“Đã nhiều năm qua ai cũng biết dư luận hễ có công trình xây dựng cơ bản thì phải chi bao nhiêu %, có người nói 10%, có người bảo 30% thậm chí chưa có đồng nào doanh nghiệp đã phải rải tiền các cửa. VCCI vẫn “kêu rên” về tội bôi trơn, nhưng qua giám sát cho thấy, tham nhũng trong xây dựng cơ bản từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dường như không có, có tin được không? tôi không tin, nhân dân càng không tin nhưng bảo có, thì thanh tra và kiểm toán tìm chưa thấy”, đại biểu Nam bức xúc.

Theo báo cáo giám sát tổng mức đầu tư của các dự án có trong danh mục vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006 - 2012 là 409.415,5 tỷ đồng. Đến nay tổng mức đầu tư đã được điều chỉnh lên là 684.794,5 tỷ đồng.

Trước sự việc này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Kiên Giang chỉ ra 3 nguyên nhân:

Thứ nhất, do cơ chế quản lý vốn trái phiếu Chính phủ là cơ chế để ngoài cân đối ngân sách nhà nước, do vậy việc quản lý có phần buông lỏng hơn so với các dự án được quản lý từ nguồn vốn ngân sách tập trung. Nhiều cơ chế quản lý riêng biệt, thông thoáng quá mức.

Thứ hai, công tác chuẩn bị đầu tư có thời gian quá ngắn, gấp gáp. Cụ thể là khi Quốc hội cho phép chủ trương phát hành vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho một dự án cụ thể, Chính phủ yêu cầu các địa phương lập danh mục dự án đầu tư. Nếu địa phương không có đủ thủ tục đầu tư thì sẽ không được đưa vào danh mục. Chính vì vậy công tác chuẩn bị đầu tư của các địa phương gần như chỉ mang tính đại khái, sơ bộ, không có thời gian khảo sát thiết kế, thẩm định kỹ thuật kỹ lưỡng. Do vậy, khi dự án được đưa vào danh mục trong quá trình triển khai mới bắt đầu hoàn chỉnh lại các thiết kế dự toán, dẫn đến tổng mức đầu tư tăng là tất yếu.

Thứ ba, trong khi các dự án sử dụng vốn ngân sách tập trung hay các nguồn vốn ODA, hầu như không có việc điều chỉnh tổng mức đầu tư và kiểm soát rất chặt chẽ. Các dự án thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ lại có cơ chế điều chỉnh quá dễ dàng. Cụ thể là Nghị quyết 881của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư do các yếu tố về giá và các yếu tố khách quan khác ở các dự án đầu tư. Như nhiều dự án đầu tư lại điều chỉnh quá quy định, mở rộng quy mô.

Nhìn nhận nguyên nhân chính dẫn đến việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của hầu hết các dự án do thiếu tính rõ ràng trong quy định dẫn đến các bộ ngành, địa phương tranh thủ để mở rộng và nâng tổng mức đầu tư của các dự án do mình quản lý, đai biểu Bé đề nghị, Quốc hội nên đưa nguồn vốn trái phiếu Chính phủ vào quản lý trong ngân sách tập trung.

Chỉ ra rằng, các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách về phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ hàng năm cũng lặp lại những nhận định về tồn tại, hạn chế, sai sót như trên dẫn đến hiệu quả sử dụng của nguồn vốn là thấp, ông Đặng Thành Tâm (Tây Ninh) chỉ rõ rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chưa cân nhắc, đánh giá thận trọng để có biện pháp xử lý kịp thời mà vẫn tiếp tục đồng ý với Chính phủ trình ra Quốc hội các chủ trương tăng quy mô, mở rộng phạm vi sử dụng vốn TPCP.

Về phía Quốc hội, đứng trước áp lực về nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng ở các địa phương, cũng như thực hiện nhiệm vụ chống suy thoái kinh tế, nên đã không có sự phân tích, đánh giá, nhận thức đầy đủ về bất cập, hạn chế, nên đã thông qua toàn bộ các chủ trương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình.

“Như vậy, ở đây có vấn đề trong việc thông tin trong đảm bảo sự phân tích, đánh giá và sự cân nhắc về tất cả các khía cạnh của một chủ trương, nhất là về rủi ro, tác động tiêu cực của chính sách để đi đến nhận thức đầy đủ giữa các cơ quan của Quốc hội trước khi đưa ra sai quyết định hậu quả là mục tiêu ban đầu của nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chỉ để giải quyết khó khăn, bức bách cho một số ít vùng miền, lĩnh vực với quy mô nhỏ đã trở thành công cụ điều tiết kinh tế, là nguồn bù đắp thiếu hụt ngân sách để chi đầu tư dẫn đến dàn trải, mất khả năng cân đối, nguồn lực lãng phí, thất thoát và không có khả năng tiếp tục đầu tư, góp phần vào gây bất ổn kinh tế vĩ mô trong thời gian vừa qua”, đại biểu Tâm kết luận.

Không chỉ có vậy, đại biểu Tâm còn chỉ rõ, Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất, cơ quan giám sát cao nhất, nhưng chỉ quyết định chủ trương chung, giao lại cho Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua danh mục và phân bổ sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hàng năm, dựa vào đề xuất của Chính phủ vốn được tổng hợp tức các bộ, ngành, địa phương.

Trong khi đó cơ chế phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ thiếu minh bạch khi không có tiêu chí phân bổ, sắp xếp thứ tự ưu tiên cụ thể dẫn đến tình trạng xin cho diễn ra phổ biến, quyền năng thực sự thuộc về các cơ quan đầu mối quản lý nguồn vốn trái phiếu Chính phủ ở các bộ, ngành và không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ.

“Nhưng, những yếu kém đó đã không được xử lý mà còn được dung túng bằng các chủ trương cho tăng tổng mức đầu tư, tăng danh mục dự án. Hệ quả là về phân bổ sử dụng nguồn vốn TPCP không tránh khỏi đã bị lợi dụng, bị lợi ích cục bộ địa phương, lợi ích nhóm chi phối làm cho lệch lạc so với mục tiêu ban đầu, tính công bằng không được đảm bảo, thậm chí nó còn là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực phát sinh, thuật ngữ "chạy dự án" trở thành quen thuộc trong dư luận và cuối cùng đi vào các văn kiện chính thức trong giai đoạn này”, đại biểu Tâm chia sẻ.

Mặc dù có nhiều sai phạm và hạn chế, nhưng một thời gian dài Quốc hội không có một cuộc giám sát nào về nội dung này, chỉ có báo cáo thẩm tra hàng năm của Ủy ban Tài chính ngân sách, gióng lên những hồi chuông cảnh báo yếu ớt trong đề xuất thuyết phục của Ủy ban thường vụ và Quốc hội.

Đến cuối năm 2010, Ủy ban Tài chính ngân sách mới có cuộc giám sát chuyên đề của mình làm cơ sở cho việc bước đầu triển khai các biện pháp kiềm hãm gọi là tăng tốc, khai thác nguồn vốn trái phiếu Chính phủ khi mọi việc đã quá muộn. “Cách thức quản lý tiền bạc của Quốc hội như vậy, cứ như kiểu "đười ươi giữ ống", thì trách nhiệm giám sát của Quốc hội có trọn vẹn chưa?”, đại biểu Tâm thẳng thắn nói./.