuất giảm giờ làm việc trong tuần từ 48 giờ xuống 44 giờ, bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đưa ra dẫn chứng rằng, tiêu chuẩn về thời giờ làm việc trong tuần hiện nay của các quốc gia đang phát triển và cạnh tranh lao động với Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Lào… đều là 48 giờ.

“Nếu giảm giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần, 56 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam phải chịu áp lực tuyển thêm khoảng 32.000 lao động để đáp ứng cùng một khối lượng sản xuất trong năm. Đây chỉ là con số thống kê của 56/1500 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, chưa kể còn rất nhiều doanh nghiệp và Hiệp hội khác sẽ phải chịu áp lực rất lớn khi đối mặt với việc phải tuyển thêm số lao động lớn khi cắt giảm giờ làm” - bà Huyền cho hay.

Theo bà Huyền, từ các ý kiến đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, Ban soạn thảo cần có cái nhìn đa chiều hơn nữa nhằm tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp và người lao động. Bởi doanh nghiệp có phát triển mạnh, có phát triển thì người lao động mới có lương, có cuộc sống tốt.

Cân bằng lợi ích chủ sử dụng lao động với người lao động

6 tháng đầu năm nhịp độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã chậm lại, mức tăng xuất khẩu chỉ hơn 7% (các năm trước tăng khoảng 15-20%). Dự báo tăng trưởng thế giới trong thời gian tới còn giảm tiếp, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và chịu ảnh hưởng của tăng trưởng thế giới, kinh tế Việt Nam khó đạt kết quả khả quan.

“Bức tranh kinh tế thế giới đang xấu đi, tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Do đó, tác động làm tăng chi phí của doanh nghiệp ở thời điểm này sẽ gây khó khăn cho việc giữ được duy trì sản xuất của doanh nghiệp, cũng là khó đảm bảo nhịp độ tăng trưởng GDP, đảm bảo ngân sách” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Đặc biệt, thời điểm những năm tới sẽ là những năm khó khăn của doanh nghiệp. "Doanh nghiệp và người lao động đang trên cùng một con thuyền, doanh nghiệp không trụ được thì người lao động cũng không có việc làm”, TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Hơn nữa, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, các quốc gia khác với chi phí lao động thấp hơn, Việt Nam đang mất dần đi lợi thế. Do đó, cần chia sẻ với doanh nghiệp vì lợi ích quốc gia.

“Trong bối cảnh mới của suy giảm kinh tế thế giới, tinh thần làm luật phải là hỗ trợ, chia sẻ cùng doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, bên cạnh tổ chức đại diện người lao động, Luật Lao động sửa đổi cần bổ sung thêm điều khoản về tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở Việt Nam. Như vậy mới đảm bảo cơ chế đối thoại giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Đồng tình với đề xuất trên, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nên có một điều khoản thể hiện quyền và nhiệm vụ của tổ chức đại diện người sử dụng lao động là VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp có vai trò như vậy.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, chúng ta phải cân bằng lợi ích của chủ sử dụng lao động và người lao động./.