“Xấu” đến mức nào?

Tất cả những con số nêu trên công luận về nợ xấu NH, ở chừng mực nào đó, chỉ phản ánh những khía cạnh nhất định của vấn đề. Một bức tranh toàn diện về thực trạng nợ xấu NH chưa bao giờ được đưa ra. Một lý do dễ hiểu là, ngay chính cơ quan quản lý cũng không chắc chắn nợ xấu hiện bao nhiêu. Thực tế của Việt Nam, nợ xấu NH là một biến số nhạy cảm, gắn chặt với tình hình kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh và diễn biến của thị trường. Chấp nhận thực tế này, tác giả tiến hành chẩn đoán và đưa ra “phác đồ điều trị” cho căn bệnh “nợ xấu NH” dựa trên số liệu có được và coi đây như một giả định, kết hợp với những kết quả định tính được cho là phản ánh đúng bản chất vấn đề với hệ thống số liệu đó.

Theo số liệu đến 31/12/2012 từ các tổ chức tín dụng (TCTD) do tác giả tổng hợp và phân tích, nợ xấu toàn hệ thống khoảng 120 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,1% so tổng dư nợ tín dụng. Số liệu này thấp xa, bằng khoảng một nửa so với con số NHNN có được qua hệ thống thanh tra giám sát của mình. Nếu cộng cả những khoản nợ xấu tiềm tàng, gồm nợ khoanh, nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN, ngày 23/4/2012 và nợ được cơ cấu lại của Vinashin, Vinalines, tổng nợ xấu NH được ước tính lên tới 500 nghìn tỷ đồng, tương đương 18% tổng dư nợ tín dụng, gần 10% tổng tài sản toàn hệ thống hay khoảng 17% GDP danh nghĩa năm 2012.

Đây rõ ràng là một con số đáng sợ, một minh chứng mạnh mẽ để giải thích tại sao tín dụng cho nền kinh tế rơi vào đình trệ, thanh khoản hệ thống NH bất ổn và nền kinh tế chìm sâu hơn trong suy giảm tăng trưởng. Chưa hết, con số này sẽ không dừng lại ở đó, bởi:

(i) Triển vọng kinh tế tiếp tục xấu đi làm các khoản nợ hiện đang được coi là đủ tiêu chuẩn hay chưa xấu sẽ nhanh chóng chuyển thành xấu;

(ii) NHNN siết chặt hơn các chuẩn mực về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN, theo đó nợ xấu được đánh giá lại sẽ tăng lên;

(iii) Các khoản nợ xấu được các TCTD che giấu trước đây, sẽ “bục” dần theo thời gian và sự tiến triển của chương trình tái cơ cấu hệ thống NH;

(iv) Niềm tin của thị trường bị đổ vỡ, không thể dễ dàng được khôi phục bằng các gói giải pháp kích thích, hỗ trợ, tháo gỡ, giải cứu nhỏ lẻ, kém hiệu lực, hiệu quả và kém căn cơ, không tập trung vào xử lý những vấn đề mang tính cốt lõi, hệ thống.

Căn nguyên của tình trạng nợ xấu

Rất nhiều nguyên nhân của tình trạng nợ xấu NH được các chuyên gia kinh tế hay các cơ quan quản lý nhà nước chỉ ra, như:

(1) Môi trường kinh tế quốc tế và trong nước bất lợi;

(2) Sự yếu kém về năng lực quản trị điều hành lẫn chuyên môn và sự xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ NH;

(3) Tương tự như (2) nhưng đối với phía khách hàng vay vốn;

(4) Lỗ hổng trong cơ chế, chính sách, quy định hiện hành và tính hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra giám sát…

Bài viết thay vì đi tiếp vào các nguyên nhân đã được bàn thảo nhiều và rất khó phủ nhận này, sẽ cố gắng gạn lọc, vạch ra một nguyên nhân được cho là cốt lõi, gốc rễ của vấn đề.

Không thể chối bỏ một sự thật là suốt gần một thập niên qua, kinh tế vĩ mô Việt Nam luôn trong tình trạng bất ổn. Các cân đối lớn của nền kinh tế không được đảm bảo vững chắc.

Những thành quả kinh tế trong những năm gần đây, nhanh chóng bị xóa nhòa bởi sự bất ổn vĩ mô dai dẳng. Nói cách khác, chính những nỗ lực “bóp lại cho tròn” những khuyết tật của nền kinh tế thời gian qua là cách làm duy ý chí, trái quy luật khách quan, càng đẩy nền kinh tế chìm sâu hơn trong khó khăn, bế tắc.

Khi tín dụng tăng trưởng “nóng” vượt xa khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, lạm phát tất yếu sẽ bùng phát sau một “độ trễ” nhất định. Ngược lại, khi tín dụng suy giảm, nếu trầm trọng và kéo dài, sẽ dẫn tới nguy cơ giảm phát và đình trệ kinh tế, đi kèm là tình trạng nợ xấu nổi lên.

Thực tế những năm trước đây, khi thực thi chính sách tiền tệ (CSTT) mở, tín dụng tăng trưởng với tốc độ bình quân gần 30%/năm trong suốt thời kỳ 2000-2010, thậm chí đạt tới mức gần 50% trong năm 2007 và nửa đầu năm 2008, thành tích “tăng trưởng kinh tế thần kỳ” chủ yếu nhờ đó có được, đã phải trả giá bằng mức lạm phát cao và kinh tế vĩ mô bất ổn kéo dài sau đó. Nguồn vốn tín dụng dồi dào, dễ dãi, trong bối cảnh khả năng hấp thụ của nền kinh tế có hạn, tất yếu đã giúp thổi phồng “bong bóng” bất động sản và chứng khoán. Một khi tốc độ tăng trưởng tín dụng tiếp tục cao từ năm này qua năm khác, nợ vay được “luân chuyển” và dòng tiền ra vào NH vẫn “bình thường”, thì căn bệnh thanh khoản, đằng sau là nợ xấu chưa bùng phát. Nó chỉ tạo nên những “cơn sốt” nhất thời trên thị trường tiền tệ và sớm thuyên giảm khi NHNN cho “uống thuốc hạ sốt” bằng cách tăng mạnh cung tiền qua các kênh, như: nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, cho vay qua đêm, cung ra VND để mua vào ngoại tệ… hoặc khi có dòng tiền quay lại hệ thống NH.

Năm 2011, thực thi CSTT chặt chẽ để kiềm chế lạm phát của NHNN đã khiến cho thanh khoản của các NH trở thành vấn đề “nóng” suốt cả năm và trở nên “sốt cao” từ khi có sự kiện NHNN tái áp đặt trần lãi suất (Chỉ thị 02/CT-NHNN, tiếp theo là Thông tư 30/2011/TT-NHNN). Sau hơn 5 tháng thanh khoản hệ thống chao đảo, từ khoảng tháng 3/2012 tới nay, một tình trạng đối nghịch với “sốt cao” bất ngờ diễn ra. Thay vì phải cho “uống thuốc hạ sốt”, NHNN đã buộc phải cấp tập “dùng thuốc tăng huyết áp” nhằm ổn định lại “thể trạng” hệ thống.

Đằng sau hiện tượng “thanh khoản” trồi sụt vừa qua, thực chất là vấn đề chất lượng tài sản ngân hàng – nợ xấu. Rõ ràng, “khối u” hay “cục máu đông” này đã làm nghẽn “mạch” tín dụng cho nền kinh tế. Ngược lại, khi thanh khoản của nền kinh tế bị ách tắc (thể hiện ở chỉ số hàng tồn kho tăng cao, tình trạng nợ nần, chiếm dụng vốn lẫn nhau gia tăng…) lại làm cho các dòng tiền ra vào hệ thống NH trở nên bất bình thường.

Dấu hiệu rõ nét của tình trạng “bất bình thường” ở trên là, tín dụng tăng trưởng âm suốt nửa đầu năm 2012 và vẫn trong tình trạng đình trệ tới nay, trong khi nhiều NH bị ứ thừa vốn khả dụng và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm được NHNN giao cho gần như không được sử dụng. Những NH bị bế tắc “đầu ra” trên thị trường tín dụng và cả trên thị trường liên NH này, buộc phải tìm đến kênh đầu tư trái phiếu chính phủ (TPCP) và các loại giấy tờ có giá ít rủi ro khác (không loại trừ cả kênh đấu thầu mua vàng miếng những ngày cuối tháng 4/2013).

Đáng lưu ý là hệ thống NH hiện đang nắm giữ ước tính tới trên 80% tổng lượng TPCP đang lưu hành. Điều này có 3 hệ lụy:

(1) Chính phủ đã động viên một nguồn tài lực lớn ngay từ hệ thống NHTM, thay vì từ các định chế tài chính khác, các tổ chức kinh tế và dân cư, để đầu tư cho khu vực công, tất yếu sẽ làm nguồn vốn tín dụng dành cho khu vực tư bị thu hẹp;

(2) NHNN, ở mức độ nhất định, thực chất đã phải tài trợ gián tiếp cho thâm hụt ngân sách nhà nước (thông qua việc cho vay cầm cố, chiết khấu TPCP… cho các NHTM), góp phần gây lạm phát cao thời gian qua;

(3) Hệ thống NHTM đang đánh mất vai trò trung gian tài chính vốn có của mình – tập trung nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi và dẫn vốn đó đến các dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả tạo ra nhiều hàng hóa và dịch vụ cho thị trường và xuất khẩu. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn, tiếp tục đẩy nền kinh tế chìm sâu hơn trong cái vòng luẩn quẩn của tình trạng bất ổn.

Giải quyết nợ xấu ra sao?

Công luận đã từng có rất nhiều ý kiến, quan điểm mang tính đa chiều xoay quanh việc xử lý nợ xấu NH, tập trung vào các khía cạnh như: chi phí thực hết bao nhiêu? Lấy từ đâu? Cơ chế và phương thức xử lý nợ? Kỹ thuật định giá khoản nợ? Tổ chức và hoạt động của đơn vị trực tiếp xử lý nợ xấu NH?…

Tác giả cho rằng, nền kinh tế sớm muộn cũng cũng phải trả giá cho những sai lầm, yếu kém, buông lỏng của các cơ quan quản lý hữu trách; càng chần chừ, do dự, né tránh bao nhiêu, cái giá phải trả sẽ lớn bấy nhiêu.

Bài viết sẽ tập trung vào 5 giải pháp có tính dài hạn:

Một là, thiết lập hạ tầng tài chính vững chắc

Hạ tầng tài chính bao hàm: các chuẩn mực, quy tắc, quy định về kế toán, kiểm toán, về quản trị doanh nghiệp; các hệ thống thanh toán; khuôn khổ pháp lý điều tiết và giám sát hoạt động của thị trường tài chính nói chung, thị trường tiền tệ nói riêng… nhằm tới mục tiêu hỗ trợ cho hệ thống tài chính hoàn thành tốt vai trò trung gian tài chính của mình, bảo đảm về tốc độ và chi phí chu chuyển vốn, về khả năng truyền tải và phân tán rủi ro tài chính.

Một hạ tầng tài chính vững mạnh rõ ràng là tiền đề quan trọng bảo đảm cho các định chế tài chính (quan trọng nhất là các NHTM) hoạt động tốt và các thị trường tài chính (bao gồm thị trường tiền tệ) vận hành trôi chảy. Nhờ đó, các cơ quan điều tiết và giám sát tài chính - ngân hàng mới có môi trường hoạt động cần thiết để phát huy đầy đủ vai trò của mình. Ngược lại, như thành ngữ “dao sắc không bằng chắc kê”, thiếu một hạ tầng tài chính vững chắc, các cơ quan điều tiết và giám sát tài chính - ngân hàng dù cố gắng, nhưng có thể vẫn thất bại khi thực thi sứ mệnh của mình. Không ai khác, chính Chính phủ và các cơ quan tham mưu liên quan, như: NHNN, Bộ Tài chính… phải đảm đương vai trò thiết lập hạ tầng tài chính vững mạnh cho hệ thống TCTD có thể hoạt động an toàn, lành mạnh và hiệu quả ngay từ khi quy hoạch hệ thống, cấp phép và theo dõi, giám sát, thực hiện quản lý nhà nước về tài chính, tiền tệ.

Hai là, siết chặt các quy chế điều tiết

Vấn đề siết chặt các quy chế điều tiết để bảo đảm “an toàn hệ thống” sẽ luôn được đặt lên hàng đầu, thường xuyên, liên tục, không chờ đến khi nào hệ thống NH phải đối mặt với nguy cơ rủi ro cao mới được quan tâm.

Nhằm ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ hệ thống xuất hiện cuối năm 2011, Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố “bảo vệ 100% các khoản tiền gửi của công chúng”. Đây là một phản ứng đúng, kịp thời và cần thiết. Tuy nhiên, động thái chính sách “bảo đảm không để bất kỳ một TCTD nào bị đổ vỡ” đã đến lúc cần phải được điều chỉnh lại. Có thể “tiền thuế của dân” cuối cùng phải đổ ra để trang trải mọi khoản tiền gửi của công chúng muốn được rút, nhằm tránh không để xảy ra một cuộc hoảng loạn NH – “hiệu ứng đô-mi-nô”.

Khi thực trạng từng TCTD đã bị phơi bày, những định chế nào đã rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán (insolvent) mà không có khả năng hồi phục (trừ trường hợp “quá lớn không để cho vỡ - too big to fail”), cần thiết phải bị “đóng cửa”.

Tiếp theo, mọi quy chế điều tiết quan trọng khác, như các quy định về tỉ lệ an toàn hoạt động NH (đặc biệt là hệ số an toàn vốn tối thiểu – CAR), về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, về cho phép lưu hành một sản phẩm, công cụ tài chính mới hay chấp thuận cho mở rộng quy mô, phạm vi, lĩnh vực hoạt động mà mức độ rủi ro của chúng chưa được lượng định đầy đủ và bảo đảm đủ năng lực kiểm soát (tình trạng “quá lớn để quản lý – too big to manage”) … đều cần được xem xét, đánh giá lại một cách nghiêm khắc và phải được xiết chặt hơn mức “bình thường”.

Ba là, vận hành đầy đủ thể chế thị trường

“Thế kiềng ba chân” - quản trị doanh nghiệp tốt; kỷ luật thị trường phát huy tác dụng đầy đủ; các cơ quan quản lý, giám sát thị trường tài chính - ngân hàng hoạt động hiệu quả, cần được phát triển một cách cân bằng. Việc quá dựa dẫm vào “tuyến phòng thủ số 1” – Hệ thống kiểm tra, kiểm soát và kiểm toán nội bộ/hệ thống quản lý rủi ro của từng TCTD (theo nguyên tắc quản trị doanh nghiệp tốt) trong khi năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan điều tiết và giám sát hữu trách còn yếu kém và thường “đi rất sau” thị trường, lại đặt trong bối cảnh “kỷ luật thị trường” chưa phát huy tác dụng thực sự, là nguyên nhân chính dẫn tới hiện trạng yếu kém của hệ thống TCTD nói chung, nợ xấu nói riêng.

Như đã trình bày, sự phát triển quá “nóng” trong một thời gian dài của hệ thống TCTD đối lập với năng lực quản trị điều hành nội bộ các TCTD và đặc biệt là tình trạng quản lý, thanh tra, giám sát yếu kém hoặc chủ quan, sơ hở, thiếu minh bạch, cùng với một thể chế thị trường “nửa vời”, đã dẫn tới sự tích tụ rủi ro hệ thống đủ lớn, tạo nguy cơ đổ vỡ dây chuyền, mà chi phí cứu chữa sẽ vô cùng lớn.

Rõ ràng, trong khi năng lực quản trị điều hành nội bộ các TCTD lẫn năng lực điều tiết và giám sát NH của các cơ quan hữu trách chưa thể được cải thiện “một sớm một chiều” và đòi hỏi cần có nguồn tài lực lớn để đầu tư, thì để cho cơ chế thị trường được vận hành một cách thực sự hơn, đầy đủ hơn là lựa chọn hợp lý.

Bốn là, tăng cường pháp chế

Pháp chế, như đã được biết, là một chế độ và trật tự pháp luật, trong đó tất cả các chủ thể quản lý và đối tượng bị quản lý đều phải tôn trọng và thực hiện một cách nghiêm chỉnh, triệt để và chính xác. Tăng cường pháp chế trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động NH là việc các cơ quan nhà nước liên quan, bao gồm NHNN và các đối tượng bị quản lý là các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, tổ chức có hoạt động NH, mọi tổ chức kinh tế và công dân, đều phải tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về tiền tệ và hoạt động NH.

Năm là, giải quyết vấn đề “con người”

Công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình, áp dụng tối đa công nghệ thông tin hiện đại trong mọi quy trình tác nghiệp, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro đạo đức có thể phát sinh, được coi là “giải pháp của mọi giải pháp”. Các chủ trương, chính sách, giải pháp dù hay bao nhiêu vẫn có thể bị phi hiệu lực, phi hiệu quả, thậm chí phản tác dụng do lỗi của người thực thi – trình độ, năng lực hạn chế, thái độ hành xử không đúng, đạo đức nghề nghiệp thoái hóa.

Tài liệu tham khảo

  1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Báo cáo thường niên các năm từ 2004-2010.
  2. Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2006 – 2011 và Triển vọng 2012 – 2015.
  3. Uỷ ban Kinh tế Quốc hội và UNDP tại Việt nam, 2012, Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2012: Bất ổn vĩ mô: cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế.
  4. Maritime Bank, các báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam định kỳ.

TS. Trịnh Quang Anh

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 9/2013