Tiếp nối tinh thần của VRDF 2018

Theo Ban tổ chức, mục tiêu của Diễn đàn là tìm lời giải những vấn đề lớn trong phát triển của Việt Nam.

Cụ thể là sau khi xác định được động lực tăng trưởng mới trong kỷ nguyên mới, vấn đề quan trọng đặt ra là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn phát triển sắp tới là gì và cần thực hiện những hành động/biện pháp chính sách (policy actions) gì để hiện thực hóa các mục tiêu và ưu tiên đề ra?

Việt Nam cần có những hành động cụ thể và ưu tiên gì để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, cân bằng và hài hòa giữa các nhiệm vụ, như: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy và nâng cao chất lượng tăng trưởng… đồng thời đảm bảo cơ chế thị trường vận hành hiệu quả, góp phần tích cực vào phát triển khu vực kinh tế tư nhân - động lực tăng trưởng mới của quốc gia.

Trong số các nhiệm vụ này, ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là các đột phá chiến lược được dự kiến cho giai đoạn 2021-2030, gắn với Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới chuẩn bị nội dung, chương trình của Diễn đàn và đã thống nhất chủ đề và các nội dung thảo luận trong Diễn đàn đáp ứng được bốn yêu cầu: Gắn liền với cải cách và phát triển; Phản ánh được những vấn đề lớn được Nhân dân quan tâm; Đóng góp thiết thực cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhất là trong nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; Mang tầm vóc quốc tế hoặc khu vực nhằm tăng cường chia sẻ, nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Những nội dung lớn được bàn thảo tại Diễn đàn năm nay có sự nối tiếp của tinh thần VRDF 2018.

Tại VRDF 2018, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tăng tốc trong cải cách/ Ảnh: chinhphu.vn

Trước đó, tại VRDF 2018 tổ chức ngày 05/12/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thừa nhận, để chuyển đổi thành công từ một quốc gia có trình độ phát triển thấp trở thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình với tốc độ phát triển cao và ổn định là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế rằng một quốc gia như Việt Nam ngày nay có thể vượt thoát bẫy thu nhập trung bình trở thành nước có thu nhập trung bình cao sẽ càng là thử thách đầy khó khăn không kém.

Tuy nhiên, Việt Nam luôn cháy mãi khát vọng thịnh vượng, với mục tiêu sẽ gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập cao trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm, chia sẻ trở lại với cộng đồng quốc tế trong những thập niên tới. Sự phát triển của Việt Nam được đặt trong tổng hòa của tính bền vững, bao trùm về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường tự nhiên. Đó là một nền kinh tế dựa trên tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, và có khả năng chống chịu cao với biến đổi khí hậu, thiên tai và mọi người dân đều dược hưởng lợi từ thành quả phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Với tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn “các bạn, các nhà tài trợ tiếp tục gửi gắm niềm tin và đồng hành với chúng tôi trong thời gian tới, giúp Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình, thoát nguy cơ bị tụt lại phía sau trong thế giới toàn cầu hóa”.

VRDF 2019 sẽ gồm 3 phiên

Với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động”, thời lượng diễn ra trong cả ngày, Diễn đàn sẽ có ba phiên. Trong đó, Phiên chuyên đề 1: Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập; Phiên chuyên đề 2: Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình; Phiên toàn thể: Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng.

Phiên toàn thể sẽ có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các phiên chuyên đề tổ chức theo hình thức thảo luận nhóm diễn giả. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đồng chủ tọa phiên 1, phiên 2 và phiên toàn thể.

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Fulbright điều hành phiên 1. GS, TS. Dương Nguyên Vũ, Giảng viên Trường Kỹ thuật Cơ khí và Hàng không vũ trụ, Giám đốc Viện Nghiên cứu quản lý không lưu, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore điều hành phiên 2.

Tham dự Diễn đàn dự kiến có đại diện các bộ, ban, ngành; các chuyên gia, học giả hàng đầu trên thế giới; đại diện một số quốc gia trong khu vực và thế giới có kinh nghiệm liên quan đến chủ đề Diễn đàn; Đại diện các đối tác phát triển của Việt Nam; Đại diện các doanh nghiệp, các tập đoàn trong nước và nước ngoài; Các chuyên gia, học giả và đại diện các cơ quan nghiên cứu trong nước.

Theo dự kiến, trước thềm Diễn đàn, chiều ngày 18/09/2019, sẽ diễn ra Tọa đàm giữa Tổ Biên tập của Tiểu ban kinh tế - xã hội với các chuyên gia quốc tế là các diễn giả, người tham gia thảo luận tại VRDF 2019 nhằm đóng góp hữu ích hơn cho việc nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025./.