Tăng cường khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu

Báo cáo của WB cho biết, xuất khẩu của Việt Nam tăng 34% trong năm 2011, 18% trong năm 2012 và gần 20% trong quý I/2013; đạt được lợi thế so sánh đối với xuất khẩu các sản phẩm chế biến công nghệ thấp, nông sản và nguyên liệu thô; xuất khẩu nguyên liệu thô, bao gồm cả dầu thô sụt giảm từ 52% trong năm 2000 xuống chỉ còn 30% trong năm 2010; công nghiệp chế biến chủ yếu là sản phẩm công nghệ thấp hoặc trung bình đã tăng từ 43% lên 60% trong khoảng thời gian này.

Tuy nhiên, WB cũng chỉ ra rằng, hiệu quả mạnh mẽ này trái ngược với những thách thức to lớn như hàng hóa xuất khẩu sử dụng công nghệ thấp, thâm hụt thương mại tăng, và giá trị gia tăng nội địa thấp. Bên cạnh đó, do tiến độ tự do hóa thương mại diễn ra nhanh chóng, tăng trưởng thương mại dự trên tự do hóa đang chạm ngưỡng tới hạn.

Theo WB chìa khóa cho tăng trưởng tương lai là tăng cường khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu. Tại Việt Nam tạo thuận lợi thương mại là một phương thức hiệu quả để thực hiện điều này nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, hiệu quả tạo thuận lợi thương mại tại Việt Nam còn khoảng trống để cải thiện.

Theo chỉ số kết quả hoạt động Logistics thương mại (LPI) của WB, Việt Nam được xếp vào một trong số 10 quốc gia có thu nhập trung bình có chỉ số LPI cao nhất nhưng xếp hạng tổng thể của Việt Nam đã không cải thiện trong 5 năm qua. Các chỉ số về tính hiệu quả hải quan, năng lực logistics và cơ sở hạ tầng của Việt Nam giảm mạnh. Bên cạnh đó, hành lang giao thông hạn chế trong kết nối các trung tâm tăng trưởng với các cửa ngõ quốc tế, chi phí vận tải cao, chất lượng dịch vụ vận tải và logistics thấp đã và đang hạn chế sự phát triển của Việt Nam.

Trong thời gian, tuy chú trọng vào cải cách hải quan đã giúp tăng cường quản lý biên giới, nhiều cơ quan vẫn còn áp dụng các thủ tục lạc hậu, tốn kém thời gian, không rõ ràng và tạo điều kiện cho tham nhũng. Quy trình nghiệp vụ phức tạp, không nhất quán, dựa trên thủ tục thủ công và mức độ áp dụng công nghệ thông tin rất thấp.

3 trụ cột cải thiện năng lực cạnh tranh

Để khắc phục những bất cập nêu trên, WB đã đưa ra 3 trụ cột để cải thiện năng lực cạnh tranh cũng như tạo đà để nâng tăng trưởng xuất khẩu và các hoạt động thương mại: Hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics; Thủ tục pháp quy; và tái cơ cấu chuỗi cung ứng.

Đi sâu vào phân tích cụ thể 3 trụ cột này, WB cho rằng, Việt Nam đã đầu tư công rất lớn vào hạ tầng cơ sở. Song, hạ tầng liên quan đến thương mại vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.

"Tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam đang bị hạn chế nghiêm trọng bởi hạ tầng và kết nối giao thông yếu kém. Nó cũng là lý do khiến chi phí vận tải cao, chất lượng dịch vụ vận tải và logistics thấp” – ông Phạm Minh Đức, chuyên gia của WB nhận định.

Trụ cột thứ 2 đó là thủ tục pháp quy. Về trụ cột này, bà Victoria cho biết, dù đã chú ý nhiều tới cải cách hải quan và mang lại nhiều kết quả trong quản lý thương mại qua biên giới, song nhiều cơ quan vẫn áp dụng quy trình thủ tục lạc hậu tốn thời gian, không rõ ràng, và dễ gây ra tham nhũng.

“Đặc biệt, trong thời buổi phát triển công nghệ thông tin, song việc vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật này không nhiều trong công tác quản lý thương mại, điều này cũng liên quan đến trình độ nguồn nhân lực và đây cũng là yếu tố làm giảm năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam”, bà nhấn mạnh.

Liên quan đến trụ cột 3 - tái cơ cấu chuỗi cung ứng - bà Victoria Kwakwa cho hay, sự yếu kém trong chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến và nông nghiệp của Việt Nam đã khiến Việt Nam khó giảm chi phí xuất khẩu và tạo được thêm giá trị gia tăng cần thiết. Bởi vậy, Việt Nam rất cần một chiến lược tái cơ cấu các chuỗi giá trị sản xuất đó là cần phát triển một ngành công nghiệp phụ trợ mạnh mẽ.

"Chỉ khi có ngành công nghiệp phụ trợ tốt, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam mới có tiền đề để giảm các chi phí cũng như thời gian nhập vật tư, nguyên liệu. Đồng thời, đây cũng là yếu tố tạo độ tin cậy cho khách hàng và giúp doanh nghiệp xuất khẩu chủ động đáp ứng các yêu cầu của khách hàng quốc tế” – bà Victoria Kwakwa khẳng định.

Tuy nhiên, ở mức độ vĩ mô, bà Victoria Kwakwa cho rằng: Vấn đề thể chế chính là chìa khóa để tạo thuận lợi cho thương mại nói chung và các công cuộc trên nói riêng. Tuy nhiên, môi trường thể chế của Việt Nam đang đối mặt với thách thức ở nhiều cấp độ. Ở cấp vĩ mô, hiện đang có quá nhiều kế hoạch chiến lược có các hoạt động chồng chéo nhưng lại không tập trung vào tạo thuận lợi cho thương mại, đồng thời nhiều thỏa thuận quốc tế đã được ký kết song lại chưa được thực hiện. Ở cấp độ trung và cấp độ doanh nghiệp, nhiều cơ quan thuộc các cấp chính quyền khác nhau cùng thực hiện các hoạt động hỗ trợ thương mại nhưng lại thiếu sự điều phối, phối hợp nhịp nhàng.

Do đó, chính phủ sẽ đóng một vai trò quan trọng. Cụ thể là chính phủ phải hỗ trợ các hoạt động mang lại ảnh hưởng tích cực từ bên ngoài và có những trợ giúp để thúc đẩy luồng thương mại. Đồng thời, chính phủ phải loại bỏ những yếu tố cản trở, trong đó có việc rút lui dần khỏi những lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể đóng vai trò đi đầu. Chính phủ Việt Nam có thể làm thêm nhiều điều ở từng công việc nói trên. Trong số rất nhiều sáng kiến, việc đầu tư cho tái cơ cấu chuỗi giá trị sản xuất mang lại lợi ích không chỉ là về mặt tạo thuận lợi cho thương mại.

Do đó, báo cáo đề xuất một số khuyến nghị chính sách để phát triển cách tiếp cận này, bao gồm: (1) Thành lập Ủy ban Quốc gia về Tạo thuận lợi thương mại (NCTF) để phát triển và triển khai thực hiện kế hoạch hành động quốc gia cho tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại; (2) Phát triển hạ tầng và dịch vụ giao thông; (3) Đơn giản hóa thủ tục pháp quy để giảm thời gian, chi phí và tăng cường độ tin cậy của thương mại biên giới; (4) Tái cơ cấu chuỗi cung ứng công nghiệp chế biến để tạo ra giá trị và chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; (5) Tái cơ cấu chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.