TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Không nên trông chờ sự hỗ trợ của Chính phủ

Thưa ông, tại Diễn đàn Doanh nghiệp (VBF) vừa mới diễn ra, cộng đồng doanh nghiệp đã nêu 10 kiến nghị. Vậy, theo ông, trước mắt, kiến nghị nào có thể thực hiện được ngay?

TS. Vũ Tiến Lộc: Những đề xuất có thể làm ngay là giảm thuế xuống 20% để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nới trần chi phí quảng cáo, giảm thuế VAT… Tôi chắc là các biện pháp này sẽ phát huy tác dụng rất nhanh.

Có thể nói, Nghị quyết 02 đã nêu ra những biện pháp đồng bộ, đầy đủ. Vấn đề là phải làm sao để triển khai cho nhanh?

Qua nghiên cứu của VCCI về điều hành ở các địa phương cho thấy, có những kinh nghiệm rất tốt về điều hành trong cải cách thủ tục hành chính, tức là dư địa cải cách trong thủ tục hành chính còn lớn.

Còn trong bối cảnh hiện nay, nếu đòi hỏi Chính phủ phải tung ra gói kích cầu này, gói kích cầu kia thì rất là khó. Bởi, nguồn lực của Chính phủ rất hạn chế. Ngay cả 30.000 tỷ để hỗ trợ mua nhà cho người nghèo kích thích thị trường bất động sản cũng không có ý nghĩa gì nhiều cho thị trường hiện nay. Vì số tiền đó quá ít ỏi so với đòi hỏi của thị trường.

Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp cần là một thông điệp rõ ràng về lộ trình cải cách và Chính phủ kiên định mục tiêu kìm chế lạm phát, thúc đẩy cải cách cơ cấu xây dựng thể chế công khai bình đẳng minh bạch cho mọi thành phần kinh tế. Nếu có một thông điệp rõ ràng như vậy và hành động quyết liệt theo cái đó để cộng đồng doanh nghiệp hình dung được Chính phủ sẽ làm gì?

Tôi nghĩ hiện nay đã có chương trình tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế, chương trình các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, thì Chính phủ thực hiện kiên định như 1 thông điệp để cộng đồng doanh nghiệp có thể yên tâm định hướng tái cấu trúc.

Doanh nghiệp cần những giải pháp đột phá

Mặc dù Nghị quyết 02 đã là một hệ thống giải pháp đồng bộ, nhưng hình như vẫn chưa đủ?

Trong bối cảnh tình hình khó khăn hiện nay, các giải pháp nên đột phá. Thể chế cũng cần phải đột phá. Các biện pháp tái cấu trúc, hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần đột phá. Biện pháp giảm thuế nếu giảm từ 25% xuống 22% thì vẫn là sự ngập ngừng, còn xuống mức 20% mới có thể đáp ứng được như cầu hiện nay và mới mang tính chất đột phá.

Trần chi phí quảng cáo nâng lên 15% cũng là bước đi ngập ngừng chứ chưua phải là đột phá.

Điều quan trọng là giảm thuế doanh nghiệp, thì 1 số đại biểu nói rằng, thuế chúng ta là ở mức trung bình trong khu vực chứ không phải cao. Vì thế, không có lý gì để giảm sâu hơn nữa. Nhưng, trên thực tế, chúng ta dù thuế đang ở mức trung bình, nhưng một số yếu tố khác của môi trường kinh doanh làm chi phí của doanh nghiệp tăng. Ví dụ như: cơ sở hạ tầng còn thấp, công nghiệp hỗ trợ thì chưa phát triển,sự minh bạch trong chính sách còn hạn chế, chi phí không chính thức trong kinh doanh còn cao. Đó là chưa kể đến năng suất lao động còn thấp trong tương quan so sánh với khu vực, số lượng lao động có tay nghề chưa nhiều… Tất cả những yếu tố này làm cho chi phí kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn cao. Do vậy, theo tôi nếu muốn duy trì năng lực cạnh tranh, thì giải pháp nào làm được, thì chúng ta nên lựa chọn.

Cộng đồng DNNN vẫn hướng về Việt Nam

Trong Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, bài phát biểu của ông được rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao. Vậy họ đang nghĩ và muốn gì ở Chính phủ Việt Nam, thưa ông?

Điều rất quan trọng mà cộng đồng doanh nghiệp thấy rất rõ là, chúng ta muốn chuyển sang 1 giai đoạn đầu tư vào lĩnh vực có giá trị gia tăng lớn, có công nghệ cao. Trong trường hợp này, điều quan trọng nhất họ quan tâm là lộ trình tái cấu trúc thể chế, vì để đầu tư dài hạn, doanh nghiệp cần biết lộ trình cải cách sẽ như thế nào? Ví dụ như doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực điện của Việt Nam, thì họ phải xem Nhà nước giải quyết vấn đề giá như thế nào? và lộ trình ra sao? để có thể quyết định đầu tư dài hạn. Như vậy, xét về mặt dài hạn, thì các nhà đầu tư nước ngoài đều đánh giá triển vọng về môi trường đầu tư, kinh doanh của chúng ta rất tốt, nên họ vẫn đang hướng đầu tư vào Việt Nam.

Và, tôi tin rằng, nếu Chính phủ thực hiện đúng những cam kết của mình, kiềm chế được lạm phát, giữ ổn định lạm phát và thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ hơn, đặc biệt là tái cấu trúc các DNNN, tạo cơ hội cho bộ phận doanh nghiệp này có thể đổi mới và tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân, nước ngoài có thể tham gia vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, ngân hàng, thì đây là 1 cơ hội, 1 dư địa của sự phát triển.

Doanh nghiệp nước ngoài cũng đang mong ngóng thực hiện Thông tư 02, thưa ông?

Đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước hoãn thi hành Thông tư 02 về cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, một số nhà đầu tư tỏ ra thất vọng trước quyết định này. Riêng vấn đề này, tôi nghĩ chúng ta cũng nên khuyến khích các ngân hàng tự nguyện trong việc thực hiện sớm Thông tư 02.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này./.