Hiện trạng hạ tầng giao thông đường bộ

Đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ nước ta được phân bố tương đối hợp lý khắp cả nước và đã có bước cải thiện rõ rệt trong những năm qua. Nhiều tuyến đường, cầu lớn đã và đang được nâng cấp xây dựng để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp hệ thống quốc lộ chính, gồm: Trục dọc Bắc - Nam (quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh - giai đoạn 1); hệ thống quốc lộ hướng tâm (các Quốc lộ 2, 3, 5, 6, 32, 13, 51, 22, xuyên Á...); hệ thống đường vành đai biên giới phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ (các quốc lộ: 279, 4A, 4B, 14, 14C - giai đoạn 1, N2 - Đức Hòa - Thạnh Hóa, N1 - Châu Đốc - Tịnh Biên); các tuyến quốc lộ nối đến các cửa khẩu quốc tế; các vùng kinh tế trọng điểm...; hệ thống đường cao tốc đang được triển khai xây dựng.

Hạ tầng đường sắt cũng đã từng bước được nâng cấp, các tuyến đường sắt hiện có được hiện đại hóa. Thời gian qua, đã triển khai dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân và nghiên cứu xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Mật độ đường sắt nước ta là 0,8 km/100 km2, trong đó đường sắt Bắc - Nam dài 1.726 km, tuyến Hà Nội - Lào Cai: 230 km, Hà Nội - Hải Phòng: 100 km. Hai tuyến đường sắt quốc tế hiện có là: Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh và Hà Nội - Đồng Đăng - Bắc Kinh.

Tuy vậy, hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém, lạc hậu, vốn đầu tư cũng mới chỉ tập trung cho những công trình quan trọng, cấp bách, tỷ trọng đường cao tốc, đường có tiêu chuẩn kỹ thuật cao còn khá thấp so với khu vực và quốc tế; hệ thống đường địa phương, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn xấu. Cụ thể là:

- Đường trục quốc gia mang tính chiến lược và các hành lang kinh tế trọng điểm quy mô còn nhỏ bé; năng lực phục vụ chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

- Sự kết nối của giao thông vận tải đường bộ với các hệ thống giao thông khác (đường sắt, đường thủy nội địa, đường ra cảng biển… còn rất nhiều yếu kém, xuất hiện nhiều “nút thắt cổ chai”, nhất là trên hành lang vận tải Bắc - Nam, tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực đô thị.

- Tình trạng kỹ thuật đường bộ còn thấp kém; sụt trượt còn xảy ra thường xuyên gây ách tắc giao thông; số lượng cầu yếu, tải trọng thấp, chưa đồng bộ với cấp đường còn nhiều. Nhiều tuyến đường giao thông địa phương miền núi chưa đi lại được quanh năm.

- Trong những năm qua, vốn đầu tư cho đường bộ gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát của Chính phủ, nhiều dự án bị điều chỉnh kế hoạch, giãn tiến độ hoặc tạm dừng… ảnh hưởng rất lớn đến lưu thông phương tiện và đi lại của người dân.

- Công tác xã hội hóa, huy động vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường bộ đã được chú trọng với nhiều hình thức (BOT, BT, PPP…) nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn; cơ chế chính sách thiếu nhất quán, chưa đồng bộ để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

- Công tác quản lý, bảo trì đường bộ còn chưa được coi trọng đúng mức. Hệ thống khung tiêu chuẩn, định ngạch, định mức còn thiếu và chưa đồng bộ. Giữa vốn đầu tư xây dựng cơ bản và vốn bảo trì (vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho đường bộ do Trung ương quản lý từ năm 2002 đến nay, chiếm 88-94%, trong khi đó vốn bảo trì mới đạt 6-12% tổng vốn) vẫn còn mất cân đối. Vì thiếu vốn, nên nhiều hạng mục sửa chữa không được thực hiện đúng tiến độ.

Những yếu kém về kết cấu hạ tầng giao thông cùng với những bất cập trong phát triển đô thị và bảo vệ hành lang an toàn giao thông đã làm cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bị xâm hại. Hiện trạng này dẫn theo hệ lụy là làm giảm khả năng thông đường, gây mất an toàn giao thông và tai nạn giao thông tăng cao.

Vốn đầu tư chưa bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu

Tính chung vốn đầu tư cho ngành giao thông 3 năm (2009-2011) khoảng 181.324 tỷ đồng, bình quân 60.441 tỷ đồng/năm. Trong đó: vốn trung ương chiếm 61%; vốn địa phương: 39%. Với các dự án vốn trung ương, thì ngân sách nhà nước chiếm 35,6%; trái phiếu chính phủ: 40,0%; ngoài ngân sách 24,3%. Tỷ lệ đầu tư cho ngành giao thông vận tải so với GDP trong giai đoạn 2009-2011 đạt bình quân là 3,1%, cao hơn mức bình quân 2,8% tại giai đoạn 2000-2006. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là, thực tế vốn đầu tư chưa bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn trong năm 2011-2012; nhiều dự án bị điều chỉnh kế hoạch, giãn tiến độ hoặc tạm dừng; ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, có tính cấp bách, vốn đối ứng cho các dự án ODA…

Vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ 3 năm (2009-2011) khoảng 163.413 tỷ đồng, bình quân 54.471 tỷ đồng/năm, chiếm 90,1% tổng vốn đầu tư toàn ngành. Trong đó: vốn trung ương chiếm 61%; vốn địa phương: 39%. So với nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ kỳ lập quy hoạch, thì số vốn trên mới đáp ứng khoảng 61% (nhu cầu vốn đầu tư bình quân kỳ lập quy hoạch là 89.500 tỷ đồng/năm).

Vốn đầu tư xây dựng các dự án Bộ Giao thông Vận tải quản lý (2009-2011)

Đơn vị: Tỷ đồng

Năm

Cộng ngành

Đường bộ

Đường sắt

Đường thủy nội địa

Đường biển

Hàng không

2009

36.102

33.184

1.244

187

765

722

2010

39.372

36.189

1.357

204

834

787

2011

35.102

32.265

1.210

182

744

702

Cộng

110.576

101.638

3.810

573

2.343

2.211

Tỷ lệ (%)

100

91,9

3,4

0,5

2,1

2,0

Nguồn: Vụ Kế hoạch đầu tư - Bộ Giao thông Vận tải

Cũng theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, vốn bảo trì quốc lộ bình quân/năm giai đoạn 2008-2011 được cấp khoảng 2.459 tỷ đồng/năm; Trong đó: số tiền dành cho sửa chữa thường xuyên chiếm khoảng 25%, còn lại 75% là sửa chữa định kỳ; vốn bảo trì cấp cho 1 km quốc lộ (2.459 tỷ đồng/17.962 km): 137 triệu đồng/km.năm; trong đó: sửa chữa thường xuyên khoảng 35 triệu/km/năm. Nhận định về những con số trên, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải thừa nhận rằng: “So với vốn bảo trì quốc lộ kỳ lập quy hoạch, thì con số này mới đạt khoảng 55% nhu cầu (nhu cầu vốn bảo trì riêng quốc lộ kỳ lập quy hoạch bình quân là 4.500 tỷ đồng/năm)”.

Bảng : Vốn bảo trì hệ thống quốc lộ giai đoạn 2008 - 2011

Đơn vị: Tỷ đồng

Năm

Kế hoạch

Thực hiện

Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch (%)

Tổng số

Sửa chữa thường xuyên

Sửa chữa định kỳ

2008

1.903,52

518,90

1.384,63

1.903,52

100

2009

1.998,58

546,61

1.451,97

1.998,58

100

2010

2.380,70

626,10

1754,60

2.380,70

100

2011

3.414,43

751,99

2.662,43

3.554,19

104

2012

2.671,30

798,70

1.872,60

Nguồn: Tổng cục Đường bộ Việt Nam, năm 2012

Để tìm vốn cho phát triển giao thông đường bộ

Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến 2020 như Bảng 3

Bảng 3: Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến 2020

Đường

Tổng nhu cầu

(tỷ đồng)

Bình quân năm

(tỷ đồng/năm)

Quốc lộ (không bao gồm Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh)

255.701

31.963

Quốc lộ 1

89.362

22.340

Đường Hồ Chí Minh

240.839

26.760

Đường bộ cao tốc

Trong đó, riêng cao tốc Bắc Nam phía Đông

446.289

209.173

49.092

26.147

Đường bộ ven biển

- Giai đoạn đến 2020

- Giai đoạn sau 2020

28.132

16.013

12.120

1.600

Đường tỉnh

120.000

12.000

Giao thông đường bộ đô thị cho thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

287.500

29.000

Giao thông nông thôn

151.404

15.140

Những con số trên cho thấy, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là rất lớn. Trong khi Chính phủ đã quyết định giảm tổng mức đầu tư từ hơn 40% GDP trước đây xuống còn 34% năm 2012 và 30% năm 2013; đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ phải giảm xuống còn 8-9% GDP cho sát với mức của khu vực hơn. Điều này đồng nghĩa với việc, đầu tư cho hạ tầng đường bộ cũng sẽ thấp hơn trước rất nhiều, chưa nói là so với nhu cầu đặt ra. Vì vậy, để có thể tìm vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển kết cấu giao thông đường bộ, cần thực hiện các giải pháp cụ thể sau:

- Đổi mới tư duy phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Việc chưa tạo được cơ chế thị trường cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân; chưa có chính sách và hình thức thu phí hợp lý để tạo môi trường hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư tư nhân; chưa có cơ chế, chính sách biến tài nguyên đất đai thành nguồn lực để đầu tư phát triển… là những rào cản trong việc thu hút vốn đầu tư xã hội vào lĩnh vực quan trọng này. Vì vậy, Chính phủ cần đổi mới tư duy, đưa ra những giải pháp tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trên, nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế có đủ điều kiện tham gia lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế tham gia lĩnh vực này.

- Ưu tiên vốn ODA để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo đó, Chính phủ cần tập trung sử dụng linh hoạt các nguồn để bố trí đủ vốn đối ứng, tạo thuận lợi để có mặt bằng cho dự án ODA đi vào hoạt động.

- Huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ các thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau, như: đầu tư - khai thác - chuyển giao (BOT), đầu tư - chuyển giao - khai thác (BTO), đầu tư - chuyển giao (BT), đối tác công - tư (PPP); có chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, phí, lệ phí, nhượng quyền; tiếp tục đầu tư một số công trình quan trọng cấp bách bằng việc phát hành trái phiếu Chính phủ.

- Tăng cường huy động nguồn lực đất đai để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thông qua khai thác quỹ đất; cho thuê quyền khai thác và chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ.

- Triển khai “Quỹ Bảo trì đường bộ” để huy động nguồn thu cho công tác bảo trì các công trình đường bộ.

- Hỗ trợ đầu tư các công trình giao thông từ ngân sách nhà nước theo đặc thù vùng miền, nhất là phát triển giao thông nông thôn, cứng hóa mặt đường để thực hiện chương trình xây dựng “Nông thôn mới”.

- Có cơ chế, chính sách áp dụng khoa học, công nghệ mới và sử dụng vật liệu mới, vật liệu sẵn có, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, miền để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

- Rà soát, sửa đổi và bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, định ngạch cho phù hợp với thông lệ quốc tế, các nước khu vực và điều kiện thực tế của Việt Nam.

- Tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ và công nhân lành nghề đồng bộ cả trong quản lý dự án, thi công, tư vấn; thực hiện chương trình đào tạo và đào tạo lại, mở rộng các hình thức và nâng cao chất lượng đào tạo ngành nghề trong giao thông vận tải đường bộ. Có chính sách thu hút cán bộ khoa học, kỹ thuật đến công tác lâu dài tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn./.

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2013). Quyết định số 356/QĐ-TTg, ngày 25/02/2013 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

2. Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (2013). Báo cáo điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

3. Nguyễn Hồng Sơn (2013). Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam, Bản tin Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải, số 1&2/2013

ThS. Hoàng Cao Liêm

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 13/2013