Tọa đàm ra mắt Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt - Đức

Nguồn lực trí thức lớn mạnh ở nước ngoài

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 400.000 người hoạt động trong các lĩnh vực về khoa học và công nghệ.

Trong số đó, không ít người là những chuyên gia đầu ngành, có uy tín trong cộng đồng khoa học và công nghệ trên thế giới, như: GS. Ngô Bảo Châu, GS. Đàm Thanh Sơn, GS. Vũ Hà Văn...

Bên cạnh đó, không ít kiều bào đã thành đạt và tạo được dấu ấn trong các lĩnh vực khác từ chính trị, văn hóa cho đến kinh doanh.

Trung bình mỗi năm có hàng trăm nghìn lượt kiều bào về thăm quê hương, hàng nghìn lượt doanh nhân Việt kiều tìm kiếm cơ hội kinh doanh, hàng trăm lượt chuyên gia, trí thức về tham gia nghiên cứu, giảng dạy, hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ ở Việt Nam.

Đến nay, có hàng nghìn doanh nghiệp của Việt kiều tham gia góp vốn, đầu tư nhiều tỷ USD về Việt Nam.

Kết nối, thiết lập mạng lưới, đưa nguồn lực trí thức về Việt Nam

Cuối tháng 8 năm ngoái, cách đây hơn 1 năm, với sự khởi xướng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hơn 100 nhà khoa học Việt Nam từ nước ngoài đã được mời về nước tham dự một chuỗi chương trình kéo dài một tuần nhằm “hiến kế” thúc đẩy phát triển nền khoa học công nghệ 4.0 của đất nước.

Sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ra đời được kỳ vọng sẽ góp phần đưa Việt Nam nhanh chóng bắt kịp, tiến cùng và vượt lên về khoa học, công nghệ và kinh tế.

Chương trình diễn ra rất sôi nổi với nhiều hoạt động, trong đó một cuộc đối thoại giữa các nhà khoa học với Thủ tướng Chính phủ, tại đó các nhà khoa học trẻ đã có cơ hội bày tỏ quan điểm, nguyện vọng và đề xuất giải pháp nhằm giúp nước ta theo kịp bước tiến của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trên toàn cầu.

Tuy nhiên, sau khi chương trình này kết thúc, một câu hỏi lại được đặt ra là làm thế nào để thực sự thu hút những nhân tài của Việt Nam về đóng góp cho sự phát triển của đất nước, không chỉ ở lĩnh vực khoa học công nghệ, mà còn ở nhiều lĩnh vực khác, như: chính trị, văn hóa, kinh doanh?

Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt - Đức (VGI – Vietnam Germany Innovation Network) đã chính thức được ra mắt tại Berlin

Để trả lời câu hỏi này, ngày 14/9/2019, sự kiện ra mắt Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt - Đức (VGI – Vietnam Germany Innovation Network) đã diễn ra trọng thể tại Đại học Tổng hợp Humboldt, thủ đô Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức.

Sự kiện này có sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nhân tiêu biểu cho thế hệ tài năng, trí thức người Việt đang học tập, làm việc tại quốc gia này, cùng với sự có mặt của đại diện các tập đoàn, công ty lớn của Đức và Việt Nam.

Mạng lưới VGI được ra mắt đúng thời điểm có nhiều ý nghĩa lịch sử và phù hợp với các tiến trình quốc tế.

Thời gian tới, Đức sẽ kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất và cũng là dấu mốc 30 năm nhân loại chứng kiến sự ra đời của giao thức mạng liên kết toàn cầu WWW và công nghệ định vị toàn cầu GPS, hai công nghệ nền tảng trong công nghiệp 4.0 ngày nay. Đặc biệt, Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững.

Sự ra đời Mạng lưới VGI khởi nguồn từ chuyến công tác của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đến CHLB Đức, khi Bộ trưởng đặt vấn đề với Đại sứ Việt Nam tại Đức xây dựng kế hoạch hình thành Mạng lưới này.

Ngày hôm trước, 13/9/2019, tại Boston, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gặp các bạn sinh viên Việt Nam tại Boston. Boston là thủ phủ của bang Massachusetts, nơi được mệnh danh là “thủ đô tri thức” của nước Mỹ. Từ lâu, thành phố này đã sớm được biết đến như là một điểm đến lý tưởng đối với sinh viên du học Mỹ nhờ sở hữu một nền giáo dục tiến bộ cùng hệ thống các trường đại học và cao đẳng danh giá; đơn cử như Harvard University, Massachusetts Institute of Technology, Boston University, University of Massachusets…

Ngày 13/9/2019, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gặp các bạn sinh viên Việt Nam tại Boston

Trước đó, ngày 8/9/2019, Bộ trưởng đã gặp gỡ các thành viên Mạng lưới đổi mới sáng tạo và các trí thức người Việt tại Silicon Valley.

Ngoài những thành viên đã trở về năm 2018, như: TS. Lê Viết Quốc (Google), Minh Đỗ (NASA), Vũ Duy Thức (Kambria), buổi gặp gỡ còn có sự tham gia của nhiều bạn trẻ tài năng trên các lĩnh vực: y học, robotics, AI, vật liệu thông minh... và nhiều trí thức người Việt hiện đang làm việc tại Silicon Valley.

Dự kiến vào tháng 11/2019, tại Nhật Bản, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam - Nhật Bản sẽ ra đời, sau cuộc gặp gỡ giới trí thức Việt tại Nhật Bản do Bộ trưởng tổ chức vào đầu tháng 8/2019.

Những nỗ lực vẫn đang được triển khai tiếp tục để Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam toàn cầu được thiết lập./.