Hiện nay, tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí còn phổ biến

Cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cho rằng, một trong các biểu hiện lãng phí đáng lo ngại hiện nay có nguyên nhân từ việc đưa ra các quyết định không phù hợp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Ví dụ như quyết định đầu tư thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa dựa trên các yếu tố bảo đảm về tính kinh tế - xã hội, chưa căn cứ vào khả năng thu xếp vốn, từ đó dẫn đến nhiều công trình đầu tư lãng phí, hiệu quả thấp.

Đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) cho rằng, hiện trạng lãng phí ở Việt Nam hiện nay không kém gì tham nhũng, nhưng dường như quyết tâm chính trị vẫn chỉ là quyết tâm xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ, nhằm tăng cường trách nhiệm và nhận thức của người đứng đầu, cũng như cán bộ công chức. Còn những chế tài thì chưa được quan tâm đúng mức.

Đi vào cụ thể, ông Huỳnh Thế Kỳ cho rằng, trên mỗi lĩnh vực đều có những quy định của Chính phủ, quy định về vấn đề gì, sử dụng xăng ra sao, cấp nào được sử dụng loại xe nào, rất cụ thể từng lĩnh vực? Nhiều tỉnh, thành cũng cụ thể hóa thành những quy chế mang tính bắt buộc… Tuy nhiên, đối chiếu với thực tế, lãng phí còn rất lớn.

Đồng ý với đại biểu Kỳ, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, một số điều, khoản trong dự thảo luật sửa đổi vẫn còn chung chung, chồng chéo, khó khả thi và chưa sát với thực tế. Một số lĩnh vực quan trọng với nhiều hành vi gây lãng phí về tiền bạc, tài sản của Nhà nước, của nhân dân đang diễn ra trong thực tiễn nhưng chưa được dự thảo luật quy định để làm rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền.

Cũng về trách nhiệm người đứng đầu, đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) cho rằng một trong các biểu hiện lãng phí đáng lo ngại hiện nay có nguyên nhân từ việc đưa ra các quyết định không phù hợp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, như quyết định đầu tư thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa dựa trên các yếu tố bảo đảm về tính kinh tế - xã hội, chưa căn cứ vào khả năng thu xếp vốn, từ đó dẫn đến nhiều công trình đầu tư lãng phí, hiệu quả thấp.

Nhiều dự án chậm tiến độ vì thiếu vốn, vốn đầu tư bị chôn vào trong các công trình yếu kém hoặc chậm đưa vào khai thác. Hoặc việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định mua máy móc, trang thiết bị hiện đại, nhưng không sử dụng hoặc không ai biết vận hành sử dụng để lâu rồi hỏng, han rỉ dần hoặc sử dụng không hết công năng, sử dụng không hiệu quả gây lãng phí.

Dự thảo Luật vẫn còn bỏ sót nhiều vi phạm

Đi vào một số điều, khoản cụ thể, một số đại biểu cũng cho rằng, bố cục dự thảo luật, một số điều, khoản kết cấu trong dự thảo luật còn thiếu khoa học, lặp đi lặp lại nhiều lần với nội dung giống nhau trong các quy định về xử lý vi phạm.

Điển hình Điểm a, b, c, Khoản 2, các Điều 24, 29, 39, 47, 52, 56 quy định về các hành vi gây lãng phí đều có nội dung như nhau.

Mặt khác, với Khoản 1 của cả 6 điều này quy định các hành vi gây lãng phí đều có câu kết là giao cho Chính phủ quy định cụ thể hành vi gây lãng phí quy định tại khoản.

Hơn nữa, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, từ Điều 12 đến Điều 59 trong Chương II của dự thảo luật, hầu hết các điều, khoản này chỉ mang tính bổ sung cho các điều luật khác có liên quan nhưng không đưa ra biện pháp, chế tài cụ thể nào, thậm chí chỉ quy định rất chung chung. Ông Nam đề xuất, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần phải bổ sung những điểm khuyết trong các luật có liên quan, đặc biệt là các biện pháp chế tài.

Đặc biệt, dự thảo luật đã bỏ qua một lĩnh vực khá quan trọng mà lẽ ra chúng ta phải quy định hành vi gây lãng phí trong lĩnh vực này ngay từ đầu, đó là lĩnh vực tư vấn, cấp phép đăng ký cho thành lập mới các cơ sở giáo dục đào tạo, bệnh viện… Luật phải quy định rõ hơn trách nhiệm bị xử lý kỷ luật người có thẩm quyền phê duyệt các dự án đầu tư trong trường hợp này. Quy định như vậy để làm rõ trách nhiệm trước nhân dân của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền thực hiện nhiệm

Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, dự thảo luật cần quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức có quyết định gây lãng phí. Đồng thời có chế tài xử lý nghiêm minh, phù hợp, vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục, thuyết phục trong trường hợp vi phạm do chủ.

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Ngô Thị Minh nhấn mạnh: "Nếu Chính phủ không sớm yêu cầu các bộ, ngành chức năng chỉ đạo rà soát và xây dựng quy chế hoạt động, trong đó có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân gắn với trách nhiệm để khi để xảy ra hậu quả gây lãng phí tiền bạc, thời gian của Nhà nước, của nhân dân sẽ phải chịu trách nhiệm, đền bù thỏa đáng, thì những quy định về các hành vi gây lãng phí trong dự thảo luật vừa thiếu, vừa không khả thi, khó đi vào cuộc sống. Đồng thời mỗi cá nhân trong cơ quan Nhà nước cũng khó có thể kết nối thông tin với nhau để phối hợp thực hiện nhiệm vụ và xử lý công việc"./.