Khi cơ cấu vốn quá lệch vào mục tiêu kinh tế

Từ năm 2005-2010, vốn đầu tư phát triển từ NSNN chủ yếu tập trung vào việc nâng cấp kết cấu hạ tầng, cải thiện các điều kiện xã hội, môi trường, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) (chủ yếu làm nhiệm vụ công ích, giảm nhanh việc cấp vốn để kinh doanh), tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và kinh doanh.

Có thể thấy, các định hướng sử dụng vốn này nói chung là đúng, thiết thực với một đất nước nghèo, đang trong quá trình chuyển đổi và hội nhập như Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là từ định hướng và thực tế thực hiện đã cho thấy một khoảng cách khá xa.

Theo Niên giám thống kê Việt Nam năm 2010, vốn đầu tư phát triển từ NSNN liên tục tăng với tốc độ cao. Năm 2005, số vốn này mới chỉ là 161.635 tỷ đồng, thì đến năm 2010, con số này đã lên tới 316.285 tỷ đồng, gấp 1,96 lần. Trong đó: nguồn vốn dành cho phát triển kinh tế chiếm tới 77,1% vốn đầu tư phát triển, trong khi đầu tư vào các ngành thuộc lĩnh vực xã hội, liên quan trực tiếp tới phát triển con người từ 18,6% năm 2000 giảm xuống còn 15,2% năm 2009. Những con số này thể hiện rõ chính sách tập trung đầu tư phát triển kinh tế và tiết giảm đầu tư cho xã hội. Đây là một xu thế không hợp quy luật, bởi, một mặt, cùng với sự tăng lên của mức sống, các nhu cầu về phúc lợi cần phải được đảm bảo ở mức cao hơn. Mặt khác, sự phát triển của khoa học công nghệ và xu thế phát triển kinh tế tri thức đòi hỏi phải đầu tư ngày càng nhiều cho phát triển nguồn lực con người.

Từ năm 2005-2010, xấp xỉ 40% tổng vốn đầu tư phát triển dành cho các ngành kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin. Công nghiệp khai thác mỏ ổn định trong khoảng 7-10%; Công nghệ chế biến tăng/giảm thất thường trong khoảng 9-14%. Nông, lâm, thủy sản mặc dù là lĩnh vực hoạt động của đại đa số dân cư, nhưng không được Nhà nước chú trọng đầu tư, biểu hiện qua sự sụt giảm từ tỷ trọng 7,14% năm 2005 xuống 5,86% năm 2010. Ngành khoa học, giáo dục và đào tạo cũng chung số phận. Trong những năm 2004-2007 đạt 6-7%, năm 2008 tăng đột ngột lên 8,9%, rồi sau đó lại giảm xuống chỉ còn 5% năm 2009-2010. Như vậy, trong tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn NSNN, thì những ngành lớn, quan trọng, có thế mạnh trong sự phát triển dài hạn của đất nước là nông, lâm, thủy sản và khoa học, giáo dục - đào tạo lại chiếm tỷ trọng đầu tư kém nhất. Đây chính là nguyên nhân không thể có đột phá mạnh nhằm nâng cao sức cạnh tranh về các sản phẩm có lợi thế trong nông nghiệp, thủy sản và nhanh chóng đào tạo được nguồn nhân lực kỹ thuật cao trong tương lai.

Cũng cần lưu ý rằng, có quan điểm coi đầu tư phát triển cho nông nghiệp giảm là xu thế đúng trong nền kinh tế đang chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Song, nếu không đầu tư phát triển đúng mức vào nông nghiệp để công nghiệp hóa, hiện đại hóa có thể gây nhiều bất ổn về kinh tế - xã hội, thậm chí là bất ổn chính trị. Bởi, Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp, với trên 70% dân cư Việt Nam vẫn đang sinh sống ở khu vực nông thôn. Hiện, Việt Nam đã là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều này đồng nghĩa với việc một số dạng tài trợ của Nhà nước cho thủy lợi, nghiên cứu nông nghiệp, khuyến nông… được cam kết đã không được Nhà nước tận dụng, trong khi một số biện pháp giảm bớt bảo hộ đối với nông nghiệp trong nước lại được thực hiện, như việc giảm thuế nhập khẩu nông sản.

Đổi mới cơ cấu vốn đầu tư

Có thể nói, đầu tư từ NSNN vẫn chỉ tập trung vào một số ngành, mà thực ra khu vực tư nhân có khả năng và sẵn sàng đầu tư, trong khi NSNN chưa tập trung đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực như là một trong các khâu đột phá, như Đại hội XI của Đảng đã chỉ ra (Trần Văn, 2012). Điều này dường như đang đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản cho đầu tư từ NSNN. Theo đó, chức năng chính của Nhà nước là phải xây dựng các nền tảng phát triển và tăng trưởng, thực hiện các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời tập trung vào các lĩnh vực mà khu vực tư nhân không thể đầu tư, hoặc đầu tư không có hiệu quả.

Bảng 1: Cơ cấu đầu tư công giai đoạn 2005-2012

2005

2006

2007

2008

2009

2010

2011

2012

Đầu tư công/Tổng đầu tư

47,1%

45,7%

37,2%

33,9%

40,6%

38,1%

38,9%

37,8%

Trong đó:

Ngân sách

54,4%

54,1%

54,2%

61,8%

64,3%

44,8%

52,1%

54,8%

Tín dụng nhà nước

22,3%

14,5%

15,4%

13,5%

14,1%

36,6%

33,4%

45,2%

DNNN

23,3%

31,4%

30,4%

24,7%

21,6%

18,6%

14,5%

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Để điều chỉnh những hạn chế trên, theo sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ đã triển khai công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế. Sau hai năm triển khai (2011-2012), thì tỷ lệ tổng vốn đầu tư trên GDP đã giảm từ mức bình quân 42,5% trong giai đoạn 2005-2010 xuống còn 34,6% năm 2011 và 33,5% năm 2012 (số ước của Tổng cục Thống kê). Trong đó, thành phần giảm đầu tư mạnh nhất là đầu tư của Nhà nước từ mức 17,2% giai đoạn 2005-2010 xuống còn 13,5% năm 2011 và giảm tiếp tới 12,7% vào năm 2012. Như vậy, về mặt chính sách đã có sự chủ động giảm đầu tư của Nhà nước trong nỗ lực tái cơ cấu đầu tư.

Cũng đúng theo định hướng tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ, tỷ trọng đầu tư sử dụng vốn NSNN trong tổng đầu tư đã giảm từ mức rất cao 41-47% trong nửa cuối thập niên 2000 xuống còn 38-39% trong năm 2011-2012, và như vậy nằm trong khoảng 35-40% đã đề ra trong Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế (Nguyễn Xuân Thành, 2013).

Điều này cho thấy, những điều chỉnh rõ rệt của Chính phủ trong cơ cấu vốn đầu tư phát triển từ NSNN. Tuy nhiên, để sự điều chỉnh này thực sự hiệu quả, chứ không phải chỉ thể hiện trên các chỉ tiêu, con số báo cáo, theo chúng tôi, trong giai đoạn 2013-2020, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, đổi mới cơ cấu vốn đầu tư để phát triển các ngành kinh tế chủ lực. Công tác đầu tư phát triển từ nguồn vốn NSNN trong giai đoạn 2005-2010 còn dài trải, manh mún, do vậy việc hình thành các ngành kinh tế chủ lực có sức cạnh tranh cao, có sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế… còn rất hạn chế. Việc tập trung vốn để tạo ra ngành nghề kinh tế chủ lực theo hướng cấp phát vốn cho các DNNN đã không hiệu quả. Theo chúng tôi, việc lựa chọn ngành kinh tế chủ lực phải dựa vào lợi thế so sánh, tiềm năng, nguồn lực thực tế, lợi thế cạnh tranh, có hệ số ICOR thấp, có tính lan tỏa cao. Cụ thể là:

- Cần tập trung hơn nữa cho phát triển nông nghiệp, nông thôn: Giai đoạn 2005-2010, trong lĩnh vực nông nghiệp, việc đầu tư phát triển chưa tương xứng. Trong giai đoạn tới, đầu tư từ NSNN phải được sử dụng như một công cụ mạnh, tạo nên sự đột phá trong phát triển ngành nông nghiệp và cải thiện đời sống ở nông thôn. Cụ thể, cần ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, triển khai giống, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến nông, lâm, thủy sản và chuyển giao cho nông dân. Hỗ trợ nông dân tiếp cận với thị trường, tham gia vào các chuỗi giá trị gia tăng dựa trên nguyên vật liệu nông, lâm, thủy sản, thông qua các biện pháp về tổ chức hợp tác và liên kết giữa sản xuất với chế biến và thương mại, tiêu chuẩn hóa, cũng như nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm, thu nhập của nông dân. Hỗ trợ để thúc đẩy công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao và sức cạnh tranh lớn của những mặt hàng xuất khẩu mà Việt Nam có ưu thế trên thị trường thế giới, như: gạo, cà phê, cao su, điều, hạt tiêu, trái cây, thủy sản, đồ gỗ dân dụng.

- Về công nghiệp: Giai đoạn 2005-2010 chủ yếu tập trung cho công nghiệp chế biến, khai thác mỏ, sản xuất điện và khí đốt, xây dựng, nhưng công nghệ còn thấp, chưa tạo sản phẩm có chất lượng cạnh tranh quốc tế, điện năng thiếu hụt, xây dựng chất lượng chưa cao, thất thoát, tham nhũng, thiếu sức cạnh tranh quốc tế. Bằng chứng là nhà thầu nước ngoài đã trúng thầu hầu hết các công trình lớn theo phương thức FPC (Engineering - Procurenment - Construction: Hình thức hợp đồng Thiết kế - Cung ứng vật tư thiết bị - Xây lắp) thời gian qua. Vì thế, thời gian tới, cơ cấu vốn đầu tư từ NSNN cho lĩnh vực công nghiệp cần thay đổi theo hướng tập trung cho một số ít ngành trọng điểm, có tính đột phá và lan tỏa về mặt công nghệ, như: ngành công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, năng lượng mới… Đầu tư cả phần cứng (kết cấu hạ tầng, trang thiết bị) và phần mềm (đội ngũ giáo viên, sách vở, phần mềm) để đào tạo đủ số lượng nhân lực có trình độ kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế theo chiều sâu.

- Trong khu vực dịch vụ: phải phát triển dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông hướng tới công dân điện tử; phát triển dịch vụ hàng không, cảng biển, vận tải biển, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao…

Thứ hai, đổi mới cơ cấu vốn đầu tư để phát triển vùng kinh tế trọng điểm. Nếu đầu tư tràn lan, dàn trải, thì không tạo ra được các vùng kinh tế trọng điểm, động lực làm đầu tàu kinh tế lôi kéo nền kinh tế phát triển. Đầu tư phát triển từ nguồn vốn NSNN cần chú ý để tạo ra các vùng trọng điểm, động lực về kinh tế gắn với phân tích lợi thế so sánh.

- Ở miền Trung, tập trung phát triển Đà Nẵng thành trung điểm của miền Trung; phát triển Huế thành thành phố du lịch văn hóa, festival tầm cỡ quốc tế, điểm đến của di sản văn hóa thế giới; phát triển Nha Trang thành khu vực du lịch gắn với tổ chức sự kiện quốc tế; phát triển Bình Định với định hướng là cửa ngõ thông ra biển của cả Tây Nguyên và các nước Đông Dương.

- Đối với Tây Nguyên, nên tập trung phát triển Đắk Lắk trở thành trung tâm Tây Nguyên định hướng vào phát triển nông nghiệp nhiệt đới cao nguyên, với các sản phẩm cây công nghiệp gắn với chế biến sâu thành các sản phẩm cao cấp đạt trình độ quốc tế về cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều.

- Vùng đồng bằng sông Cửu Long nên tập trung phát triển Cần Thơ làm trung tâm của miền Tây với việc sử dụng lợi thế nông nghiệp hạ lưu sông Mê Kông, phát triển thủy sản nước ngọt, nước lợ, thủy sản ven biển, phát triển trồng lúa nước.

- Đối với khu vực ven biển duyên hải miền Trung tập trung phát triển kinh tế gắn với biển, đảo, dịch vụ du lịch, hàng hải.

- Còn với khu vực phía Bắc, phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm chính trị - kinh tế hiện đại với các thành phố công nghiệp vệ tinh, như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hòa Bình. Phát triển công nghiệp gắn với biển và dịch vụ liên qua đến biển đối với Quảng Ninh, Hải Phòng. Phát triển mạnh theo hướng mở với khu vực biên giới Trung Quốc, như: Lào Cai, Lạng Sơn…

Các địa phương cũng cần phải xác định các vùng kinh tế trọng điểm của mình để đảm bảo quy hoạch chung, tạo ra sức mạnh tổng hợp, tránh chồng lấn, chèn ép nhau, hoặc đầu tư dàn trải theo kiểu trải mành mành, địa phương nào cái gì cũng có một ít như bấy lâu nay.

Thứ ba, tăng đầu tư phát triển cho khoa học, công nghệ và nguồn lực con người. Đây là điều rất cần thiết trong bối cảnh thế giới đang vận hành nền kinh tế tri thức. Tăng đầu tư cho khoa học công nghệ và nhân lực phục vụ phát triển chiều sâu, cũng như nâng cao năng suất lao động.

Nếu không tập trung đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các công nghệ mới, thì khó tạo ra được sự bứt phá trong phát triển, không thể tạo ra tiền đề cho phát triển chiều sâu.

Đầu tư cho phát triển nguồn lực con người là đầu tư cho phát triển năng suất lao động, yếu tố góp phần làm tăng hiệu quả đầu tư. Hơn nữa, cũng cần nhắc lại rằng, đầu tư cho con người còn là mục tiêu của mọi công cuộc đầu tư. Tiếc rằng, trong khi người dân đã rất ý thức đượcđiều này, thì nền giáo dục nước nhà lại đang có rất nhiều vấn đề cần phải chấn chỉnh, để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban chấp hành Trung ương Đảng (2011). Văn kiện Đại hội XI Đảng cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

2. Thủ tướng Chính phủ (2013). Quyết định 339/QĐ-TTg, ngày 19/2/2013 phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020

3. Bùi Mạnh Cường (2012). Nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển từ nguồn vốn NSNN ở Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội

4. Trần Văn (2012). Tái cơ cấu nguồn vốn cho đầu tư công, tham luận tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân 2012: Kinh tế Việt Nam năm 2012: Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Đà Nẵng, 7-8/4/2012

5. Nguyễn Xuân Thành (2013). Tái cơ cấu đầu tư công 2011-2012: Những đánh giá ban đầu, tham luận tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2013: Kinh tế Việt Nam năm 2013: Tái cơ cấu kinh tế - Một năm nhìn lại, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Nha Trang, 5-6/4/2013

ThS. Nguyễn Văn Tuấn
Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 13/2013